22/02/2018 16:24 GMT+7

Những người lính trong rừng quốc gia Bù Gia Mập

MINH PHƯỢNG
MINH PHƯỢNG

TTO - Nằm sâu trong lõi rừng quốc gia Bù Gia Mập, nơi không điện, không nước sạch và là “tâm điểm” của muỗi, ve, vắt và sốt rét rừng, Đắk Bô là cái tên nhắc đến ai cũng nhún vai: “Xa xôi, vất vả lắm!”.

Những người lính trong rừng quốc gia Bù Gia Mập - Ảnh 1.

Những người lính biên phòng Đắk Bô luồn rừng khi đi tuần tra biên giới - Ảnh: MINH PHƯỢNG

Ở đây vẫn chưa có điện lưới. Máy nổ dùng phát điện vài tiếng buổi tối cho anh em sinh hoạt hay những lúc cần in ấn tài liệu, bơm nước. Đồn vẫn sử dụng nước suối để sinh hoạt, ăn uống...

Thiếu tá Lê Hữu Nghị

Thế nhưng những người lính biên phòng ở đây vẫn lạc quan vượt lên, chắc tay súng nơi biên cương Tổ quốc.

Gian nan đường vào đồn

19h, chiếc xe đón chúng tôi từ đồn biên phòng Đắk Ka trực chỉ đồn Đắk Bô (Bình Phước) theo con đường tuần tra biên giới. Con đường bêtông với dây rừng, tre, lồ ô phủ rợp càng tăng sự tĩnh mịch, âm u của núi rừng biên giới khi đêm xuống.

Thiếu úy Bùi Minh Tuấn, người lái xe, hết đánh lái qua phải lại bẻ lái qua trái. "Chạy xe đường này phải tập trung cao độ, nhiều lần về tay, chân mỏi nhừ vì rà phanh liên tục" - Tuấn nói.

Con đường heo hút một bên vách núi, một bên vực sâu nên chẳng taxi nào muốn vào dù được trả tiền cao. "Năn nỉ lắm may ra có taxi vào tới đồn Đắk Ka chứ Đắk Bô họ không vào đâu" - thượng tá Phạm Văn Đoàn, đồn trưởng đồn biên phòng Đắk Bô, cho biết. Anh nói thêm mấy bữa nay cán bộ, chiến sĩ, dân quân, thanh niên vào phát quang đường nên cây cối mới bớt um tùm như thế.

Đường tuần tra biên giới xây dựng xong mới 5 năm nay. Trước đó việc đi lại rất trần ai. 

"Từ đồn ra trung tâm xã khoảng 70km, lên huyện hơn 100km, về bộ chỉ huy (ở Lộc Ninh, Bình Phước - PV) là 150km", đồn trưởng Đoàn cho biết. "Đây là chiếc ôtô duy nhất cấp trên trang bị cho đồn được hai năm nay, trước đó anh em tự chạy xe máy hết. Mỗi khi cần ra xã hay về Lộc Ninh, phải đi từ chiều hôm trước".

Những người lính cho biết khá hồi hộp khi đi qua cung đường này, "sợ nhất là hỏng xe giữa đường, nên đi đâu cũng phải đi thật sớm để trừ hao". "Đường vắng người, không có sóng điện thoại, thủng xăm còn tự vá được chứ hư máy móc thì... chịu chết" - trung úy Võ Quốc Tường cho biết.

Ngoài nỗi lo hư xe bất tử, mùa mưa bão đi đường cũng nguy hiểm vì cây đổ. Do đó lúc "xuống núi" hay "lên núi", các chiến sĩ biên phòng luôn mang theo chiếc dao, rựa để chặt cây ngã đổ.

Nghiện mùi dầu gió

Mất hơn một tiếng rưỡi về đến đồn Đắk Bô. Dưới ánh đèn lờ mờ, doanh trại là ba dãy nhà tạm tường gỗ, lọt thỏm trong khu rừng nguyên sinh. Mọi người ngồi với nhau trong không gian đặc quánh của núi rừng, của cái lạnh biên cương và tiếng muỗi vo ve.

"Ở đây vẫn chưa có điện lưới. Máy nổ dùng phát điện vài tiếng buổi tối cho anh em sinh hoạt hay những lúc cần in ấn tài liệu, bơm nước. Đồn vẫn sử dụng nước suối để sinh hoạt, ăn uống..." - thiếu tá Lê Hữu Nghị, đồn phó nghiệp vụ, cho biết.

Ngồi nói chuyện, những tiếng đập muỗi lại vang lên bem bép. Do đó, "món quà" của người lính biên phòng dành cho khách là chai kem chống muỗi, dầu gió. "Đồn đóng sâu trong lõi rừng nên muỗi nhiều lắm. Gãi sột soạt suốt" - thượng tá Đoàn nói.

Chìa cánh tay ra, trung úy Cao Trung Kiên tếu táo: "Anh em ở đây là người Việt gốc bằng lăng. Ve cám mà cắn thì hai năm sau vẫn còn sưng ngứa, anh nào mình mẩy cũng như hoa bằng lăng nở rộ". Kè kè chai dầu gió bên mình, muỗi, ve cắn thì xức ngay, anh em bảo riết nghiện luôn mùi dầu gió.

"Sống giữa núi rừng chẳng có gì ngoài tình đồng đội nên anh em thương quý, gắn bó với nhau - thượng úy Nguyễn Mạnh Tưởng (27 tuổi), đội trưởng đội vũ trang, tâm tình - Các chiến sĩ cũng cảm nhận được tình cảm và sự đoàn kết ấy, nhất là những lần đi thực hiện nhiệm vụ, tuần tra bị ve, vắt cắn đến phát sốt nhưng cùng nhau động viên nhau cố gắng hay khi đi bộ tuần tra biên giới, anh em chia nhau từng ngụm nước, từng vốc mì gói sống".

Dù vậy, những người lính nơi rừng thiêng nước độc vẫn chắc tay súng canh giữ biên cương bởi trong trái tim họ "Đồn là nhà, biên giới là quê hương".

Tuyến biên giới do đồn biên phòng Đắk Bô quản lý dài 20km, mỗi lần đi tuần tra, phải "cắt rừng", "chẻ xương cá". "Đường gập ghềnh, vì không có đường sẵn nên phải dùng dao để chặt tre gai, lồ ô rậm rạp" - thượng úy Tưởng cho biết khi đi rừng hầu hết phải dựa vào kinh nghiệm, ban đầu chưa quen dễ bị lạc.

Đồn có sóng điện thoại được 5 năm nay nhưng ra khỏi đồn bán kính 2km là mất sóng. Trước đó cán bộ, chiến sĩ phải dùng mạng quốc tế, nghe hay gọi cước đều cao.

"Mạng quốc tế nhưng sóng chập chờn lắm. Tối tối anh em lại đi bộ lên một cái mỏm cách đơn vị hơn 1km để hứng sóng điện thoại. Ai cũng có người thân ở nhà mà" - thượng úy Hoàng Ngọc Hưng cho biết.

Vận động nhiều để mau khỏi bệnh sốt rét

Nằm sâu trong lõi rừng nên anh em ở đồn vẫn còn bị sốt rét. Được tăng cường từ Bắc vào đồn khoảng một năm nay, thiếu tá Lê Hữu Nghị bị sốt rét đến bốn lần. Binh nhất Hoàng Văn Khương (21 tuổi) cũng "nếm" hai lần sốt rét.

"Trong rừng, khí trời âm u, nặng người lắm. Nắng thì cháy da, mưa thì tối mặt nên dễ bệnh. Anh em nhắc nhở nhau phải tích cực vận động, nhất là lúc bị sốt rét càng phải vận động thật nhiều để toát mồ hôi ra mới đỡ sốt và nhanh khỏi bệnh" - Khương tiết lộ.

Anh cười tít mắt kể thêm: "Từ ngày đi nghĩa vụ, mình giảm được... 20kg. Trước đây mình nặng 84kg, giờ còn 64kg".

MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên