27/06/2018 08:09 GMT+7

Những thay đổi nhìn từ đề thi

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG ghi
VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG ghi

TTO - Khó hơn, dài hơn là nhận xét của nhiều thí sinh sau khi hoàn thành bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên. Nhưng ở góc nhìn của các giáo viên phổ thông thì có những ý kiến khác nhau.

Những thay đổi nhìn từ đề thi - Ảnh 1.

Thí sinh trao đổi trước giờ thi tiếng Anh kỳ thi THPT quốc gia tại điểm thi Trường THPT Gia Định, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Trong khi đó, đề thi tiếng Anh được đánh giá là có tính phân loại tốt và khó có điểm 10.

Đề sinh: Người hài lòng, người thấy thiếu "tầm"

Thầy Đinh Văn Tiên (giáo viên môn sinh Trường THPT Gia Định, TP.HCM):

Về tổng quan, đề dài và có tính phân loại cao hơn năm trước. Kiến thức chương trình sinh học 11 năm đầu tiên được đưa vào đề thi với 8 câu hỏi, tương ứng 2 điểm. Nhóm câu vận dụng cao tăng lên đáng kể. Đặc biệt là các câu hỏi dạng đếm số câu đúng, sai tăng so với năm trước. Cụ thể năm 2017 đề có 10 câu dạng này, năm nay là 20 câu, tương đương 5 điểm.

Về cơ bản cấu trúc đề, tương quan lý thuyết/bài tập vẫn như đề các năm gần đây. Bài tập không mới nhưng dài, đòi hỏi thí sinh phải rèn luyện nhiều và cách tiếp cận nhanh mới đủ thời gian hoàn thành.

Với đề thi năm nay, dự đoán phổ điểm sẽ tập trung ở 4,5 - 6,5 điểm. Từ mức điểm 7 trở lên, độ khó sẽ tăng đáng kể. Để đạt được điểm 9, điểm 10 thì thí sinh cần xác định sớm mục tiêu cụ thể, trên cơ sở đó đưa ra phương pháp học khoa học.

Thầy Nguyễn Quang Minh (tổ trưởng tổ sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ, TP.HCM):

Một đề thi trắc nghiệm ở cấp độ toàn quốc, với mục tiêu 2 trong 1 mà câu hỏi nào cũng ở dạng "có bao nhiêu phát biểu đúng?" thì tôi rất buồn. Lẽ ra đề thi phải có nhiều câu hỏi ở nhiều dạng khác nhau như chọn một đáp án chính xác nhất, chọn những đáp án đúng…

Đề thi môn sinh này sẽ được nhiều trường dùng để xét tuyển vào bậc ĐH, trong đó có những trường rất quan trọng như ĐH Y dược, nhưng lại không có những câu hỏi thuộc dạng suy luận, vận dụng cao. Đề thi không khó nhưng quá dài, thí sinh làm không được không phải vì không biết làm, mà không đủ thời gian để làm. Thế thì làm sao phân biệt được thí sinh giỏi và thí sinh không giỏi?

Môn hóa: "Cuộc chiến" vào trường ĐH tốp đầu nằm ở 10 câu cuối

Cô Lan Anh (giáo viên môn hóa Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội):

Đề hóa năm nay rất dễ ở khoảng 20 câu đầu. Theo đó, những thí sinh chỉ cần đạt điểm để xét tốt nghiệp THPT sẽ dễ dàng có được 5 điểm. 10 câu tiếp theo thì mức độ khó dần lên, nhưng những học sinh khá vẫn có thể hoàn thành tốt vì câu hỏi khá cơ bản. 10 câu cuối thực sự là "cuộc chiến" của những thí sinh sẽ dự tuyển vào các trường ĐH tốp đầu. 

So với đề thi năm trước và các năm trước nữa thì những câu hỏi "hàn lâm", câu hỏi phải tính toán bớt dần, đã xuất hiện các câu thiên về thực nghiệm. Nhưng cá nhân tôi thấy là cần mạnh dạn hơn trong việc giảm các câu tính toán thuần túy, tăng câu hỏi mang bản chất hóa học.

Nếu đặt ra việc đổi mới thi cử, cụ thể là đổi mới cách ra đề thi THPT quốc gia để đủ sức tác động tích cực trở lại việc dạy học, tiệm cận với việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới thì theo tôi, đổi mới ở đề thi hóa năm nay vẫn chưa đạt tới. 

Tuy nhiên, điều này cũng phải chia sẻ với ban ra đề thi vì đổi mới các môn xã hội, đặc biệt là môn ngữ văn, sẽ thuận lợi hơn các môn khoa học tự nhiên. Nhất là muốn kiểm tra đánh giá chuyển mạnh theo hướng thực hành, thực nghiệm. Vì điều này cần điều chỉnh dần cùng với việc đổi mới điều kiện dạy học (thực hành, thí nghiệm) ở các nhà trường.

Thầy Phan Trọng Quý (giáo viên môn hóa Trường trung học Thực hành - ĐH Sư phạm TP.HCM):

So với năm trước, đề thi môn hóa năm nay hay hơn và phân loại thí sinh tốt hơn dù độ khó của các câu hỏi cũng cao hơn. Nội dung các câu hỏi trong đề khá đa dạng, nhưng ít có câu hỏi thuộc dạng học thuộc lòng. Thay vào đó là những câu hỏi yêu cầu thí sinh phải suy luận.

Những câu hỏi trong đề không xa lạ đối với học sinh đã từng luyện thi, nhưng thực sự thí sinh phải làm bài rất nhanh mới kịp thời gian. Tôi cho rằng năm nay, "cơn mưa điểm 10" môn hóa sẽ không lặp lại như năm trước. Với đề thi như năm nay thì số thí sinh đạt điểm 9 chắc cũng không nhiều.

Môn lý: Yêu cầu xét tốt nghiệp thì dễ đạt

Thầy Trần Văn Huy (giáo viên môn lý Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội):

Đề vật lý năm nay gần sát với đề thi minh họa đã được Bộ GD-ĐT công bố. Những câu hỏi khó mang tính phân hóa cao đều rơi vào phần kiến thức lớp 12. Có 15-20% kiến thức lớp 11 trong đề thi, nhưng đều thuộc nhóm câu hỏi rất cơ bản. Những học sinh quá lo lắng về việc lần đầu tiên đề thi rơi vào cả chương trình lớp 11 và 12 sẽ thấy không đáng lo ngại.

Với đề thi như thế này, thí sinh cần 5-6 điểm để xét tốt nghiệp THPT không quá khó. Nhưng để sử dụng kết quả thi cho tuyển sinh với các trường ĐH tốp cao thì cũng không dễ đạt được, nếu không nắm vững kiến thức và có kỹ năng tốt. Đề lý không có những đổi mới mang tính đột biến nhưng có những điều chỉnh mang tính tích cực hơn, nhìn vào tác động của nó với việc dạy học ở phổ thông.

Thầy Huỳnh Kiều Viết Lãm (giáo viên môn lý Trường THPT Ernst Thälmann, TP.HCM):

Tôi cảm thấy rất thất vọng với đề thi vật lý năm nay. Nếu nhận xét đề thi mã 206 thì đề quá dài và khó, nhiều thí sinh khó có thể hoàn thành bài thi trong thời gian ngắn ngủi như quy định. Do vậy, có nhiều em biết cách giải nhưng không đủ thời gian để giải. 

Trong khi đó, sẽ có những em không biết cách giải và đánh "lụi". Như vậy là không công bằng và không đánh giá chính xác được năng lực của thí sinh.

Xét về yêu cầu thi để tốt nghiệp THPT: đề thi vật lý năm nay đáp ứng được vì thí sinh dễ dàng lấy được 5 điểm. Nhưng nếu xét về yêu cầu thứ hai, dùng để xét tuyển vào ĐH, thì đề thi này không đáp ứng được như đã phân tích ở trên. 

Chưa kể đề thi năm nay được xem là khó hơn năm trước, vì đây là năm đầu tiên đề thi đưa kiến thức lớp 11 vào nhưng lại rơi vào những câu thuộc dạng vận dụng. Như thế sẽ rất áp lực đối với thí sinh.

Đề thi môn tiếng Anh phân loại thí sinh tốt

Thầy Lê Công Anh (tổ trưởng tổ tiếng Anh Trường THPT Nguyễn Thái Bình, TP.HCM):

Đề thi môn tiếng Anh năm nay có cấu trúc và số lượng câu hỏi giống với đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT đã công bố. Trong đó có khoảng 25 câu hỏi thuộc dạng kiến thức cơ bản, có lẽ dành cho học sinh trung bình. Bên cạnh đó, đề thi vẫn có những câu phân loại thí sinh. Từ đặc điểm này có thể nhận định rằng: đề thi năm nay hay hơn và khó hơn năm trước. Ba bài đọc - hiểu trong đề thi cũng là những chủ đề quen thuộc, nhưng yêu cầu thí sinh phải có vốn từ vựng rộng và vững, đọc thật kỹ đề và có sự suy luận mới có thể làm đúng.

Với đề thi như năm nay, học sinh trung bình dễ dàng lấy được 5 điểm, học sinh khá có thể đạt điểm 7, 8, học sinh giỏi có thể đạt 9 điểm, nhưng 10 điểm sẽ không nhiều như năm trước. Mặc dù vậy, nếu so sánh với những đề thi tuyển sinh vào ĐH khối D ngày xưa thì những câu phân loại thí sinh của năm nay vẫn dễ hơn nhiều.

Đón xem bài giải, điểm thi THPT quốc gia 2018 trên Tuổi Trẻ Online Đón xem bài giải, điểm thi THPT quốc gia 2018 trên Tuổi Trẻ Online

TTO - Để đáp ứng nhu cầu tham khảo thông tin, đối chiếu và so sánh bài làm của thí sinh, Tuổi Trẻ tổ chức đăng bài giải tất cả các môn thi THPT quốc gia 2018.

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên