11/06/2020 14:18 GMT+7

Những người 'gác cửa' Biển Đông

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Đóng quân ở phía bắc quần đảo Trường Sa, những người lính trạm rađa 21 trên đảo Song Tử Tây như những người “gác cửa” ngoài khơi xa, bất kể ngày hay đêm phải quản lý bầu trời, các phương tiện bay khu vực cửa ngõ Biển Đông.

Những người gác cửa Biển Đông - Ảnh 1.

Binh nhì Huỳnh Ngọc Giàu mang theo 3 chú chó con ra đảo làm bạn trong thời gian làm nhiệm vụ tại Trạm rađa 21 - Ảnh: MY LĂNG

Đặt chân lên đảo Song Tử Tây, binh nhì Huỳnh Ngọc Giàu (quê Khánh Hòa) gây bất ngờ cho đồng đội ra đón ở cầu cảng khi ẵm theo ba chú cún con. "Tụi nó tên là Báo Đen, Cọp và Sói Xám. Mình mang ra có cái làm bạn cho vui" - Giàu giải thích.

Khi chỉ huy ra mệnh lệnh, anh em dù mệt cũng không bao giờ thoái thác, từ chối. Điều mình quý nhất là anh em rất đoàn kết, chia sẻ với nhau từ công việc đến chuyện gia đình.

Trạm trưởng Phạm Quốc Tuyến

Tâm hồn người lính rađa

Giàu là chiến sĩ mới, sẽ công tác ở trạm rađa 21 (trung đoàn 292, sư đoàn 377, Quân chủng Phòng không - không quân) một năm. Khi mới nhập ngũ, Giàu đã đăng ký nguyện vọng ra Trường Sa. "Mình đi cho biết, muốn một phần tuổi trẻ của mình thật ý nghĩa khi được trải nghiệm ở Trường Sa" - Giàu nói ngắn gọn. 

Còn 1 tuần nữa đi đảo, cậu con út mới cho mẹ hay. "Mẹ khóc, bảo phải ở nhà. Mình bảo nếu con không đi thì ai đi. Con còn trẻ, muốn đi Trường Sa để biết Tổ quốc mình như thế nào. Đó là vinh dự không phải ai cũng có... Nói một hồi mẹ cũng xuôi xuôi, vui vẻ", Giàu kể.

Nhìn cách chàng chiến sĩ 20 tuổi chăm sóc 3 chú cún con vẫn còn say sóng, đại úy chuyên nghiệp Nguyễn Duy Trung (47 tuổi, nhân viên báo vụ trạm rađa 21) mỉm cười hỏi: "Phóng viên thấy lính rađa Trường Sa hay không? Rất có tâm hồn. Đi hơn 300 hải lý sóng gió mà vẫn chịu mang theo mấy con chó làm bầu bạn. Người mà yêu động vật là người có tấm lòng nhân ái".

Anh Trung nói thiệt lớn để cậu chiến sĩ trẻ nghe thấy: "Con ơi, mang chúng nó ra chỗ mát này cho nó nằm. Tí nữa nó hết say lại ăn tợn ấy mà. Để ra đây bố trông cho". 

Nghe thắc mắc cách anh gọi "con", xưng "bố" với chàng chiến sĩ trẻ mới lên đảo, người nhân viên báo vụ trạm rađa 21 mỉm cười giải thích: "Ra đây là gia đình rồi. Mấy cậu này trạc tuổi con mình. Gọi như thế cho thân mật, có không khí gia đình".

Trung tá Phạm Quốc Tuyến, trạm trưởng trạm rađa 21, cho biết ở trạm, anh em bộ đội đến từ khắp nơi trong cả nước, vùng miền nào cũng có. "Đảo xa, thiếu thốn nhiều thứ nên ra đây tính cách con người tự nhiên bớt sân si, kèn cựa, lành hơn, tốt hơn. Bọn mình như một gia đình lớn. Về mặt tổ chức chiến đấu thì không nói, nhưng trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, bọn mình rất hòa đồng" - trạm trưởng Tuyến bảo.

Nghe trạm trưởng Tuyến nói, đại úy chuyên nghiệp Nguyễn Duy Trung bật cười bảo: "Phóng viên có tin là ngoài này trạm trưởng cũng đi lấy phân bò, cũng tăng gia, tưới rau như chiến sĩ không?". Nghe vậy, trạm trưởng Tuyến liền bảo: "Mình cứ nghĩ mình làm trạm trưởng rồi ngồi đó chỉ tay ra lệnh anh em làm đâu có hay. Đã là trạm trưởng thì càng phải làm gương, đi đầu, hòa đồng cùng anh em, không nề hà việc gì hết".

Những người gác cửa Biển Đông - Ảnh 3.

Từ trái qua: đại úy chuyên nghiệp Nguyễn Duy Trung, chính trị viên Nguyễn Văn Nghĩa và trạm trưởng Phạm Quốc Tuyến - Ảnh: MY LĂNG

Những cống hiến

Nhiều sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đã dành một phần thanh xuân của mình ở trạm rađa 21. Có người ra trạm làm nhiệm vụ bốn lần như trung tá Nguyễn Văn Hậu, trung đội trưởng thông tin. Còn đại úy chuyên nghiệp Nguyễn Duy Trung đã đón bốn cái tết ngoài đảo. 

"Tụi mình ở đây nhiều người quê một nơi, làm một nơi, vợ con một nơi" - đại úy Nguyễn Duy Trung chia sẻ. Như anh Trung, quê Thanh Hóa nhưng làm việc ở Khánh Hòa, vợ con lại ở Đắk Lắk. Còn trạm trưởng Tuyến quê Hải Phòng, công tác ở Khánh Hòa nhưng gia đình lại đang ở Phú Yên.

26 năm tuổi quân thì 22 năm đại úy chuyên nghiệp Nguyễn Duy Trung công tác trong đất liền và 4 năm ngoài đảo. "Vất vả nhất là đợt chuyển bộ khí tài rađa lên đảo Nam Yết. Việc chuyển một bộ khí tài rađa lên đảo rất khó khăn, vất vả và nguy hiểm. Anh em phải cẩu khí tài từ tàu xuống xuồng bé mà mùa đó bão gió liên tục, sóng cao 5-7m. Đưa được bộ khí tài lên đảo an toàn rồi anh em mới thấy nhẹ bẫng cả người, ăn ngon ngủ yên" - anh Trung nói.

Với người lính rađa làm nhiệm vụ ở Trường Sa ấy, kỷ niệm nhớ nhất lại là những dấu mốc về gia đình gắn với đảo. Cuối năm 1999, anh Trung ra công tác ở đảo Nam Yết. Lúc về đất liền, con út của anh đã gần 1 tuổi. Đầu năm 2002, anh lại ra đảo công tác lúc con đang bập bẹ tập nói. Lúc về, gặp con, anh phì cười khi con gọi mình là chú!

"Mỗi lần nhắc lại nó cứ xấu hổ bảo tại ngày đó bố đi lâu quá, lại không có Zalo, Facetime nên con không biết mặt. Không chỉ ngoài đảo mà 22 năm công tác trong bờ mình cũng xa nhà liên tục. Mọi việc nhà cửa, con cái đều một tay vợ lo cả. Cũng may các con mình đều ngoan, chăm học" - anh Trung tâm sự.

Người quân nhân báo vụ trạm rađa 21 mỉm cười hạnh phúc bảo, anh yên tâm vì có hậu phương vững chắc. "Bây giờ có em còn lập gia đình muộn hơn mình. Trạm mình có người đã 37 tuổi vẫn độc thân, chưa có người yêu mà lại còn xung phong ra đảo đấy". Hỏi ra mới biết đó là đại úy Nguyễn Văn Nghĩa, chính trị viên trạm rađa 21, quê Thanh Hóa. "Vợ mình trốn kỹ quá nên giờ vẫn chưa gặp được" - anh chàng dí dỏm nói.

Những người gác cửa Biển Đông - Ảnh 4.

Đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa trên Biển Đông - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nghĩa có vẻ ít nói. Anh bảo còn độc thân nên cố gắng cống hiến, xung phong ra nơi cách đất liền hơn 300 hải lý làm nhiệm vụ. Anh cho biết ra đây mới thấy nhiều người còn cống hiến hơn cả mình. Như trạm trưởng Tuyến, đã hai cái tết chưa về bờ... Hỏi chuyện, trạm trưởng Tuyến bảo: "Mình vinh dự là năm ngoái tháng 6-2019 được vợ ra thăm, ở 9 ngày 8 đêm trên đảo. Trạm mình đợt đó có bốn người có người thân ra thăm. Xúc động lắm".

Nói về công việc ngoài này, trạm trưởng Tuyến bảo đơn vị làm nhiệm vụ quản lý các phương tiện bay trên không phía bắc quần đảo Trường Sa. Khu vực này có các chuyến bay hàng không dân dụng quốc tế ngang qua. Nhưng áp lực lớn nhất là theo dõi hoạt động của không quân nước bạn ở khu vực này. "Bọn mình như những người "canh cửa" vào Biển Đông và canh cửa từ phía bắc xuống phía nam quần đảo Trường Sa" - trạm trưởng Phạm Quốc Tuyến ví von.

Với nhiệm vụ quan trọng của những người "gác cửa" trên không, hệ thống khí tài là công cụ, là vũ khí hỗ trợ cho người lính rađa nơi này.

Chủ động bảo vệ khí tài

Trạm rađa 21 nằm ngay vị trí phía bắc của đảo. Khi gió mùa đông bắc tràn về, ngày nào trạm cũng hứng nguyên lượng nước biển đánh hắt vào. "Có lúc bão về, sóng cao ít nhất 4-5m tạt nước biển vào, đứng ở cửa chỗ này mà còn thấy hơi nước phà vô mặt mát mát. Hơi mặn tấn công như vậy nên khí tài nhanh hỏng, nhanh hư lắm" - trạm trưởng Tuyến nói.

Dù bộ khí tài đã được hai quả cầu khổng lồ bọc lại che chắn trước sự tàn phá của hơi muối biển nhưng chỉ giảm được khoảng 70%.

"Sáng nào cũng thấy tất cả bề mặt quả cầu bị đọng sương muối" - trạm trưởng Tuyến cho hay. Hơi mặn ngoài đảo nhiều đến nỗi cái máy tính của trạm trưởng dù đã được bỏ vô trong bao bảo vệ nhưng sáng mở màn hình vẫn thấy đọng nước!

"Ngoài này có khó khăn đặc thù như vậy nên bộ đội phải rất tự giác, chăm chỉ, lau chùi rất kỹ để tuổi thọ khí tài được lâu hơn" - trạm trưởng Tuyến bảo.

Lính radar ở nơi mây chạm núi Lính radar ở nơi mây chạm núi

TTO - 'Ở đây xa dân, heo hút. Nhưng khó khăn thì nhìn theo hướng lạc quan, tếu táo là vui. Anh em chăm chút cho cảnh quan đơn vị, không có thời gian mà buồn đâu' - phó trạm trưởng trạm radar 59 cười tươi rói, nói.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên