13/05/2018 15:00 GMT+7

Những vựa tro do con dâu quản lý trên kênh Chợ Gạo

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TTO - Tận dụng lợi thế "trên bến, dưới thuyền", ở góc ngã ba kênh Chợ Gạo - rạch Kỳ Hôn hình thành xóm mua bán tro của những người nghèo không có đất sản xuất từ trước những năm 1960.

Những vựa tro do con dâu quản lý trên kênh Chợ Gạo - Ảnh 1.

Đóng tro vào bao đưa đi tiêu thụ - Ảnh: V.TR.

Cuộc sống từ những hầm tro

Từ năm 1986-1992, hầu như ngày nào tôi cũng đi ngang qua xóm tro để đến trường. Chuyện tro bay vào mắt cay xè hay quần áo dính đầy tro không có gì lạ.

Sau mỗi vụ thu hoạch lúa, tôi và nhiều đứa trẻ khác trong xóm tranh nhau từng bó rơm chất giữa ruộng đốt lấy tro bán lấy tiền mua sách vở. Một số thầy cô giáo ở huyện Chợ Gạo cũng phải làm thêm nghề tro sau giờ lên lớp để cải thiện đời sống. Tro đã đem lại cơm ăn, áo mặc cho rất nhiều gia đình nghèo.

Bà Võ Thị Cầm (78 tuổi) kể ngày xưa những người đến với nghề mua bán tro đều rất nghèo, không có đất sản xuất. Xóm tro thuộc khu 2 và khu 3 của thị trấn Chợ Gạo và một phần nhỏ của xã Long Bình Điền (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) bây giờ.

"Năm 1965 tôi về đây làm dâu thì đã thấy có rất nhiều hộ mở vựa tro rồi. Tôi nghe cha mẹ kể xóm tro này có từ trước năm 1960 lận" - bà Cầm nhớ lại.

Ông Phan Văn Tươi (Tám Tươi, 71 tuổi, ngụ khu 3, thị trấn Chợ Gạo) là người vác tro thâm niên bậc nhất ở xóm tro Chợ Gạo. Ông kể khi bắt đầu đi học ông đã thấy trong xóm có mấy vựa mua bán tro.

Sau năm 1975 gia đình không có đất đai sản xuất nên ông xin làm bốc vác ở các vựa tro. Phần lớn thời gian trong ngày ông và những đồng nghiệp khác phải làm việc trong các hầm tro tối đen.

Vợ chồng ông Tươi có bốn người con. Cuộc sống rất khó khăn nhưng ông bà bắt con phải đi học với hi vọng thoát khỏi cảnh tăm tối ở hầm tro. Khi thấy bốn người con ông lần lượt trúng tuyển ĐH, cả xóm tro vui như tết. Còn vợ chồng ông thì buồn não ruột vì không tiền lo học phí cho con. Thấy vậy, người con gái thứ ba tình nguyện bỏ ước mơ giảng đường đi làm kiếm tiền phụ cha mẹ nuôi em.

Tháng 9-2005, hay tin Phan Trí Thủ (con trai duy nhất của vợ chồng ông Tám Tươi) trúng tuyển ĐH nhưng có nguy cơ bỏ học, báo Tuổi Trẻ đã trao học bổng "Tiếp sức đến trường" hỗ trợ em thực hiện ước mơ của mình. Giữa tháng 4-2018, khi trở lại xóm tro tôi đã gặp ông Tám Tươi. Ông hào hứng nói: "Các con tui đều ra trường có việc làm ổn định hết rồi. Vợ chồng tui mãn nguyện lắm".

Con dâu giữ nghề nhà chồng

Một điều rất đặc biệt ít người biết đó là những vựa tro ít ỏi còn tồn tại ở xóm tro Chợ Gạo đều do những người con dâu quản lý.

Bà Võ Thị Mỹ Lệ (Bảy Lệ, 58 tuổi) lấy chồng ở xóm tro. Nhà chồng sát con đường dẫn xuống bến phà cũ. Phía sau nhà là kênh Chợ Gạo. Vựa tro đặt ở bờ kênh từ trước năm 1975. Về nhà chồng làm dâu, bà Bảy Lệ buộc phải theo nghề tro.

"Hai năm đầu làm dâu tui phải lội bộ mua tro đem về bán cho lái ở miền Đông Nam Bộ. Sáng mở mắt ra là quẩy gánh đi. Nghề này cực lắm, phải đến từng nhà kiếm tro mà mua. Lúc khan hiếm, nửa bao cũng mua gom. Mua xong gánh ra đầu đường gửi. Chiều thuê xe bò đi gom chở về vựa" - bà kể.

Vợ chồng bà Bảy Lệ có năm người con, trong đó ba người tốt nghiệp ĐH, hai người học trung cấp nghề đều có cuộc sống ổn định. Bà vẫn không muốn bỏ nghề dù lâu lâu mới có ghe từ Tây Ninh, Đồng Nai xuống giao gạch cho khách hàng ở Bến Tre, sẵn tiện ghé Chợ Gạo lấy tro về bán cho các trang trại trồng mía, đậu phộng...

"Năm 1980 cả xóm tro vỡ nợ. Vựa tro của vợ chồng tui chỉ còn đúng 15 bao. Lớp thương lái nợ rồi bặt tăm, lớp người mua tro mượn tiền làm vốn nhưng không trả. Hai vợ chồng trắng tay, định bỏ nghề, bỏ xứ trốn nợ. Nhưng sợ bỏ nghề thì không đòi được nợ nên cứ đeo bám cho tới bây giờ" - bà Bảy Lệ kể.

Nghề này cực lắm, phải đến từng nhà kiếm tro mà mua. Lúc khan hiếm, nửa bao cũng mua gom.

Bà VÕ THỊ MỸ LỆ

Cách nhà bà Bảy Lệ chừng hơn 100m là vựa tro của bà Trần Thị Lệ Chi (Út Chi, 48 tuổi). 20 năm trước bà Út Chi lấy chồng về xóm tro này và cũng quẩy gánh đi mua từng giạ tro như cái nghề truyền thống của gia đình chồng.

Bà ngoại chồng là một trong những người đầu tiên mở vựa tro bên bờ kênh Chợ Gạo này. Mẹ chồng chị lớn lên cũng làm chủ vựa. Chị Út Chi là đời thứ ba và giữ nghề cho đến bây giờ. Hôm tôi đến, vựa tro kế bên nhà chị đầy ắp.

Bà Võ Thị Cầm (78 tuổi, ở cách bờ kênh Chợ Gạo chừng 100m) kể: "Tui lấy chồng về đây thì thấy có nhiều người mở vựa tro rồi. Hai vợ chồng sống trong căn nhà chỉ có 37m2 và cũng mua bán tro kiếm sống. Bao tro chất từ trước cửa ra tới sau nhà. Nhà bếp, phòng ngủ cũng phải chứa tro. Không có bữa ăn nào không bị bụi tro bay vào cơm, canh. Mùng mền cứ hai ba ngày giặt một lần, quần áo thì gần như lúc nào cũng bám đầy tro".

Chủ các vựa tro còn sót lại ở xóm tro bây giờ không còn thuộc diện nghèo như ngày xưa. Kinh tế của ai cũng khá giả. "Nghề tro suốt ngày sống chung với bụi bặm. Kinh tế gia đình giờ khá rồi sao chị không nghỉ cho khỏe?" - tôi hỏi.

Bà Út Chi cười: "Bây giờ ở các tỉnh miền Đông vẫn còn dùng tro để cải tạo đất nên còn mua tro. Mặc dù lâu lâu mới bán được một xe hay một ghe bầu. Cả vốn lẫn lời chưa được 10 triệu đồng, nhưng người ta cần thì mình mua về bán. Mấy chục năm gắn bó với nghề này rồi, giờ bỏ không cam lòng".

cho-gao-2

Ghe chở rơm về giao cho các vựa rơm ở Chợ Gạo - Ảnh: V.TR.

Hết thời tro tới thời... rơm

Sau khoảng 60 năm tồn tại, nghề mua bán tro sắp kết thúc vai trò lịch sử của nó. Hiện nay ở cặp bờ kênh Chợ Gạo thuộc khu vực xã Tân Thuận Bình, Quơn Long (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) xuất hiện nhiều vựa mua bán rơm.

Nếu như mấy chục năm trước người ta đốt rơm lấy tro bán làm phân cải tạo đất thì bây giờ rơm sau thu hoạch đều được máy cuốn lại thành cuộn 20kg, vận chuyển đi khắp nơi bán giá cao hơn rất nhiều so với tro.

Rơm được dùng để phủ gốc thanh long và nhiều loại cây trồng khác để chống bốc hơi nước hay cho bò ăn. Diện tích trồng cây ăn trái ở các tỉnh phía Nam tăng nhanh nên nhu cầu rơm rất lớn.

_________

Kỳ tới: Đoạn kênh tử thần

Kênh Chợ Gạo - yết hầu miền Tây và bức ảnh 140 năm trước Kênh Chợ Gạo - yết hầu miền Tây và bức ảnh 140 năm trước

TTO - Kênh Chợ Gạo được người Pháp cho đào thủ công cách đây hơn 140 năm, chỉ sau một thời gian ngắn chiếm đóng Nam kỳ, nhằm nối sông Tiền và sông Vàm Cỏ, tạo tuyến đường thủy từ Sài Gòn đi miền Tây Nam Bộ ngắn nhất.

Con kênh... xuất khẩu gạo Con kênh... xuất khẩu gạo

TTO - Đồng bằng sông Cửu Long (miền Tây) không chỉ là "vựa lúa" của VN mà còn của thế giới. Suốt hơn 140 năm qua, tàu thuyền vẫn miệt mài chở lúa gạo qua kênh Chợ Gạo về Sài Gòn rồi đưa đi khắp nơi.

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên