14/06/2011 05:27 GMT+7

Những người "bắt mạch" đất trời

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH

TT - Mỗi ngày bật truyền hình lên ai cũng sẽ quan tâm tới bản tin thời tiết. Có khi chỉ nghe ngóng đất trời cho công việc, mùa màng, hay một chuyến đi chơi hoặc đối phó với mưa lũ, bão bùng... Ít ai biết để có bản tin từng ngày, từng giờ ấy là sự hi sinh lặng lẽ của rất nhiều cuộc đời làm nghề khí tượng thủy văn (KTTV).

Kỳ 1: “Đánh đu” trên miệng hà bá

y5QtxcnX.jpgPhóng to
Anh Vi Văn Thanh và đồng sự gồng mình quay thuyền nôi để tác nghiệp - Ảnh: Ngọc Quang
Video clip "Thầm lặng giữa đất trời" - Thực hiện: TVO

Trước khi tìm đến trạm thủy văn Nậm Giàng (nằm trên địa bàn xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu), chúng tôi đã cẩn thận vào Đài KTTV khu vực Tây Bắc đóng ở Sơn La, gặp ông Nguyễn Văn Toàn, giám đốc đài khu vực, để hỏi kỹ đường đi lối lại, số điện thoại từng trạm, bởi kinh nghiệm cho thấy không điều nghiên kỹ địa chỉ sẽ mất cả ngày trời vẫn không tìm được đúng nơi.

Lặng lẽ Nậm Giàng

Ông Toàn dặn dò chúng tôi: “Các anh đi xe qua cầu Hang Tôm mới trên sông Đà, từ đó dọc theo chừng 30km đường Điện Biên qua Lai Châu thì trạm thủy văn Nậm Giàng nằm ngay bên đường, trưởng trạm là anh Vi Văn Thanh, đây là số điện thoại của trạm...”.

Vậy mà khi chúng tôi lấy mốc từ cầu Hang Tôm (Mường Lay), giáp ranh giữa hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu, dán mắt vào hai bên đường nhưng đi vượt qua trạm thủy văn Nậm Giàng lúc nào không hay. Gọi điện thoại thì tín hiệu vừa có lại mất. Xe cứ miên man chạy qua hun hút một chặng đường dài không một bóng mái nhà. Khi quay trở lại, chợt nhận ra trạm nằm ngay bên quốc lộ 12. Nằm ngay bên quốc lộ nhưng khoảng cách từ ngôi nhà dân gần nhất đến trạm phải hơn cả chục cây số.

Chợt nhớ câu chuyện nhà văn Nguyễn Thành Long trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa kể về một chàng trai làm nghề khí tượng từ thập niên 1970. Rằng vì quá thèm... gặp người mà anh chàng này đã lăn khúc gỗ ra đường để xe khách chạy ngang qua trạm phải dừng lại cho anh đỡ nhớ tiếng người. Bốn mươi năm trôi qua kể từ dạo ấy, Lặng lẽ Sa Pa đã được xếp vào trong số những truyện ngắn xuất sắc của văn chương Việt thế kỷ 20, nhưng ở miền Tây Bắc này cuộc đời những quan trắc viên KTTV dường như vẫn thế, chỉ có thể diễn đạt bằng một tính từ kinh điển của nghề là “lặng lẽ”. Chúng tôi đã gặp ở Nậm Giàng, tuy đã qua thế kỷ 21 được... 11 năm, dù hôm nay trạm có nằm kề bên quốc lộ nhưng vẫn một không khí lặng lẽ ấy.

Trạm thủy văn Nậm Giàng có điện thoại cố định vô tuyến Viettel nhưng những cuộc liên lạc của chúng tôi với anh em ở trạm đều rất khó thực hiện, đơn giản là sóng điện thoại chập chờn. Điện lưới chưa kéo đến. Họ kể như chuyện lạ: “Động đất ở Nhật Bản ghê gớm vậy mà anh em chúng tôi ở đây phải... ba tuần sau mới biết”. Anh em trong trạm có làm một thủy điện nhỏ, lợi dụng nước từ các rãnh ven quốc lộ đổ xuống, nhưng phải lúc trời mưa máy mới có nước để chạy!

Anh Vi Văn Thanh, trưởng trạm, là người đã có thâm niên một phần tư thế kỷ trong nghề. Nếu không có anh và các cán bộ trong trạm dẫn ra hiện trường để thực hiện các thao tác của công việc mỗi ngày, chắc chúng tôi không thể hình dung nổi những gì các anh chị đã làm.

Trên miệng hà bá

Hai sợi cáp đường kính chừng 3cm, dài hơn 150m được kéo căng vút qua sông Nậm Na ở độ cao 25m so với mặt nước.Trên sợi cáp mong manh ấy là một cái nôi sắt diện tích chừng 3m2 có các tay quay tự hành.

Để đo lưu tốc dòng chảy, lượng phù sa, biên độ dao động của mực nước phục vụ công tác dự báo thủy văn, các cán bộ của trạm mang máy đo lên chiếc “thuyền nôi” này. Trong lúc anh Lò Văn Tuân, cán bộ quan trắc của trạm, kiểm tra các thông số trên máy thì Ngọ Văn Thành, chàng kỹ sư thủy văn vừa ra trường mới lên nhận công tác ở đây, bật nắp hầm giữ các cá sắt - một khối sắt rỗng đúc hình con cá, trên cá sắt được gắn thiết bị như chiếc chân vịt để đo các thông số nối với cáp dẫn truyền tín hiệu lên máy. Một sợi cáp sắt khác nối cá sắt với ròng rọc ở trên nôi để hạ cá sắt từ nôi chìm dần xuống lòng sông.

Chuẩn bị xong xuôi, cả ba anh Thanh, Tuân, Thành ra sức quay từng mét tời một, chiếc nôi sắt tròng trành trên hai sợi cáp mong manh từ từ dịch chuyển ra chính giữa dòng sông. Con cá sắt được thòng xuống, chạm mặt nước rồi chìm hẳn xuống. Dòng nước sẽ làm chiếc chân vịt của thiết bị đo đạc quay, tùy vào lưu tốc mà chân vịt quay nhanh hay chậm. Luồng nước chảy cũng được chuyển thành tín hiệu lên máy đo đặt trên chiếc nôi.

Có lẽ ngồi trên chiếc nôi ở độ cao 25m, chênh vênh giữa trời, chỉ có hai sợi cáp mỏng manh níu giữ, phía dưới là dòng nước Nậm Na hung hãn cuồn cuộn chảy là một thách thức không dành cho ai yếu tim. Thú thật chúng tôi cũng từng ở trên những nhà giàn DK1 giữa biển khơi, nhưng cảm giác ở độ cao ấy vẫn rất an toàn bởi hệ thống chân đế vững chãi và các thanh giằng níu vào nhau rất kiên cố. Còn trên chiếc nôi chông chênh này, thật không khác nào “đánh đu” trên miệng hà bá.

Hôm chúng tôi đến Nậm Giàng là một ngày thời tiết bình thường, dẫu những con sông miền Tây Bắc này sông nào cũng chảy xiết, nhưng so với mùa lũ thì hôm nay sông Nậm Na quá bình yên. Vậy mà vào mùa mưa lũ đây phải là công việc diễn ra mỗi giờ một lần của nhóm cán bộ quan trắc trạm thủy văn Nậm Giàng.

Cứ hình dung con sông Nậm Na mùa lũ điên cuồng cuồn cuộn nước và bóng những cán bộ thủy văn trên chiếc nôi sắt chênh vênh kia bền bỉ, nhẫn nại guồng tay quay để chiếc nôi lần theo sợi cáp ra giữa dòng trong lúc con nước hung hãn như muốn cuốn phăng đi, xung quanh cái thuyền nôi bốn bề trống hoác là mịt mù mưa rét miền Tây Bắc quất ràn rạt vào mặt sẽ hiểu hết sự hi sinh vô bờ bến của họ. Và nếu như có cây gỗ cổ thụ nào bị cuốn đi dưới dòng sông vướng vào sợi dây cáp treo cá sắt, không biết hậu quả sẽ thế nào?

Có năm sông Nậm Na từng dâng nước tới độ cao 214,69m (ngày 6-7-1976). Nhiều thế hệ ở đây đã thay nhau làm công việc lặp đi lặp lại, có vẻ nhàm chán nhưng đầy nguy hiểm ấy. Những thông số thủy văn của sông Nậm Na được phối hợp với số liệu từ những chi lưu khác của sông Đà để cho ra những dự báo, kịp thời xử lý các tình huống nguy hiểm, bảo vệ an nguy cho số phận hàng vạn người dân hạ lưu và cả những con đập thủy điện đang ngày đêm tạo ra năng lượng cho Tổ quốc.

Trước lúc chia tay, Đỗ Thị Hiên, cô kỹ sư thủy văn của trạm, năm nay 28 tuổi, nói như đùa mà rất thật thà: “Vất vả mấy em cũng chịu được, giờ em chỉ khao khát có một tổ ấm nho nhỏ”. Chúng tôi chợt nhớ chặng đường hun hút vắng bóng nhà cửa trên đường tới trạm, ở chốn này gặp người dân thường thôi đã khó, nói gì tìm gặp... người yêu!

----------------------------------------------

Chắc Hiên chưa nói hết rằng giờ thì cô khao khát một tổ ấm, nhưng khi có gia đình, sinh ra những đứa con, cô sẽ thêm một lần hi sinh khi phải đưa con cái về xuôi hay gửi cho ông bà nội ngoại để chúng có chút học hành.

Kỳ tới: Mái ấm giữa mờ xa

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên