17/05/2019 06:23 GMT+7

Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tầm vóc cương lĩnh xây dựng đất nước

ĐỨC BÌNH - HÀ THANH
ĐỨC BÌNH - HÀ THANH

TTO - Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết tinh cả cuộc đời của Bác, đúc kết, tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, nhân cách, bản lĩnh, tình cảm của một lãnh tụ, một con người vì nước, vì dân.

Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tầm vóc cương lĩnh xây dựng đất nước - Ảnh 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh tư liệu

50 năm qua, rất nhiều chuyên gia sử học, chính trị gia như GS-TS Hoàng Chí Bảo, PGS-TS Bùi Đình Phong… đã nghiên cứu và khẳng định: "di chúc của Bác là một văn kiện lịch sử vô giá, đúc kết cuộc đời của Bác, kết tinh tư tưởng, tình cảm, đạo đức, tâm hồn, nhân cách, bản lĩnh của một lãnh tụ, một vĩ nhân cả một đời vì nước, vì dân, tận tâm tận lực cống hiến cho dân tộc, cho nhân loại là cực đại, với bản thân mình không có gì riêng".

Khi Bác viết 'mấy lời để lại'...

Người không gọi là ‘di chúc" mà chỉ dùng "mấy lời để lại", Người cũng không viết "mấy lời để lại" như người thường trước lúc đi xa từng viết di chúc, mà người lại viết trong mỗi dịp sinh nhật mình, khi mà "năm nay, tôi vừa 79 tuổi, đã là lớp người xưa nay hiếm nhưng tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt".

Đây là những điều hết sức đặc biệt, và như lời PGS-TS Bùi Đình Phong (giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) thì di chúc của người thực sự là "quốc bảo" để xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn...

Giáo sư Hoàng Chí Bảo nói về Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tầm vóc cương lĩnh xây dựng đất nước - Ảnh 3.

GS-TS Hoàng Chí Bảo - Ảnh: HÀ THANH

Bản di chúc đặc biệt

Nhân sự kiện lớn năm nay - 50 năm thực hiện di chúc Bác Hồ, PGS-TS Bùi Đình Phong cùng Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM sẽ xuất bản tác phẩm Xây dựng đất nước phồn vinh theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cuốn sách gồm ba chương lớn: Mấy lời để lại tuyệt đối bí mật; Quốc bảo xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn; Xây dựng đất nước phồn vinh sánh vai với các cường quốc năm châu.

PGS-TS Phong cho biết sở dĩ ông gọi đây là "di chúc đặc biệt" do Bác Hồ không dùng từ "di chúc" vì trong các văn bản Bác viết năm 1965, 1966, 1968, 1969, Bác chỉ dùng chữ "mấy lời dặn lại" hoặc "mấy lời để lại". Năm 1968 Bác dùng "đọc lại thư này".

"Di chúc là những gì dặn lại của người trước khi chết, nhưng viết tài liệu này Bác không quan niệm như vậy. Mặc dù, trong di chúc Người có mở đầu rằng "nhân sinh thất thập cổ lai hi", "tuổi càng cao". Tuy nhiên, ngay sau đó là câu "Nhưng ai mà đoán biết tôi còn phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân được bao lâu nữa?".

Như cách lý giải của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bác không muốn xa rời nhân dân, xa rời cuộc sống này. "Đây là những lời dặn lại tâm huyết, tình cảm, dặn các thế hệ tiếp theo, thế hệ mai sau hãy tiếp tục sứ mệnh nhân dân giao phó".

Di chúc - một trong 5 "quốc bảo" của Hồ Chủ tịch

Di chúc năm 1965 mà Đảng đánh giá là di chúc hoàn chỉnh chỉ khoảng 800 từ. Dịp sinh nhật các năm sau đó, Bác viết thêm một số trang viết tay để đến năm 1969 thành bản (cuối cùng) với khoảng hơn 1.000 từ.

"Một vĩ nhân, một lãnh tụ, một con người uyên bác như vậy mà viết hơn 1.000 từ trong hơn 4 năm. Điều đó cho chúng ta hiểu rằng những gì để lại trong di chúc là sự kết tinh cả cuộc đời của Bác. Đây là sự đúc kết, kết tinh tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, nhân cách, bản lĩnh, tình cảm của một lãnh tụ, một con người vì nước, vì dân" - giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, PGS-TS Bùi Đình Phong đánh giá.

GS-TS Hoàng Chí Bảo, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên ủy viên Hội đồng lý luận trung ương, cũng nhận định "bản di chúc thiêng liêng 1.000 từ mà Người khiêm nhường chỉ gọi là "một bức thư", là "mấy lời nhắn gửi" nhưng thực sự là một văn kiện lịch sử vô giá, một đại tổng kết về cách mạng Việt Nam gắn bó mật thiết với cuộc đời, với sự nghiệp của Người. Di chúc còn là một thiết kế lý luận về đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước trong hòa bình".

Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tầm vóc cương lĩnh xây dựng đất nước - Ảnh 4.

Việc đầu tiên là chỉnh đốn Đảng

Trong di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trù tính việc đầu tiên cần làm ngay sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, trước tình hình mới, yêu cầu mới đặt ra cần phải tập trung "chỉnh đốn lại Đảng".

Người viết: "Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi".

Chỉnh đốn Đảng, đoàn kết trong Đảng luôn được Bác nhấn mạnh. Trong toàn bộ di chúc, Bác 8 lần nhắc đến cụm từ đoàn kết thì riêng trong đoạn ngắn viết về Đảng, Người đã 5 lần sử dụng cụm từ này.

Theo PGS-TS Bùi Đình Phong, có thể Bác đã thấy "có quyền lực là rất dễ tha hóa" nên từ năm 1949, Bác đã yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải "cần kiệm liêm chính". 70 năm trước, Bác đã nói "cán bộ các cơ quan, đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ, dù to hay nhỏ có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp dĩ công vi tư". 

Trong di chúc, Bác cũng nói "thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình, phê bình".

Thường xuyên có nghĩa là có loại phê bình đâu đó hiện nay chúng ta làm không thường xuyên, nghiêm chỉnh có nghĩa là có loại làm không nghiêm chỉnh, Bác mới dặn chúng ta phải nghiêm chỉnh. Mà không nghiêm chỉnh nghĩa là phê bình "bắn súng chỉ thiên", và tệ hại hơn là thông qua phê bình lại là nịnh bợ, không đúng với tư tưởng, phong cách của Bác.

TTO - PGS-TS Bùi Đình Phong nói về di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Video: HÀ THANH - DƯƠNG LIỄU

Xây dựng đất nước đàng hoàng, đẹp đẽ hơn

Năm 1966, trong lời kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi "không có gì quý hơn độc lập tự do". Bác cũng dự liệu "sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, ta sẽ xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn".

GS-TS Hoàng Chí Bảo cho rằng Bác Hồ có quan điểm vô cùng triệt để và nhân văn - độc lập dân tộc phải gắn liền với sự ấm no, tự do, hạnh phúc. Bác từng viết "nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì", hay "chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc…".

Quan điểm nhất quán này của Bác được thể hiện ngay trong bản di chúc Bác viết đầu tiên (5-1965), "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân".

Trong bản di chúc năm 1968, Người đã đề ra "kế hoạch hậu chiến" toàn diện để xây dựng đất nước. Đó là "kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh". Đó là sự cần thiết "khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế", là sự cần thiết "phát triển công tác vệ sinh, y tế". Bên cạnh đó là phải "sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân".

Bác cũng dặn đối với thương bệnh binh, liệt sĩ, người có công thì "Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở các lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh", "phải xây dựng các vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hi sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta". Bên cạnh đó phải giúp đỡ người thân của liệt sĩ.

Bác cũng căn dặn "những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đều đã được rèn luyện trong chiến đấu và tỏ ra dũng cảm. Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu đi học thêm các ngành, các nghề để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỷ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta".

Bác cũng quan tâm đến phụ nữ và dặn "cần có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ họ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo".

Thậm chí, nạn nhân của chế độ xã hội cũ như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu… thì Bác cũng quan tâm, căn dặn phải "vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện".

Đặc biệt, với người nông dân, những "đồng bào nông dân đã luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn khổ" thì khi đất nước hoàn toàn thắng lợi, Bác đề nghị "miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất".

Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tầm vóc cương lĩnh xây dựng đất nước - Ảnh 6.

GS-TS Hoàng Chí Bảo cho rằng Bác Hồ có quan điểm vô cùng triệt để và nhân văn: độc lập dân tộc phải gắn liền với sự ấm no, tự do, hạnh phúc - Ảnh: HÀ THANH

Theo GS-TS Hoàng Chí Bảo, "di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy sự quan tâm tỉ mỉ, chu đáo của Người tới tất cả mọi người, không sót một ai". Và với tầm nhìn xa, Người cũng thấu hiểu sự khó khăn của mỗi chặng đường cách mạng, một đất nước bước ra từ hoang tàn, đổ nát trong chiến tranh thì công việc tái thiết đất nước là vô cùng khó khăn. Vì thế, Người nhấn mạnh: "công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề và phức tạp mà cũng rất vẻ vang. Đây là cuộc chiến đấu chống lại những gì cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi".

"Với một kế hoạch hậu chiến hết sức toàn diện, bao gồm mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, con người…, bản di chúc lịch sử mang tầm vóc một cương lĩnh xây dựng đất nước" - GS-TS Hoàng Chí Bảo khẳng định.

Thế hệ trẻ phải "hồng và chuyên"

Tuổi trẻ của Bác Hồ là tuổi trẻ đầy gian truân, vất vả, đầy thử thách, trải nghiệm, Bác hiểu hết, hiểu từ trong nước ra ngoài nước, Bác nghiên cứu cả lý luận thực tiễn.

Cả cuộc đời Hồ Chí Minh đã đánh giá rất cao vai trò, vị trí của tuổi trẻ. Trong di chúc, Bác nói đến tuổi trẻ Việt Nam rất dung dị, mộc mạc. Bác nói "tuổi trẻ là rường cột của đất nước, là tương lai của đất nước".

Từ đó, trong những quan tâm của Bác rất chú ý đến chăm lo, bồi dưỡng. Di chúc năm 1965 Bác nhấn mạnh hai chữ "rất cần thiết và rất quan trọng".

Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tầm vóc cương lĩnh xây dựng đất nước - Ảnh 7.

PGS-TS Bùi Đình Phong - Ảnh: HÀ THANH

Theo PGS-TS Bùi Đình Phong, để bồi dưỡng và chăm lo cho "rường cột của nước nhà", di chúc năm 1968 Bác đã viết "đầu tiên là công việc đối với con người", trong đó có nói đến cả tuổi trẻ, những tuổi trẻ trong lực lượng vũ trang, Đảng về phải có kế hoạch.

"Bồi dưỡng chăm lo thế hệ trẻ không chỉ câu chuyện như bây giờ chúng ta nói "con cá, cần câu". Bác nhấn mạnh đúng là phải chăm lo cái ăn cái ở tức "con cá", nhưng quan trọng nhất là công việc tức "cần câu". Trong phần đầu tiên công việc con người, Bác nói rất nhiều phải lo công việc bồi dưỡng cho lớp trẻ đi học, đào tạo bồi dưỡng về mặt tư tưởng, lý tưởng, công ăn việc làm, trình độ khoa học kỹ thuật, ngay cả thương binh cũng vậy… làm cho họ có tinh thần "tự lực cánh sinh".

Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tầm vóc cương lĩnh xây dựng đất nước - Ảnh 8.

Bản di chúc chính thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bộ sách Di sản Hồ Chí Minh và hành trình 20 năm của một nhà xuất bản Bộ sách Di sản Hồ Chí Minh và hành trình 20 năm của một nhà xuất bản

TTO - Nhìn lại những trang giấy đã ngả vàng lẫn những tập sách mới được in cách đây không lâu, người đọc có thể thấy cả một cuộc hành trình của các trang viết về Bác.

ĐỨC BÌNH - HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên