Đường ray xe lửa ở Bàn Môn Điếm - Ảnh: Trọng Khang
Sau những giờ hội thảo, đoàn nhà văn quốc tế chúng tôi được tham quan khu vực an ninh chung ở Panmunjeom (người Việt Nam hay gọi là Bàn Môn Điếm).
Panmunjeom nằm gần khu vực phi quân sự giữa Hàn Quốc và Triều Tiên - nơi vừa diễn ra cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, hứa hẹn một nền hòa bình cho bán đảo Triều Tiên.
Ở Panmunjeom tồn tại một đường ray xe lửa, một đường ray bị đứt đoạn nằm trơ khung sắt cũ kỹ, trơ trọi một ký ức buồn. Nó là những gì còn lại của thứ mà ngày xưa từng nối liền hai miền Triều Tiên.
Chính phủ Hàn Quốc đã cho giữ lại đoạn đường sắt này như một sự nhắc nhở về nỗi đau chia lìa và phải chăng cũng gửi gắm trong đó khát vọng một ngày nào đó nó sẽ được nối lại cùng với những đoạn đường sắt khác, để từ đấy không gì là chia lìa mãi mãi.
Hình ảnh đoạn đường sắt bị gãy cứ ám ảnh tâm trí tôi trước khi rời Hàn Quốc.
Tôi nhớ lại tại sao khi mình đọc tham luận ở Đại học Quốc gia Seoul, cái cảm giác gần gũi với những người bạn Hàn Quốc ngồi trong hội trường hôm ấy lại lớn đến vậy.
Họ dành nhiều câu hỏi, có người rơm rớm nước mắt. Chủ đề hôm đó chúng tôi trò chuyện là Division (Sự chia cách).
Tôi đến từ một đất nước từng bị chia cắt. Quá khứ của chúng ta chính là hiện tại của họ, và họ như tìm thấy ở những người con của Việt Nam mối thâm tình của những người có cùng trải nghiệm.
Đối với những người Hàn Quốc tôi gặp hôm đó, dường như thống nhất là viễn cảnh chỉ tồn tại trong giấc mộng dài suốt 65 năm qua.
Một nhà thơ người Hàn đã ngồi lại trò chuyện cùng tôi khi buổi hội thảo kết thúc. Ông tỏ ra khá hiểu biết về Việt Nam, ông đã đọc Nguyễn Ngọc Tư cũng như Bảo Ninh bằng tiếng Hàn.
Ông hỏi tôi rằng động lực nào khiến đất nước các bạn lại sớm trở nên hòa hợp được đến vậy?
Câu hỏi của ông buộc tôi phải suy nghĩ. Có hàng ngàn nguyên do và để cho ông hiểu cặn kẽ, có lẽ tôi phải viện dẫn đến lịch sử, địa lý... - những thứ mà tôi vốn không rành cho lắm.
"Vì chúng tôi đều là người Việt".
Tôi đáp, hình như mọi sự rốt cuộc chỉ đơn giản có thế, một câu trả lời thỏa đáng hơn nhiều mà không cần đến quá nhiều bằng cớ hay dẫn chứng, đơn giản đến mức khiến nhà thơ đứng tuổi nọ trầm ngâm một lúc.
Đêm hôm đó, chúng tôi có buổi đọc thơ tại thư viện Coex nằm trong trung tâm thương mại lớn nhất ở Kangnam. Người cuối cùng lên đọc thơ, không ai xa lạ, chính là nhà thơ tôi đã trò chuyện.
Trước khi đọc sáng tác của mình, ông tâm sự cùng khán giả bên dưới rằng ông đã có một cuộc trao đổi thú vị với nhà văn đến từ Việt Nam. Buổi nói chuyện ấy chính là nguồn cảm hứng để ông sáng tác nên bài thơ này.
Rồi ông đọc truyền cảm bài thơ được viết trên điện thoại. Bài thơ về nỗi đau chia lìa hòa nhịp với khát vọng thống nhất, lướt đi trong sự im lặng của khán giả với câu kết hài hước: "Muốn đạt kỳ tích đó (thống nhất) thì chỉ có người ngoài hành tinh mới làm được".
Câu nói đùa không làm ai cười. Tôi tưởng như đang nghe những tiếng thở dài được che giấu và cảm thấy mình may mắn biết bao khi vẫn sống trong một đất nước toàn vẹn, không còn chịu cảnh chia cắt.
Những ngày tháng tư này, tôi càng thấm thía thêm điều may mắn ấy. Chúng ta đã không cần cầu khẩn thánh thần, chúng ta cũng không phải là người ngoài hành tinh, mà chỉ là những người phàm, bằng tất cả nỗ lực của mình, hàn gắn lại những vết thương chia lìa tình tự dân tộc.
Tôi muốn nói với nhà thơ Hàn Quốc nọ rằng các bạn không cần phải là người ngoài hành tinh đâu, cứ sống cuộc đời của các bạn, cứ sống bằng những khát khao và mơ ước được đoàn tụ ấy, rồi có ngày các bạn sẽ đạt được bằng hòa bình, một đất nước Hàn Quốc thống nhất.
Và cái kỳ tích ấy, các bạn thấy đấy, không chỉ người ngoài hành tinh mới có thể làm được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận