Phóng to |
Dịp này, Tuổi Trẻ trao đổi với ông về mảng đề tài mà ông có nhiều hứng thú theo đuổi bấy lâu nay.
* Trong cuốn sách Khái Hưng - người đổi mới văn chương (phát triển từ quyển Khái Hưng - nhà tiểu thuyết (1993) và luận văn sau đại học của ông - PV), có một phần viết về sự nghiệp của Khái Hưng với văn học thiếu nhi. Nghe đâu ông đã vất vả tìm kiếm tư liệu tận Úc để viết phần này? Theo ông, Khái Hưng có một vị trí trong lịch sử văn học thiếu nhi nước nhà?
- Đã đi vào lĩnh vực nghiên cứu văn học thì sự vất vả trong việc sưu tầm tư liệu cũng là một thú vui. Thực tế, những tác phẩm của Khái Hưng viết cho thiếu nhi, ít ai chú ý và các thư viện ở ta cũng khó tìm cho đủ, bởi đó là loại “sách hồng” chừng vài ba chục trang, khổ nhỏ; bìa là loại giấy mỏng dễ rách nát. Những người chơi sách cũng không ai chú ý đến loại sách này. Vì thế, gần 20 năm qua, tôi để ý sưu tầm nhưng chẳng được bao nhiêu.
Tình cờ lang thang trên mạng, vào Thư viện quốc gia Úc, tôi thấy khá đầy đủ những tác phẩm viết cho thiếu nhi của Khái Hưng. Nhìn giá cả hơi cao so với thu nhập hằng tháng của mình, nhưng sau một hồi suy nghĩ, tôi quyết định đặt mua qua mạng chứ tiền đâu mà sang tận Úc tìm tư liệu. Nhờ vậy, tôi tự tin mình là người đầu tiên viết tương đối đầy đủ về mảng văn học thiếu nhi của Khái Hưng.
Nếu soạn một bộ lịch sử văn học thiếu nhi cho nước nhà, tôi nghĩ vị trí của Khái Hưng không nhỏ. Với tôi, Khái Hưng cũng như một số thành viên Tự Lực văn đoàn là những người có công khai phá “mảnh đất” này, và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn đọc nhỏ tuổi nhiều thế hệ, ít ra là thế hệ chúng tôi ở miền Nam trước ngày giải phóng.
Phóng to |
* Có một giá trị văn chương nào thời Tự Lực văn đoàn đang còn được nhà văn VN hiện nay chia sẻ bằng cách nhìn mới, hoặc nâng tầm, phát triển nó lên không?
- Bây giờ, người đọc vẫn còn nhắc “văn chương Tự Lực văn đoàn”, “tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn”; trên các quầy sách suốt chiều dài đất nước không thiếu những tác phẩm văn chương của Tự Lực văn đoàn. Do đó, nếu không có chút giá trị nào thì văn chương Tự Lực văn đoàn không thể tồn tại lâu như thế.
Còn các nhà văn VN hiện nay chia sẻ như thế nào, tôi xin mượn lời phát biểu của nhà văn Nguyên Ngọc trong một bài viết về tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn: “Phải đến Tự Lực văn đoàn tiểu thuyết mới thật sự có hình thức hiện đại của nó.
Và từ đấy cho đến nay, tiểu thuyết đã phát triển qua nửa thế kỷ với nhiều đổi thay nhưng về cơ bản chưa thoát ra khỏi mô hình tiểu thuyết do Tự Lực văn đoàn tạo ra”.
* Nghiên cứu về văn chương Tự Lực văn đoàn từ những tác giả cụ thể, ông nhận thấy cái được nhất cho ông là gì?
- Khi nghiên cứu từng tác giả cụ thể trong Tự Lực văn đoàn, tôi thấy mỗi người một hoàn cảnh và tự biết vượt qua khỏi “cái rào cản” chính mình để khẳng định mình chứ chẳng dựa dẫm vào ai. Họ làm việc cật lực với mục đích rõ ràng: “Làm giàu văn sản trong nước”, chứ không chỉ hô hào cho sướng miệng...
Từ đó, tôi rút ra được bài học cho riêng mình là phải đọc, phải học, phải ngồi vào bàn, phải viết chứ không nên ngồi đó nói chuyện trên trời. Có đi ắt có đến và... mới có được buổi trò chuyện này!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận