Phong hóa thời hiện đại (Tao Đàn và NXB Hội Nhà Văn) tập hợp những nghiên cứu độc lập về những đóng góp cho văn chương, báo chí và cải cách xã hội của nhóm Tự Lực văn đoàn của một nhóm những nhà nghiên cứu trẻ trong và ngoài nước gồm Đoàn Ánh Dương, Phùng Kiên, Nguyễn Mạnh Tiến, Mai Anh Tuấn, Martina Thucnhi Nguyễn (Mỹ).
Tuổi Trẻ Online trò chuyện với tác giả chính của tác phẩm - nhà nghiên cứu 8X Đoàn Ánh Dương - về cuốn sách, Tự Lực văn đoàn và khát vọng tri thức đúng đắn của các nhà nghiên cứu trẻ.
* Nhóm tác giả của cuốn sách nghiên cứu "hồi cố" này đều là các nhà nghiên cứu trẻ. Điều gì ở Phong hóa và nhóm Tự Lực văn đoàn đã hấp dẫn các anh, chị?
- Vì sự khuyết thiếu tư liệu, phần nào đó là định kiến và thói quen nghiên cứu không trọng thị tư liệu gốc, các nghiên cứu đã có không bao quát được đầy đủ hoạt động của Tự Lực văn đoàn, thậm chí làm sai lạc các nhìn nhận và đánh giá về họ.
Thêm nữa, việc chỉ nhìn nhận Tự Lực văn đoàn trên phương diện văn chương cũng làm hạn hẹp đi các biểu hiện đa dạng và phức tạp của nhóm. Chúng tôi muốn thay đổi thói quen làm việc này với việc kiểm kê di sản của Tự Lực văn đoàn đồng thời với việc chủ trương liên ngành hoạt động nghiên cứu.
* Rất nhiều những tri thức mới về Tự Lực văn đoàn khiến người đọc có thể nhìn thấy khát vọng truy tìm tri thức đúng đắn vượt thoát khỏi những định kiến ý thức hệ của các nhà nghiên cứu trẻ thực hiện cuốn sách này. Anh có thể khái quát những phát hiện mới của nhóm nghiên cứu?
- Công trình của chúng tôi bắt đầu bằng việc khảo sát tư liệu gốc, từ đó để tư liệu đã chìm khuất bấy lâu cất lên tiếng nói, nhưng cũng chỉ bao quát được giai đoạn Tự Lực văn đoàn chủ trương tuần báo Phong hóa (1932-1936). Đó là giai đoạn Tự Lực văn đoàn định hình như một nhóm văn chương, "lấy văn chương phụng sự lý tưởng cải cách".
Nhưng với thành công rực rỡ của hoạt động báo chí và ý thức mãnh liệt về trách nhiệm xã hội, muốn kiến thiết một xã hội mới dựa trên quan niệm duy lý và duy vật cùng niềm tin vào sự tất thắng của khoa học và tiến bộ, Tự Lực văn đoàn đã tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội.
Nghiên cứu của chúng tôi dựng lại quá trình hoạt động của Tự Lực văn đoàn, tập trung vào việc chỉ ra các nỗ lực tạo lập chuẩn mực thẩm mỹ mới trong văn chương cũng như các quan thiết về vấn đề dân quê, phụ nữ, tinh thần pháp luật... như những chủ điểm nổi bật mà Tự Lực văn đoàn dành ra sự quan tâm.
Nghiên cứu của Martina bổ trợ thêm việc tìm hiểu về hoạt động cải cách nhà ở tại Hà Nội mà qua đó Tự Lực văn đoàn cho thấy ý thức rốt ráo về sự cần thiết của các hoạt động dân sự và tự chủ, hướng tới hình thành và phổ biến mô hình xã hội dân sự ở Việt Nam trong sự kiềm tỏa của tình cảnh thuộc địa.
Việc tôn trọng tư liệu gốc là cần thiết để có được những kết quả nghiên cứu khách quan đồng thời xóa bỏ những định kiến ý thức hệ trong nghiên cứu. Chúng ta đang đối diện với một khoảng trống mênh mông trước di sản văn hóa của cha ông dù chỉ mới có một thế kỷ trôi qua. Tôi nghĩ trước nhất cần khôi phục dữ liệu, sau đó thì chính sự đầy đủ của tư liệu sẽ tự nó hạn chế các định kiến ý thức hệ trong hoạt động nghiên cứu.
Tự Lực văn đoàn là nhóm trung tâm định hình nên diện mạo và xu hướng văn học và xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20. Muốn hiểu biết về giai đoạn này, nhất thiết phải tìm hiểu về họ.
Đoàn Ánh Dương
* Tại sao anh lại có hứng thú nghiên cứu về nhóm Tự Lực văn đoàn và những đóng góp cải cách văn chương, báo chí, xã hội của họ? Anh sẽ tiếp tục những công trình nghiên cứu về nhóm này hoặc về văn chương giai đoạn đặc biệt này?
- Chúng tôi mới bước đầu nghiên cứu về Tự Lực văn đoàn ở chặng đường Phong hóa, trước mắt vẫn còn cả một giai đoạn phức tạp ở phía sau gắn với các hoạt động báo chí trên tờ Ngày Nay (1935-1940), xuất bản với NXB Đời Nay (1934-1945), xã hội và chính trị của nhóm và các thành viên chủ chốt.
Từ khi tập trung sự quan tâm vào giai đoạn trước 1945 dăm năm trước, tôi đang hoàn thiện bản thảo nghiên cứu về sự trỗi dậy của vấn đề phụ nữ trong tương quan với chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam khoảng 30 năm đầu thế kỷ 20, chuẩn bị xuất bản vào năm sau.
Một chuyên khảo về Tự Lực văn đoàn cũng đang thành hình, dự kiến xuất bản vào năm 2022, nhân dịp kỷ niệm 90 năm thành lập nhóm. Đó đều là những công việc đem lại rất nhiều hứng khởi.
Đoàn Ánh Dương sau khi tốt nghiệp đại học năm 2006 về làm việc ở Viện Văn học. Ngoài cuốn Phong hóa thời hiện đại viết chung với nhóm tác giả, anh đã xuất bản các sách: Không gian văn học đương đại (Giải thưởng dành cho tác giả trẻ năm 2014 của Hội Nhà văn Hà Nội); Biên niên Hoạt động văn học Hội Nhà văn Việt Nam, tập 3; Sáng tạo trong tình thế chuyển đổi - Văn học và xã hội Việt Nam sau đổi mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận