26/05/2024 10:45 GMT+7

Những mùa mưa đợi chờ - Kỳ 5: Chỉ một cơn mưa Huế là thành mùa đông

Mưa thì ở đâu trên Trái đất này đều có. Nhưng sao mưa ở xứ Huế lại được truyền tụng nhiều như thế. Thi ca nhạc họa và cả địa lý, lịch sử cũng đã tốn không ít giấy mực để nói về một loại mưa, gọi là "mưa Huế".

Giữa mùa hè, chỉ một cơn mưa đổ xuống là Huế thành mùa đông - Ảnh: ĐĂNG HẠNH

Giữa mùa hè, chỉ một cơn mưa đổ xuống là Huế thành mùa đông - Ảnh: ĐĂNG HẠNH

Xứ sở hai mùa đều là mùa mưa

Nhà thơ Phùng Quán đã dành hẳn một chương trong truyện thơ Trăng hoàng cung để viết về mưa Huế: "Ôi cái mưa khùng điên/ Mưa không còn biết gì tới chừng mực!", khiến cho: "Nắng thì bùn hóa đá/ Mưa thì đá hóa bùn".

Nhà văn Trần Kiêm Đoàn thì cho rằng: "Người đi tìm hạnh phúc/ Mưa tìm Huế mà rơi/ Mưa dầm không có Huế/ Mưa sẽ tiếc một đời".

Đặc điểm cơ bản của khí hậu Thừa Thiên Huế được gói gọn trong một chữ: mưa. Sách Địa chí Thừa Thiên Huế (Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội 2005) cho biết chế độ mưa của nơi này mang nhiều đặc điểm khác hẳn với Bắc Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên.

Mùa mưa ở các nơi đó gắn liền với hoạt động của gió mùa hè (Tây Nam), trong khi mùa mưa của Huế lại gắn liền với gió mùa đông (Đông Bắc). Và đặc biệt, nếu khí hậu cả nước đều có hai mùa: mùa khô và mùa mưa, thì vùng lãnh thổ Thừa Thiên Huế cũng có hai mùa: mùa mưa và mùa ít mưa.

Dãy Trường Sơn chạy song song với bờ biển, đến ngang đoạn Thừa Thiên thì đột nhiên rẽ một nhánh đâm ngang ra Biển Đông, tạo thành một bức tường thiên nhiên hình vòng cung kéo dài từ A Lưới - Nam Đông - Bạch Mã - Hải Vân chắn ngang hướng thổi của gió mùa đông bắc.

Không khí lạnh từ phía bắc tràn xuống gặp bức tường này chặn lại, tạo thành những đám mây dày đặc hơi nước dồn tụ suốt mùa đông và lưu trú ở đây gần như quanh năm.

Đó là lý do khiến Thừa Thiên Huế là vùng có lượng mưa trung bình trong năm cao nhất nước (2.700 - 4.000mm), số ngày mưa cũng kéo dài nhất (200-220 ngày) và tất nhiên độ ẩm cũng cao nhất nước (83-87%).

Khi cả nước đang vào mùa khô hanh, thậm chí miền Bắc và Tây Nguyên đang khô hạn, thì Huế vẫn trầm mình trong những cơn mưa dầm dề lạnh buốt.

Mỗi năm hai mùa và mùa nào cũng mưa, vậy nên người ta mới gọi Huế là xứ mưa!

Xứ mưa mà hạn đến khô người

Đó là một trong những nghịch lý của Huế. Xứ sở hai mùa mưa, mà đến mùa hè, tức là mùa ít mưa, thì hạn hán cháy cây, cháy cỏ. Có năm hạn nặng giữa mùa đông (năm 2019), đầu tháng 11 dương lịch, cao điểm mùa lũ mà chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế phải ban hành chỉ thị "tăng cường chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn". Hạn và mặn là hai từ ám ảnh người Huế một thời.

Du khách thăm Hoàng thành trong màn mưa Huế - Ảnh: ĐĂNG HẠNH

Du khách thăm Hoàng thành trong màn mưa Huế - Ảnh: ĐĂNG HẠNH

Tháng 5, khi Bắc Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên vào mùa mưa, thì Huế chuyển qua mùa ít mưa. Hoa phượng nở đỏ bầu trời lãng mạn học trò, nhưng cũng là cái màu báo hiệu cho nắng hạn.

Cũng vào mùa ít mưa năm đó, 1985, trời nắng suốt ba tháng hè. Thỉnh thoảng có vài giọt mưa, chỉ đủ gây nên cảm cúm, thương hàn.

Cả vùng Thừa Thiên Huế oằn mình dưới nắng hạn. Cánh đồng khô rang, bùn đất nứt nẻ đến mức trâu bị sỉa chân, mắc kẹt vào lỗ nứt giữa ruộng kêu cứu thê thảm. Nước sông Hương cạn trơ ra cả hai cái bờ mà suốt bao năm vẫn chìm dưới nước.

Nước biển tràn vô phá Tam Giang rồi tràn lên thượng nguồn sông Hương. Dân cả thành phố Huế kéo nhau ra sông Hương từ sáng sớm để giải nhiệt. Mấy cậu thanh niên bơi ra giữa sông lặn xuống rồi la oai oái: "Mặn quá, mặn như nước biển". Đó chính là nước biển chứ còn như gì nữa.

Sau khi thâm nhập vào sông thì nước mặn chìm ở dưới tầng dưới. Nhà máy nước đã tìm cách lấy nước ở tầng mặt, nhưng rồi nước mặn vẫn lọt luôn vào bể chứa nhà máy rồi theo đường ống đến tận mỗi nhà.

Cả thành phố phải uống thứ nước lờ lợ, càng uống càng khát. Có người đùa rằng nước này nấu canh thì khỏi phải bỏ muối.

Cả thành phố Huế quanh quất chạy tìm nước ngọt. Đó là những giếng nước ở khá xa sông Hương nên nước ngầm chưa bị nhiễm mặn. Các quán bên đường ướp lạnh nước giếng đó rồi bán như một thứ nước giải khát cho người lao động bình dân.

Lũ học trò chúng tôi cũng nhờ thứ "nước thần tiên" đó mà vượt qua một "mùa hè đỏ lửa". Chỉ những ai người Huế đã sống qua những mùa hè đó, mới biết được nước máy nhiễm mặn là gì. Sau khi xây xong đập ngăn mặn Thảo Long (năm 2006) ở cuối sông Hương và thêm cái hồ thủy lợi Tả Trạch tại đầu nguồn (2016), tình trạng đó đã không còn xảy ra nữa.

Sung sướng chi bằng tắm mưa

Mưa Huế đẹp như một bức tranh - Ảnh: ĐĂNG HẠNH

Mưa Huế đẹp như một bức tranh - Ảnh: ĐĂNG HẠNH

Sau mấy tháng gần như không biết mưa là gì thì một chiều cuối tháng 8, trời bỗng nhiên tối sầm lại. Sấm chớp đùng đùng, gió xoáy như lốc, cây cối gãy rạp, và mưa ập đến.

Mưa như trút nước, không kịp thấm xuống đất, chảy ào ạt ra đường, chẳng mấy chốc đường phố như sông.

Mưa quất rầm rầm vô cửa kính như ai đó ném đá.

Theo kinh nghiệm đã được anh chị truyền bá từ thuở nhỏ, lũ học trò nội trú chúng tôi cố đợi cho mưa đủ "bay hết hơi đất" là chạy ào ra sân tắm mưa.

Nếu bạn chưa bao giờ tắm mưa thì thật khó để tin rằng nước mưa không giống với bất cứ thứ nước nào mình đã tắm: nước sông, nước biển, nước giếng, nước máy, nước bể bơi...

Cảm giác đầu tiên là rất lạnh, vì nước rơi từ trời cao xuống. Giọt nước lạnh ấy gặp cái thân thể nóng nảy do nắng hè nung nấu gây nên cảm giác lạnh như đá, rùng cả mình.

Cái mát lạnh gần giống nước suối, nhưng nước suối không tạo cảm giác massage thân thể như những giọt mưa rơi từ trời cao xuống, đập vào thân thể mình, râm ran. Phải nói là quá đã!

Cả lũ kéo nhau chạy ra đường, vừa chạy vừa vuốt mặt vừa la hét như một bầy trẻ con dưới mưa. Gặp một vũng nước bên đường là nằm lăn xuống vùng vẫy như đang bơi trên hồ.

Hết trò thi chạy đua dưới mưa, cả bọn lại mang banh ra sân vận động sau trường. Đá banh dưới mưa mới thú làm sao. Chạy hộc hơi mà không đổ mồ hôi. Mệt là nằm lăn ra sân cỏ, ngửa mặt lên trời rồi nhắm mắt cho mưa quất vào người. Khát thì há miệng ra đớp nước mưa, nuốt ừng ực...

Ham đá banh nên cơn mưa ngớt từ khi nào mà chẳng ai để ý. Mưa ngừng rơi nhưng mây vẫn còn thấp và sấm sét thỉnh thoảng chớp giật. Lúc này cái lạnh mới bắt đầu hiện ra trong cơ thể. Bầu trời trở nên tối sầm như mùa đông.

Chỉ một cơn mưa là thành mùa đông

Dân gian Huế từ xa xưa đã truyền nhau hai câu thơ bất hủ về "tính nết" đất trời xứ Huế:

Tứ thời giai thị hạ

Nhất vũ biến vi đông

(Bốn mùa đều là mùa hạ

Chỉ một cơn mưa là biến thành mùa đông).

Người Huế xưa nói "bốn mùa đều là mùa hạ" vì ngay giữa mùa đông nắng lên là đã thấy oi bức.

Nhưng giữa mùa hạ nóng bức, chỉ một cơn mưa rơi xuống là đất trời tối lạnh, u ám như thể mùa đông. Sáng hôm sau tỉnh dậy, mở cửa ra thì không còn thấy cái mùa đông ấy nữa.

Nắng hè lên nhưng không khí rất mát mẻ. Cây cối mới hôm qua khô héo ủ rũ, vậy mà bây giờ đã tươi tỉnh hẳn ra. Đó là một thứ thời tiết đẹp hiếm hoi của Huế sau cơn mưa mùa hạ: mát lành mà sáng tươi!

********************

Mùa mưa là những ngày lũ chúng tôi ngày ấy mong chờ. Mùa không phải co ro bên đống lửa vì áo không đủ ấm, mùa không phải ăn cơm độn với rau luộc bữa này qua bữa khác. Mùa mưa là mùa của những buổi chiều vang tiếng cười bên sông.

>> Kỳ tới: Mùa vớt củi trên sông

Những mùa mưa đợi chờ - Kỳ 4: Mưa Sài Gòn bao mùa thương nhớNhững mùa mưa đợi chờ - Kỳ 4: Mưa Sài Gòn bao mùa thương nhớ

Mưa Sài Gòn không dai dẳng cả tuần như mưa Huế, không tê buốt như mưa Hà Nội. Sài Gòn có khi mưa mà mồ hôi vẫn rịn trên da, vã trên trán. Mưa ấm...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên