01/10/2017 21:37 GMT+7

Những nữ học trò làng Chan Chu

LÊ TRUNG - HỮU KHÁ
LÊ TRUNG - HỮU KHÁ

TTO - Cùng chung hoàn cảnh mồ côi cha tử nạn ở biển, những cô học trò làng Chan Chu vẫn nỗ lực học tập để mong một tương lai tươi sáng hơn.

Những nữ học trò làng Chan Chu - Ảnh 1.

Nguyên đạp xe bán đông sương dạo phụ mẹ - Ảnh: LÊ TRUNG

Cô bé "đông sương"

Cứ chiều chiều, người dân làng Chan Chu nhìn thấy một cô bé dáng người nhỏ thó cưỡi chiếc xe đạp chở thùng đông sương đi bán dạo. Đó là cô học trò Nguyễn Thị Kim Nguyên (lớp 3/6, trường tiểu học Nguyễn Văn Cừ, xã Bình Minh). 

Thấy mẹ cực quá, em đã xin mẹ đi học một buổi, chiều về thì chở đông sương đi bán dạo. Buổi sáng đi học, đến 2 giờ chiều là em chở thùng đông sương đi khắp thôn để bán phụ mẹ"

Nguyễn Thị Kim Nguyên

Sau giờ học, Nguyên phải phụ mẹ chở đông sương bán dạo quanh thôn để kiếm tiền ăn học. Người dân quen miệng gọi em là "cô bé đông sương".

Chị Nguyễn Thị Sự (31 tuổi, mẹ của Nguyên) kể rằng cha em chết trong một lần ra khơi đánh bắt bị rơi xuống biển lúc sóng to gió lớn và mất tích cho đến nay chưa tìm được xác. 

Từ khi chồng chết, gánh nặng đè trên vai chị. Một mình chị lam lũ mưu sinh để nuôi hai đứa con nhỏ dại. Hằng ngày chị làm công nhân may, chiều về thì làm đông sương bán dạo quanh thôn để kiếm thêm tiền nuôi con.

"Thấy mẹ cực quá, em đã xin mẹ đi học một buổi, chiều về thì chở đông sương đi bán dạo. Buổi sáng đi học, đến 2 giờ chiều là em chở thùng đông sương đi khắp thôn để bán phụ mẹ" - Nguyên nói.

Mỗi ngày bán đông sương, hai mẹ con em kiếm được từ 50.000 - 80.000 đồng để trang trải cuộc sống. Cuộc sống của mấy mẹ con khó khăn là vậy, thương mẹ Nguyên nỗ lực học tập và học rất giỏi. Từ lớp 1-2 em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Bà Vương Thị Thắng (58 tuổi, thôn Bình Tịnh), kể rằng hằng ngày thấy con bé có tí tẹo mà chở đông sương đi bán dạo, bà con chòm xóm ai thấy cũng thương. "Tội nghiệp con nhỏ, cha mất sớm nên nó phải khổ vậy đó" - bà Thắng tâm sự.

Chi Sự nói rằng dù gì đi nữa cũng phải cố gắng làm để nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn vì chị biết rằng chỉ có học mới giúp con có một tương lai tươi sáng hơn đời ba mẹ nó.

Hai chị em mồ côi hiếu học

Ở làng Chan Chu, hai chị em mồ côi cha Vương Thị Mỹ Linh (lớp 10/7 trường THPT Nguyễn Thái Bình) và Vương Thị Linh Kiều (lớp 6/2 trường THCS Phan Đình Phùng) luôn được bà con chòm xóm quý mến bởi sự vượt khó, ham học. Ông Vương Công Phú (ba của hai em) là một trong những ngư dân tại Bình Tịnh tử nạn trong cơn bão Chan Chu.

Nhìn mẹ cực khổ, hai chị em em tự nhủ phải gắng học sau này mới đỡ đần được mẹ"

Vương Thị Mỹ Linh

"Lúc ba mấy đứa mới mất, thấy gia đình lâm vào cảnh nợ nần, bầy con nheo nhóc, tui suy sụp đã nghỉ quẫn mà uống thuốc trừ sâu tự tử. Cũng may được gia đình phát hiện đưa đi viện cứu sống tới giờ mà làm lụng nuôi con" - chị Võ Thị Thiên (34 tuổi, mẹ của hai em), nhớ lại những ngày tháng đầu khi chồng chết.

Chồng mất, hằng ngày chị phải đi làm thuê làm mướn, lúc thì gánh cá, lúc đi gặt lúa thuê để kiếm tiền nuôi ba đứa con ăn học. Bản thân chị cũng bị bệnh hở van tim, thường xuyên nhập viện để điều trị. "Dù khổ cực nhưng mà nhìn thấy các con học giỏi, tôi càng có động lực để làm hơn" - chị Thiên nói.

Những nữ học trò làng Chan Chu - Ảnh 4.

Hai chị em Linh, Kiều học bài - Ảnh: LÊ TRUNG

Thấy mẹ cực khổ, hai chị em Linh lúc nào cũng quyết tâm học hành, phụ giúp mẹ công việc nhà. Từ lớp 1-9 Linh luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi, năm lớp 9 em đoạt giải khuyến khích môn Sử cấp huyện. Còn Kiều thì năm năm học tiểu học luôn là học sinh giỏi. "Nhìn mẹ cực khổ, hai chị em em tự nhủ phải gắng học sau này mới đỡ đần được mẹ" - Linh tâm sự.

Ông Vương Công Đức (61 tuổi, ông nội hai em), bộc bạch: "Cha chúng nó mất đi để lại số nợ gần 100 triệu đồng vay mượn để xây nhà, mẹ chúng nó suốt ngày phải lam lũ làm trả nợ, nuôi con. Ông bà nội thì tuổi già rồi cũng không giúp được chi, thấy mấy đứa ăn học trong điều kiện thiếu thốn mà thương lắm".

Ông Nguyễn Văn Tám - chủ tịch hội khuyến học xã Bình Minh, cho biết thôn Bình Tịnh có số lượng ngư dân chết do bão Chan Chu và tai nạn trên biển trong những năm qua rất nhiều (khoảng 40 ngư dân).

Tuy vậy những con em của họ dù điều kiện khó khăn, thiếu thốn nhưng vẫn vượt khó vươn lên trong học tập.

"Địa phương luôn khuyến khích những người phụ nữ mất chồng cố gắng làm lụng cho con ăn học đến nơi đến chốn bằng việc có những suất học bổng cho con em của họ" - ông Tám nói.

100 suất học bổng Đèn đom đóm

Từ ngày 24-7 đến 20-10, báo Tuổi Trẻ sẽ giới thiệu 100 gương học sinh (từ tiểu học đến THPT) vượt khó vươn lên trong học tập trên tuoitre.vn. Mỗi tấm gương hiếu học nhận một suất học bổng "Đèn đom đóm", trị giá 3 triệu đồng/suất.

Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty FrieslandCampina Việt Nam tổ chức.

LÊ TRUNG - HỮU KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên