Từ sáng sớm, phụ nữ Minh Châu tập trung về các khu vực bãi triều quanh đảo bắt đầu một ngày săn sá sùng - Ảnh: HÀ THANH
Mặt trời bắt đầu nhô lên khỏi mặt biển, từng tốp chị em phụ nữ ở xã đảo Minh Châu rủ nhau vác mai đi săn sá sùng.
Nghề của phụ nữ trên đảo
Ở hòn đảo này, sá sùng được khai thác tự nhiên ở các bãi triều, tập trung chủ yếu từ tháng 4 đến tháng 7 hằng năm.
Từ bao đời nay, đàn ông có nghề chính là đi biển, còn phụ nữ Minh Châu có thêm cái nghề săn sá sùng bán kiếm thêm thu nhập. Người nhỏ tuổi nhất đi đào sá sùng cũng ngót nghét 30 tuổi, lớn nhất cũng gần 70 tuổi.
Ở các bãi triều, không khó để nhận ra những người phụ nữ làm nghề này: cả người bịt kín như "ninja" để tránh nắng, vác theo dụng cụ là chiếc mai đào, tay cầm cái rổ và chân đeo ủng đi dọc bãi triều ven đảo.
Chị Bùi Thị Quyến (45 tuổi, thôn Ninh Hải) gắn bó với nghề đào sá sùng đã hơn 30 năm. Chị Quyến cho hay, vào mùa sá sùng, hàng trăm chị em phụ nữ đi dọc bãi triều này suốt 7 - 8 tiếng/ngày để đào sá sùng, thỉnh thoảng có thêm móng tay, nghêu sò.
Theo chị Quyến, người đào giỏi mỗi ngày kiếm trung bình 500.000 - 700.000 đồng, có khi hơn 1 triệu đồng.
"Đào càng được nhiều sá sùng thì càng vui, phụ nữ ở vùng này cứ biết đào là có thu nhập thôi", chị Quyến chia sẻ.
Trời càng nắng, chị em phụ nữ càng bịt kín mít như "ninja". Dụng cụ để đi săn sá sùng gồm chiếc mai đào, rổ đựng sá sùng và đôi ủng chắc chắn - Ảnh: HÀ THANH
Hình dáng quen thuộc của chị em phụ nữ Minh Châu trên các bãi triều - Ảnh: HÀ THANH
Phát hiện "con mồi", chiếc mai cắm phụp xuống cát đào thành lỗ để bắt sá sùng - Ảnh: HÀ THANH
Dùng tay đào bới nếu "con mồi" lẩn trốn quá nhanh - Ảnh: HÀ THANH
Già nhanh lắm!
Trời càng nắng, càng không thấy rõ mặt ai. Tất cả bịt kín, lầm lũi đi dọc bãi triều và ngay lập tức giơ chiếc mai cắm phụp xuống cát nếu phát hiện ra nơi trú ẩn của sá sùng.
Chị Quyến bật mí phải nhanh tay nhanh mắt mới tìm ra sá sùng vì loài đặc sản này "trốn" rất nhanh.
Cách đó vài trăm mét, chị Bình (43 tuổi) vừa cân được 7,5 lạng sá sùng cho thương lái. Đó là thành quả lao động của chị suốt 4 giờ đi săn sá sùng.
"Chăm chỉ cũng được 1 - 2kg tươi mỗi ngày. Mùa này giá sá sùng tươi lên đến 350.000 đồng/kg, sá sùng khô phải hơn 4 triệu đồng/kg. Cứ khoảng 11 - 12kg sá sùng tươi thì được 1kg sá sùng khô", chị Bình cho biết.
Ở đảo, toàn chị em phụ nữ theo nghề, nên cực nhất là những hôm trời nắng.
Chị Nguyễn Thị Mùi (37 tuổi, ở thôn Ninh Hải) đưa tay chỉ lên đôi mắt rồi hóm hỉnh nói: "Chỉ trừ con mắt còn thấy được, còn lại bịt kín mới giữ được da mặt. Làm nghề này mệt nhất là phải dùng sức đào, phụ nữ già nhanh lắm".
Còn chị Quyến nhớ lại, hồi trước đi săn sá sùng, chị em phụ nữ chưa chưa có đôi ủng để đi nên phải để chân trần đi đào sá sùng. Có ngày đào sá sùng về là đôi chân sưng tấy, mưng mủ vì bị hà cắt chân.
"Cũng may mấy năm nay có đôi ủng để đi nên đỡ vất hơn, sá sùng thành đặc sản nên cứ đào được là bán lấy tiền tươi", chị Quyến cho biết.
Dù loại đặc sản "đắt hơn vàng" này có điều kiện phát triển tự nhiên ở đảo Minh Châu, nhưng chị em phụ nữ ai cũng thở dài nói không muốn con cháu theo cái nghề này vì cực nhọc.
Chỉ tay vào đôi chân nham nhở vết cắt của hàu và đưa tay đấm lưng thùm thụp, chị Quyến nói: "Khoảng 80% chị em phụ nữ làm nghề này đều bị đau lưng, đau khớp". Vì thế, chị và nhiều chị em phụ nữ khác phải chịu vất vả để nuôi con học một cái nghề nào đó chứ không nối nghiệp bà, mẹ bao đời nay.
Mỗi ngày chị em phụ nữ có thể đào được 1-2kg sá sùng. Đây là loài đặc sản nổi tiếng ở vùng biển Quảng Ninh, giá sá sùng tươi hiện khoảng 350.000 đồng/kg - Ảnh: HÀ THANH
Khoảnh khắc hiếm hoi nhìn thấy gương mặt của phụ nữ Minh Châu săn sá sùng. Đào được 3-4 tiếng, các chị các mẹ lại cân bán ngay trên bãi - Ảnh: HÀ THANH
Cứ đào được 3-4 giờ đồng hồ thì có thương lái đến thu mua sá sùng tươi ngay tại bãi triểu - Ảnh: HÀ THANH
Sá sùng phơi khô bán với giá trên 4 triệu đồng/kg - Ảnh: HÀ THANH
Ông Bùi Văn Liêm - phó chủ tịch UBND xã Minh Châu - cho biết bên cạnh nghề khai thác thủy hải sản, có hơn 100 phụ nữ xã Minh Châu còn làm nghề khai thác sá sùng.
Theo ông Liêm, nghề này thu nhập theo "con nước", thời tiết nắng ấm thì thu nhập trung bình 200.000 - 300.000 đồng/người/ngày. Một mùa khai thác sá sùng thu được khoảng 20 triệu đồng.
Một người phụ nữ đang săn sá sùng - Ảnh: HÀ THANH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận