07/10/2015 05:30 GMT+7

​Những người không liên quan đứng cạnh CSGT làm gì?

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - TÀI PHONG
VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - TÀI PHONG

TTO - Vụ việc nhân viên tiếp thị sữa xử lý biên bản giúp CSGT tại Đồng Nai và đánh chị Hoàng Anh làm hàng ngàn người dân đặt câu hỏi: Tại sao họ liên quan?

Thượng úy Võ Chí Công và “nhân viên tiếp thị sữa” trong clip

Những người không liên quan liệu có được đứng ở khu vực CSGT đang thi hành nhiệm vụ và họ đứng gần đó để làm gì?

Nghiệp vụ công an để người ngoài ngành làm giúp?

Rất nhiều ý kiến gửi về TTO chia sẻ cùng một thắc mắc tại sao nghiệp vụ của công an lại để một người ngoài ngành làm giúp? Số khác nghi ngờ không biết nhân viên tiếp thị này được sự cho phép của ai mà lại ngang nhiên ghi biên bản xử phạt - một việc thuộc thẩm quyền của CSGT - như vậy?

Trước đó, TTO từng thông tin vụ việc ông Nguyễn Văn Chín (44 tuổi ở Q.Gò Vấp) bị đánh chết không lâu sau khi bị CSGT đo nồng độ cồn (ngày 25-6-2014).

Kết luận của cơ quan điều tra cho thấy tổ trưởng tổ CSGT hôm đó đóng vai trò chủ mưu. Người này đã nhờ Nguyễn Minh Chung - đối tượng có tiền án về tội cướp giật tài sản, vừa ra tù không lâu - “nhờ giúp đỡ”. Sau đó, Nguyễn Minh Chung đã tổ chức và huy động các bị can còn lại đánh ông Chín.

Một vụ việc khác xảy ra tháng 4-2013, một người đàn ông cũng bị hai thanh niên đánh chết sau khi xảy ra cự cãi với CSGT.

Người dân bình thường không có thẩm quyền lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính

Trao đổi với TTO, luật sư Bùi Quang Nghiêm cho biết theo quy định về thành lập chốt điều tiết giao thông và xử lý giao thông, chỉ có ngoài cảnh sát giao thông, lực lượng thanh niên xung phong và các lực lượng phối hợp khác như cảnh sát cơ động 113 được quyền tham gia.

“Việc xử lý giao thông, điều tiết giao thông thuộc thẩm quyền của lực lượng cảnh sát giao thông, không thể nhờ người khác phụ giúp, ngồi công khai ở nơi thực hành thẩm quyền” - luật sư Bùi Quang Nghiêm nói.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính thì việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, theo khoản 1, khoản 2 điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 điều 73 nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì những người thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ gồm: chủ tịch UBND các cấp, công an nhân dân, thanh tra giao thông vận tải; công chức, viên chức được giao nhiệm vụ tuần kiểm có quyền lập biên bản đối với các hành vi xâm phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; lấn chiếm, sử dụng trái phép đất của đường bộ và hành lang an toàn giao thông đường bộ và công an viên có thẩm quyền lập biên bản đối với các hành vi vi phạm xảy ra trong phạm vi quản lý của địa phương.

“Như vậy, người dân lao động bình thường không có thẩm quyền lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính. Vì thế, việc cảnh sát giao thông nhờ người dân lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính là trái pháp luật” - luật sư Nguyễn Văn Hậu đánh giá.

Cùng quan điểm này, luật sư Huỳnh Phước Hiệp nhận định khi thực hiện việc tuần tra nhằm đảm bảo an toàn giao thông, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ không có quy định nào cho phép người khác tham gia.

Hơn nữa, luật sư Huỳnh Phước Hiệp cho rằng việc cho người ngoài ngành, không có thẩm quyền vào nghe bộ đàm, ghi biên bản là không đảm bảo tính bảo mật khi làm việc của lực lượng CSGT. 

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng tùy thuộc vào mức độ vi phạm mà các cơ quan chức năng sẽ đưa ra những hình thức xử lý thích hợp đối với những CSGT vi phạm vấn đề này.

Biên bản có giá trị pháp lý không?

Có bạn đọc còn cho rằng nếu biên bản có chữ viết của nhân viên tiếp thị sữa thì không có giá trị vì “người này không phải nhân viên của tổ công tác, không có quyền ghi biên bản xử lý và nghe bộ đàm của công an” - bạn đọc viết.

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng biên bản được viết bởi một người không có thẩm quyền theo những quy định của pháp luật thì không có giá trị.

“Người xử lý phải là người lập biên bản bởi họ biết rõ hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện giao thông là gì. Những người khác không có thẩm quyền thì sao viết biên bản được?” - luật sư Nguyễn Văn Hậu nhận định.

Chị Hoàng Anh rơi nước mắt khi kể lại sự việc - Ảnh: H.M.

Luật sư Huỳnh Phước Hiệp cho rằng biên bản phải tuân thủ theo nội dung được pháp luật quy định, có chữ ký của người có liên quan mới có hiệu lực pháp luật.

“Để người khác tham gia vào không đúng quy trình là sai. Nếu bất cứ lĩnh vực nào cũng cho người khác tham gia sẽ rối và việc thực hiện chức năng của Nhà nước sẽ bị ảnh hưởng” - luật sư Hiệp nói. 

Người ngoài đứng gần CSGT làm gì?

Bạn đọc Trung Kiên hỏi: Tại sao CSGT khi thi hành nhiệm vụ lại dẫn theo người ngoài ngành để làm gì? Mục đích gì?

“Người ngoài vào làm việc cho CSGT là sao? Ai phân công, ai cho phép, làm có đúng quy định của ngành không, lại còn đánh người.... ” - bạn đọc tên Hùng nêu thắc mắc.

Anh Hoàng Chuẩn thắc mắc nhân viên tiếp thị sữa đã làm thư ký cho CSGT được bao nhiêu lần rồi?

“Nếu không có video clip quay lại hình ảnh người đàn ông mặc áo hồng đứng ghi biên bản cho CSGT, sau đó công an mới vào cuộc điều tra và kết luận thì nhân viên tiếp thị sữa còn được nghe bộ đàm, ghi biên bản xử lý bao nhiêu lần nữa?” - anh Chung Thành (Đồng Nai) đặt câu hỏi.

Bạn đọc khác đề nghị có cơ quan điều tra độc lập .

Không chỉ là vấn đề nghiệp vụ, từ hai vụ việc xảy ra vào tháng 4-2013 và tháng 6-2014, nhiều bạn đọc cũng đặt câu hỏi tại sao có sự tình cờ đến khó tin khi vừa cự cãi với CSGT thì ngay sau đó bị những người không liên quan đứng gần đó đánh đến chết.

Bạn đọc Trần Phong cho rằng có điều rất lạ là trên nhiều tuyến quốc lộ nơi nào có tổ CSGT làm nhiệm vụ kiểm tra xe thì “y như rằng các tài xế thấy ở hai đầu đường có hai đầu gấu chờ sẵn canh chừng người vi phạm cự cãi với CSGT, gây hấn với những ai muốn quay phim chụp hình! Không hiểu tại sao có hiện tượng này?” - anh Phong viết.

Độc giả Ba Tôm thấy “nực cười” vì không quen biết với cảnh sát giao thông sao lại đi đánh người cự cãi với CSGT?

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> Luật sư Nguyễn Văn Hậu

>> Luật sư Huỳnh Phước Hiệp

>> Luật sư Bùi Quang Nghiêm

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - TÀI PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục