17/05/2019 11:16 GMT+7

Những tấm gương bình dị mà cao quý làm theo lời Bác

DOÃN HÒA
DOÃN HÒA

TTO - Những hình ảnh, tư liệu tại triển lãm 'Những tấm gương bình dị mà cao quý' giới thiệu đến người xem những tấm gương tiêu biểu trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những tấm gương bình dị mà cao quý làm theo lời Bác - Ảnh 1.

Người dân TP Vinh, Nghệ An xem triển lãm Những tấm gương bình dị mà cao quý tại Quảng trường Hồ Chí Minh - Ảnh: DOÃN HÒA

Đó là nội dung tại triển lãm hướng tới kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, và 50 năm thực hiện Di chúc của Người, do Sở Văn hóa, Thể thao Nghệ An và Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP Vinh).

Triển lãm sẽ diễn ra đến hết tháng 5.

Với gần 100 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tại triển lãm giới thiệu đến người xem 69 tấm gương tiêu biểu người tốt, việc tốt bình dị trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục, y tế, nông nghiệp nông thôn, công nghiệp, trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước.

Đó là những câu chuyện cảm động về các tập thể và những con người bình dị đã vượt lên hoàn cảnh, số phận, dám nghĩ, dám làm, hết lòng, hết sức vì lợi ích cộng đồng, vì sự phát triển của đất nước. Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu một số tấm gương trong triển lãm.

Những tấm gương bình dị mà cao quý làm theo lời Bác - Ảnh 2.

Ông Và Ga Sua hướng dẫn người dân bản Huồi Cọ, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương (Nghệ An) kỹ thuật trồng cây chanh leo, thoát nghèo - Ảnh: THU HƯỜNG

Giúp dân vùng biên thoát nghèo

Sinh ra và lớn lên tại bản Huồi Cọ, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương (Nghệ An), Và Ga Sua mồ côi cha từ khi mới 13 tuổi. Học hết lớp 9, anh nghỉ học và theo mẹ lên nương, làm rẫy với cuộc sống đầy khó khăn, vất vả.

Năm 2017, UBND huyện Tương Dương đưa cây chanh leo vào trồng thí điểm tại bản Huồi Cọ. Bước đầu, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân là một vấn đề khó khăn bởi người dân không muốn trồng vì sợ khó khăn và không có hiệu quả.

Để thực hiện thành công đề án của huyện cũng như từng bước giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo, ông Và Ga Sua lúc đó là Bí thư chi bộ Bản Huồi Cọ đã vận động được 16 hộ dân cùng với gia đình nhận trồng thí điểm 15,5ha, năm đầu đạt thu nhập cao.

Từ đó dân bản thấy hiệu quả từ trồng cây chanh leo. Năm 2018, diện tích trồng chanh leo của các hộ trong bản tăng lên gần 34ha, mỗi hecta cho thu nhập từ 85 đến 90 triệu đồng/năm. Để có được kết quả đó, ông Sua cùng với các Đảng viên chi bộ đã tích cực, nhiệt tình hướng dẫn người dân chăm bón cây chanh leo đúng kỹ thuật nên mang lại hiệu quả cao, giúp cho nhân dân bản từng bước thoát nghèo bền vững.

Đến nay, bản Huồi Cọ chỉ còn 34% hộ nghèo (17 hộ nghèo/50 hộ dân), phát huy được khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự khởi sắc cho vùng quê biên cương của Tổ quốc.

Những tấm gương bình dị mà cao quý làm theo lời Bác - Ảnh 3.

Cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định trao học bổng "Nâng bước em tới trường" cho học sinh nghèo năm 2017 - Ảnh: T.QUANG

Nâng bước em tới trường

Triển khai thực hiện chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định đã có nhiều mô hình hay, các làm hiệu quả, thiết thực để tô đậm thêm hình ảnh bộ đội Cụ Hồ trong lòng dân.

Nhận thấy những khó khăn của các em học sinh tại địa bàn biên giới biển, đảo của tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định phát động toàn thể cán bộ, chiến sĩ tham gia Chương trình "Nâng bước em tới trường" với mục đích chia sẻ, hỗ trợ, trao thêm cơ hội đến trường cho các em học sinh nghèo được học tập và rèn luyện.

Hàng tháng, các cơ quan, đơn vị trong toàn lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định đã phát động 100% cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên tham gia đóng góp trên cơ sở tiết kiệm tiền lương, phụ cấp và tổ chức tăng gia sản xuất, lao động gây quỹ, huy động các nguồn tài trợ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm.

Qua hơn 2 năm (2016-2018) triển khai Chương trình Nâng bước em tới trường Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định đã nhận đỡ đầu 56 em với tổng kinh phí hỗ trợ thường xuyên 1.380 suất học bổng trị giá 774 triệu đồng.

Nhờ sự giúp đỡ từ chương trình, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn đã vươn lên trong học tập, thi đỗ vào các trường đại học. Chương trình thật sự đã lan tỏa những giá trị nhân văn cao cả, góp phần tăng cường tình đoàn kết gắn bó giữa cán bộ, chiến sĩ với nhân dân trên tuyến biên giới biển, đảo của tỉnh Bình Định.

Những tấm gương bình dị mà cao quý làm theo lời Bác - Ảnh 4.

Bà Trần Thị Kim Thia dạy bơi cho học sinh vùng lũ xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp - Ảnh: Ban tuyên giáo tỉnh Đồng Tháp

Người phụ nữ hơn 15 năm dạy bơi miễn phí cho trẻ

Nhà thuộc hộ nghèo, tuổi cao, phải kiếm sống bằng nghề bán vé số và làm thuê nhưng hơn 15 năm qua, bà Trần Thị Kim Thia (tên thường gọi là bà Sáu Thia) ở xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp đã dạy bơi miễn phí cho hơn 2.000 trẻ em.

Việc dạy bơi chủ yếu tập trung vào 3 tháng hè để chuẩn bị tâm thế cho các em đi học an toàn trong mùa lũ. Địa điểm dạy bơi là các khúc sông cạn trên địa bàn xã được bà Thia đem cọc tre cắm dưới sông, dùng lưới bao quanh thành "hồ bơi". Trung bình mỗi năm bà dạy khoảng 8 lớp với khoảng 240 trẻ từ 7-15 tuổi.

Kết thúc các khóa dạy bơi, bà lại trở lại cuộc sống thường ngày, mưu sinh bằng nghề bán vé số, làm thuê kiếm tiền nuôi sống bản thân. Ngoài ra bà còn làm Chi hội trường hội Chữ thập đỏ, cộng tác viên dân số trong nhiều năm qua, được người dân quý mến.

Với những đóng góp thầm lặng, bà Thia được UBND tỉnh Đồng Tháp tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong việc dạy bơi, phòng chống đuối nước cho trẻ em từ năm 1992-2017. 

Năm 2017, bà được đài BBC của Anh bình chọn trong top 100 phụ nữ tiêu biểu toàn cầu. Năm 2018, bà là một trong 3 cá nhân ở Đồng bằng sông Cửu Long vinh dự nhận giải thưởng KOVA ở hạng mục "Sống đẹp".

Theo Ban tổ chức, triển lãm Những tấm gương bình dị mà cao quý là hoạt động văn hóa có ý nghĩa tôn vinh những tập thể và cá nhân tiêu biểu, đồng thời tiếp tục tuyên truyền, khẳng định việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng thiết thực, có chiều sâu, mang lại hiệu quả.

Qua đó cổ vũ cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân hăng hái thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, chung tay xây dựng quê hương, đất nước vì mục tiêu chung: Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

Thông qua triển lãm nhằm tiếp tục góp phần tạo sức lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.

Học Bác là phải quyết liệt hành động Học Bác là phải quyết liệt hành động

TTO - Đó là điều Bí thư Thành đoàn TP.HCM Phạm Hồng Sơn chia sẻ tại tọa đàm 'Giá trị di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thanh thiếu nhi hiện nay' được Trường Đoàn Lý Tự Trọng tổ chức ngày 16-5.

DOÃN HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên