
Việc duy trì các thành phố thuộc tỉnh hiện nay như Hội An, Nha Trang, Đà Lạt, Vinh... với quy chế pháp lý cấp cơ sở là hoàn toàn hợp lý. Khách du lịch tham quan thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đây là giải pháp cần thiết nhằm tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền.
Việc thể chế hóa chủ trương này ở khu vực nông thôn là tương đối thuận lợi. Với các huyện thuần nông có thể bỏ cấp chính quyền huyện, đồng thời sắp xếp lại các xã nhỏ lẻ, manh mún để hình thành những đơn vị hành chính cơ sở có quy mô hợp lý hơn.
Cách làm này không chỉ giúp tinh giản tổ chức mà còn phù hợp với năng lực quản lý và đặc điểm dân cư phân tán ở khu vực này.
Tuy nhiên thách thức lớn hơn đặt ra đối với các đô thị trực thuộc tỉnh như thành phố, thị xã - nơi dân cư đông đúc, mật độ quản lý cao và các chức năng đô thị gắn kết chặt chẽ với nhau.
Vậy giải pháp nào là phù hợp? Câu trả lời nằm ở kinh nghiệm quốc tế. Trên thế giới, các thành phố (city, town, municipality) đều được xác định là đơn vị chính quyền cơ sở, bất kể quy mô dân số.
Thành phố là nơi chính quyền trực tiếp quản lý dân cư, cung cấp dịch vụ công, quy hoạch phát triển và điều hành toàn bộ đời sống đô thị - những chức năng điển hình của chính quyền cơ sở.
Tại Pháp, hơn 35.000 commune - bao gồm cả làng nhỏ vài ngàn dân và các đô thị lớn hàng triệu dân như Paris - đều là cấp chính quyền cơ sở, có hội đồng dân cử và thị trưởng.
Ở Nhật Bản, mọi thành phố (shi), thị trấn (machi) và làng (mura) đều là municipalities - tức chính quyền cấp cơ sở. Mỹ, Canada cũng vậy: các city, town là chính quyền cấp cơ sở do dân bầu, có quyền tự quản, hoạt động độc lập dưới sự điều phối của bang hoặc tỉnh.
Chính quyền cơ sở ở các nước này không được xác định bởi quy mô dân số mà bởi vị trí trong hệ thống tổ chức và chức năng quản lý trực tiếp với người dân.
Từ kinh nghiệm đó có thể khẳng định rằng: chuyển các đô thị trực thuộc tỉnh từ chính quyền cấp huyện thành chính quyền cấp cơ sở, đồng thời chuyển các phường thành văn phòng hành chính trực thuộc UBND thành phố, là giải pháp thể chế hóa chủ trương hai cấp một cách thông minh và khoa học nhất.
Giải pháp này vừa tuân thủ nguyên tắc chỉ tổ chức chính quyền ở hai cấp (tỉnh và cơ sở) vừa bảo đảm tính chỉnh thể trong quản lý đô thị, tránh chồng chéo chức năng giữa cấp thành phố và cấp phường.
Đây là mô hình tinh gọn, hiện đại, cho phép các đô thị - những đầu tàu phát triển - có đủ quyền hạn và năng lực để vận hành hiệu quả, linh hoạt và sát dân hơn.
Quan trọng hơn, mô hình này giữ vững không gian thể chế đặc thù của đô thị.
Gần 100 đô thị trực thuộc tỉnh hiện nay chính là 100 đầu tàu hàng triệu mã lực đang định hướng và thúc đẩy tăng trưởng ở cấp vùng và quốc gia. Nếu không có một thiết kế thể chế phù hợp, các đầu tàu này sẽ bị kìm hãm, thậm chí mất khả năng dẫn dắt phát triển.
Việc duy trì các thành phố thuộc tỉnh hiện nay như Hội An, Nha Trang, Đà Lạt, Vinh... với quy chế pháp lý cấp cơ sở là hoàn toàn hợp lý. Cách làm này giúp tránh xáo trộn, không làm mất các thành phố vốn đã hình thành ổn định, đồng thời cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ngược lại, nếu chia nhỏ các thành phố, thị xã thành nhiều phường và coi mỗi phường là một đơn vị chính quyền cơ sở thì sẽ phát sinh nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Trước hết cách làm này phá vỡ tính chỉnh thể và đồng bộ trong quản lý đô thị khiến quy hoạch, hạ tầng và dịch vụ công trở nên manh mún, rời rạc.
Thứ hai, năng lực quản trị bị suy yếu do thiếu một trung tâm điều phối đủ mạnh để xử lý các vấn đề liên phường, liên khu vực.
Thứ ba, chi phí tổ chức bộ máy sẽ gia tăng do mỗi phường đều có HĐND và UBND riêng, gây phình to hệ thống hành chính.
Thứ tư, vai trò đầu tàu của đô thị bị triệt tiêu, thành phố không còn là một thực thể đủ mạnh để dẫn dắt liên kết vùng hay triển khai các chiến lược phát triển quy mô lớn.
Cuối cùng, cách làm này hoàn toàn đi ngược lại xu thế quốc tế, nơi các chính quyền đô thị đều được tổ chức như một thể thống nhất ở cấp cơ sở, không bị chia cắt thành nhiều đơn vị hành chính nhỏ lẻ.
Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và đổi mới tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, việc xác lập một quy chế pháp lý hợp lý cho các đô thị trực thuộc tỉnh là một yêu cầu cấp thiết.
Giải pháp chuyển đô thị thành chính quyền cơ sở thống nhất, tinh gọn, có năng lực quản trị hiện đại chính là con đường đúng đắn để vừa thể chế hóa nghiêm túc chủ trương của Đảng vừa phát huy tối đa vai trò động lực phát triển của các thành phố trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận