Người dân quận Karak ở phía tây bắc Pakistan đã dùng vòi để hút khí đốt từ các nguồn cấp chính và bơm đầy khí đốt vào các túi nhựa mang về nhà nấu ăn, bất chấp nguy hiểm khôn lường từ những quả "bom khí" này.
Theo nhiều phương tiện truyền thông, việc các hộ gia đình lấy khí đốt tự nhiên bằng những túi nhựa là vô cùng nguy hiểm và phi pháp.
"Pakistan không có nguồn cung khí đốt tự nhiên cho các gia đình. Cư dân Karak phải mang túi nhựa chứa khí đốt cho gia đình họ", ông Ghulam Abbas Shah, một nhà báo làm ở Đài truyền hình Pakistan, đã bức xúc viết trên Twitter.
"Đó thực sự là những quả bom di động. Karak có trữ lượng dầu và khí đốt ước tính rất lớn. Nhưng người ở Karak lại không được cấp khí đốt hợp pháp kể từ năm 2007", ông Shah nói.
Theo các cư dân, chính quyền đã không xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để cung cấp khí đốt cho người dân địa phương.
Chi phí khí đốt tự nhiên và dầu mỏ tăng cao khiến nền kinh tế Pakistan bị ảnh hưởng mạnh, nhất là sau đợt lũ lụt khốc liệt năm 2022.
Hiểm họa từ "bom khí"
Điều này khiến nhiều hộ gia đình không thể mua bình gas và buộc phải chứa khí đốt trong các túi nhựa tái sử dụng.
Ông Hazrat Janan, một cư dân địa phương, nói với Hãng thông tấn Anadolu Agency: “Chúng tôi đang chứa khí đốt trong những chiếc túi nhựa, mặc dù tất cả chúng tôi đều nhận thức được sự nguy hiểm của việc này”.
Ít nhất 16 người đã bị các quan chức Pakistan bắt giam tại thành phố Peshawar vào tháng 12-2022 vì liên quan đến việc buôn bán túi khí bất hợp pháp.
Tuy nhiên việc kinh doanh bất hợp pháp vẫn đang diễn ra. Những người bán hàng chuyển sang hoạt động ngầm và bán cho những khách hàng mà họ tin rằng sẽ không phàn nàn.
Khủng hoảng khí đốt tự nhiên ở Pakistan
Pakistan, quốc gia tiêu thụ khí đốt tự nhiên cao thứ 21 thế giới, hiện đang trải qua tình trạng thiếu nguồn cung nghiêm trọng và trở nên tồi tệ hơn khi mùa đông đến.
Hai công ty khí đốt, Sui Northern Gas Pipelines Limited (SNGPL) và Sui Southern Gas Company Limited (SSGCL), đã được Cơ quan Quản lý dầu khí (OGRA) cấp phép tăng giá lần lượt là 74,42% và 75,35%.
"Những người nghèo bị ảnh hưởng nhiều nhất vì giá xăng đã tăng gấp ba lần", theo truyền thông Pakistan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận