Bác sĩ Cao Hồng Phúc (Bệnh viện Quân Y 103) cho biết dây thần kinh số 7, hay còn gọi là dây thần kinh mặt, là một dây hỗn hợp có đầy đủ chức năng của một dây thần kinh ngoại vi bao gồm: vận động, cảm giác, thực vật, dinh dưỡng và phản xạ.
Liệt mặt ngoại biên gây tổn thương biểu hiện ở nửa mặt, có thể kèm theo các rối loạn vị giác 2/3 trước lưỡi, đau tai...
Bênh có thể tiến triển nặng hơn sau 48 giờ, có thể gây các biến chứng như loét giác mạc, rối loạn tuyến nước mắt, co giật, co cứng cơ mặt, thậm chí mù lòa do mắt không thể nhắm được hoàn toàn gây khô mắt, tổn thương niêm mạc.
Liệt mặt trung ương: Tổn thương biểu hiện 1/4 dưới của mặt, thường kèm theo liệt vận động do tổn thương bán cầu não nên mang tính chất rất nguy hiểm.
Để tránh liệt mặt, mọi người nên lưu ý các thói quen sau:
Thể dục quá sớm
Tập thể dục, nhất là thể dục buổi sáng rất tốt cho cơ thể nhưng cần lưu ý khi thể dục vào mùa thu và mùa đông. Vì nếu không bạn có thể dính bệnh liệt mặt sau khi thể dục xong.
Đó là vì sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn. Lúc đang ngủ, cơ thể chúng ta đang được sưởi ấm và mạch máu đang giãn nở hết sức để đưa máu nuôi dưỡng mọi cơ quan. Nhưng khi gặp lạnh đột ngột lúc chúng ta bước ra trời để thể dục sáng, các mạch máu bị gặp lạnh đột ngột, co lại và tăng trương lực quá mức.
Sự co mạch quá mức đến không thể phục hồi ở vùng mặt làm liệt dây thần kinh số 7. Hậu quả là bạn bị liệt một bên mặt.
Dây thần kinh số 7 dễ bị ảnh hưởng nhất vì đây là bộ phận hở đầu tiên và nhiều nhất của cơ thể. Nó có thể làm rối loạn vi tuần hoàn trên mặt dẫn tới rối loạn chức năng thần kinh. Vì thế, không nên đi thể dục sớm quá để tránh biến chứng này.
Nên tập thể dục ở thời gian vừa phải, tốt nhất không nên thể dục khi còn dày đặc sương vì đó là dấu hiệu chứng tỏ trời rất lạnh. Nếu không có đủ thời gian để đợi sáng rõ tập thể dục thì cũng nên tập thể dục khi trời tan bớt sương giá. Thậm chí, nếu không sắp xếp được thì nên chuyển về chiều.
Làm việc quá muộn
Làm việc muộn tuy không là thủ phạm trực tiếp gây ra rắc rối với dây thần kinh số 7 dẫn tới liệt mặt nhưng nó là nguy cơ tác động gián tiếp. Làm việc muộn khiến cho thần kinh hết sức căng thẳng, hệ tim mạch cũng hoạt động trong trạng thái căng thẳng.
Chúng sản sinh ra nhiều gốc tự do vốn có liên quan mật thiết tới sự hủy hoại bao thần kinh của dây thần kinh như dây số 7. Nó có thể không gây ra liệt mặt ngay lập tức sau một đêm làm việc muộn nhưng sự tích lũy của nó có thể làm cho dây thần kinh dễ bị dính nguy cơ.
Cách tránh liệt mặt trong làm việc là: tránh làm việc quá căng thẳng, nhất là người có thần kinh yếu. Không nên làm việc quá muộn. Thời điểm 23-24h là thời điểm giới hạn cho một buổi tối làm việc. Tốt nhất nên đi ngủ lúc 22h mỗi tối và không nên vượt quá mốc 23h đêm.
Nên kết thúc việc ở cơ quan vào lúc 18h vì chạy xe ngoài đường ban đêm không có lợi cho sức khỏe. Làm việc đêm nên để chế độ điều hòa ít lạnh, chỉ dừng ở khoảng 27 độ là vừa. Lạnh hơn, cơ thể sẽ thích ứng kém hơn và dễ gây tổn hại dây thần kinh mặt.
Chạy xe không che chắn
Lý do chạy xe máy không che chắn có thể gây ra liệt mặt là vì sự mất nhiệt quá lớn. Xe máy thường lưu thông với vận tốc cao. Thế nên khi bạn không bảo vệ cơ thể kỹ càng, không che chắn mà phơi trần cơ thể hoặc phơi mặt ra gió thì rất dễ mất nhiệt.
Sự lưu thông nhiệt càng nhiều và càng lớn, hậu quả là cơ thể bị nhiễm lạnh và tất phải co mạch lại để bảo vệ. Sự co mạch mạnh, kéo dài trong suốt thời gian chạy xe làm cho bệnh liệt mặt dễ xảy ra.
Để phòng tránh trong tình huống này là nên che chắn cẩn thận khi đi xe máy. Nếu như di chuyển đường dài, tốc độ cao nên dùng mũ bảo hiểm ôm kín đầu có kính chắn gió. Nên mặc áo kín để tránh mất nhiệt. Không nên đi đường quá dài liên tục. Thường thì nên chạy xe 1-2 giờ thì dừng, nghỉ ngơi một lần. Khi chạy xe máy, bạn hạn chế di chuyển vào ban đêm, đường dài.
Dưỡng sinh chỗ quá gió
Tập thể dục dưỡng sinh vốn là môn thể dục ưa thích của người cao tuổi. Không may, đây cũng là lứa tuổi dễ bị liệt mặt. Vì thế, nếu có tập dưỡng sinh, khuyên nên tập ở chỗ không quá lộng gió.
Lý do nên tránh tập dưỡng sinh chỗ quá gió là vì dưỡng sinh là những bài tập không có nhiều động tác nhanh mạnh mà chỉ là những động tác chậm rãi. Vì thế lượng nhiệt sản sinh ra là không nhiều. Nếu chúng ta chọn vị trí quá thoáng thì lượng nhiệt sinh ra không đủ bù cho lượng nhiệt mất đi, chưa nói đến là làm ấm cơ thể.
Bạn dễ bị nhiễm lạnh dẫn đến co các cơ trên thân mình và co mạch máu ngoài da. Cơ mặt và hệ vi mạch ở mặt chịu ảnh hưởng rõ nhất. Dây thần kinh số 7 bị thiếu nuôi dưỡng cấp tính dễ dẫn đến mất chức năng và liệt mặt xảy ra.
Do đó, nên chọn chỗ thoáng nhưng gió không mạnh. Nếu khỏe thì có thể tập cạnh những chỗ có mặt nước thoáng như bờ hồ, bờ biển. Nhưng nếu yếu thì nên tránh những chỗ này. Chọn chỗ không quá thoáng nhưng cũng không quá kín.
Ngủ không kín gió
Ngủ ban đêm ở vị trí gió lùa là nguy hiểm nhất. Ban đêm, mọi hoạt động của cơ thể chùng xuống. Khi ngủ, mọi chức năng của cơ thể giảm xuống tối đa, các chức năng còn chùng hơn.
Các hoạt động sinh lý thường ngày như vận mạch, tuần hoàn, sinh nhiệt mạnh mẽ nhưng về ban đêm, lúc ngủ các hoạt động chỉ còn là cơ sở. Nếu ngủ tại vị trí gió lùa như cửa sổ không đóng, cửa chính chân quá cao, ô thoáng nhà… bạn sẽ bị mất nhiệt, nhiễm lạnh, co mạch.
Trên cơ thể, khi ngủ có thể co người lại ủ ấm nhưng mặt thì không thể giấu được vào đâu nên mặt rất dễ bị lạnh. Khi ngủ ban đêm, sờ lên mặt bao giờ cũng thấy mặt "mát" nhất. Đó là lý do mặt hay bị rối loạn thần kinh và tuần hoàn nhất.
Ở người già, sự rối loạn này càng dễ xảy ra và càng làm cho tình hình trở nên nghiêm trọng. Vì thế, ngủ tránh gió lùa là quan trọng để bảo vệ mặt khỏi bị liệt và méo miệng vào sáng hôm sau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận