Cô Thanh Tuyết cùng đội viên của trường tại hội thi Chỉ huy Đội giỏi Q.3, TP.HCM - Ảnh: C.K.
Chị Tuyết không ngừng rèn luyện, tìm tòi những mô hình, giải pháp hay, cách làm khó, hấp dẫn để thu hút các em tham gia, tiêu biểu như các hoạt động giáo dục lịch sử, rèn luyện kỹ năng, bồi dưỡng chỉ huy Đội, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn...
Chị NGUYỄN NGỌC NHUNG (phó Ban thiếu nhi Thành đoàn TP.HCM, phó chủ tịch Hội đồng Đội TP.HCM)
Cô từng là "én đồng" tại cuộc thi Olympic Cánh én do Hội đồng Đội TP.HCM tổ chức, là tác giả mô hình Học sinh kể chuyện Bác Hồ trong giờ sinh hoạt dưới cờ, giúp học trò học và làm theo lời Bác từ những điều bình dị.
Tự quản để phát huy sáng tạo
"Về nhận nhiệm sở cách đây chục năm, tôi là người trẻ nhất trường nên được ban giám hiệu gợi ý giao nhiệm vụ tổng phụ trách Đội" - Tuyết kể.
Làm công tác giảng dạy chuyên môn, cô tranh thủ giờ tan trường ngồi lại văn phòng Đội thiết kế hoạt động và cắt dán đạo cụ cho các hoạt động rồi hướng dẫn các học sinh từ liên đội trưởng đến các đội viên. Cô tổng phụ trách Đội sau đó thành lập CLB tự quản để các bạn đội viên, chỉ huy Đội nòng cốt tự quản.
"Tôi gợi ý các em tự đứng ra tổ chức các hoạt động của Đội. Trong quá trình thực hiện, mình đồng hành và hỗ trợ các em, cùng trao đổi cách thức thực hiện, các em rất hào hứng. Tôi rất vui khi các em đoàn kết và cùng nhau sáng tạo các hoạt động" - cô nói.
Chẳng hạn các hoạt động nhảy tập thể hay những buổi luyện trống kèn, cô Tuyết để các học sinh tự quản, tự tập, lớp trước hướng dẫn lớp sau. Nhờ vậy dù là một ngôi trường nhỏ, kinh phí hoạt động không nhiều, nhưng đội trống kèn của trường luôn nằm trong tốp đầu của quận.
Những bài học từ câu chuyện về Bác
Cô Tuyết giúp các em cảm thụ và học những tác phẩm văn học về Bác, tìm nhiều cách để giúp giờ giảng bài thêm sinh động thông qua những đề xuất ứng dụng bản đồ tư duy, tích hợp liên môn... Và để các em học sinh được "học và làm theo lời Bác" một cách nhẹ nhàng, gần gũi, cô đề xuất những tiết sinh hoạt dưới cờ, hai tuần một lần có một buổi học sinh kể chuyện về Bác.
"Tôi cùng các thầy cô tìm những mẩu chuyện về Bác gần gũi để các em dễ dàng học tập và thực hành trong cuộc sống. Tôi cũng gợi ý để các em chọn lựa hình thức thể hiện, không chỉ là kể chuyện mà có thể là những tiết mục văn nghệ, bài hát về Bác, giúp học sinh cảm nhận về những lời Bác dạy, những tình cảm yêu thương mà Bác dành cho các bạn nhỏ" - cô cho biết.
Giờ sinh hoạt dưới cờ, sau những thông tin của ban giám hiệu trao đổi với toàn thể học sinh, học sinh của trường lại mong chờ đến nội dung kể chuyện. Mỗi chi đội luân phiên nhau chọn một mẩu chuyện để kể và chia sẻ những bài học rút ra từ những lời Bác dạy như "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình".
Cô Tuyết chia sẻ: "Lồng ghép với tiết văn học về Bác Hồ, tôi cho các em tìm kiếm tư liệu và sưu tầm hình ảnh về Bác để các em mở rộng hơn kiến thức trong học tập và hào hứng hơn trong tiết học. Các em cùng nhau sưu tầm truyện, tập tóm tắt, sau đó kể lại cho các bạn khác trong tiết sinh hoạt dưới cờ cũng là cách chuyển tải lời Bác dạy một cách nhẹ nhàng, dễ tiếp cận".
Nhờ những mẩu chuyện về Bác mà cách suy nghĩ của học trò cũng thay đổi tích cực. Bạn Cao Trí Dũng, học lớp 8, nói: "Em rất thích tham gia các hoạt động Đội, em thấy mình tự tin hơn và biết thêm nhiều kiến thức, kỹ năng.
Những buổi kể chuyện về Bác Hồ giúp em có thêm nhiều bài học rút ra từ lời Bác dạy. Khi đó, em cũng sẽ làm bài môn văn tốt hơn nhờ có thêm những mẩu chuyện mới, lạ hơn trong sách giáo khoa".
Nhờ phát huy CLB tự quản mà các hoạt động Đội của Trường THCS Thăng Long thêm sinh động - Ảnh: K.ANH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận