25/03/2012 07:15 GMT+7

Những mô hình "bắt mạch" nhu cầu cuộc sống

Q.LINH - K.ANH
Q.LINH - K.ANH

TT - Tối nay 25-3, Thành đoàn TP.HCM kỷ niệm 81 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26-3-1931 - 26-3-2012) và mười năm Giải thưởng Hồ Hảo Hớn. Tại đây bảy tập thể sẽ được vinh danh.

Tìm kiếm và vinh danh ý tưởng mớiChàng luật sư “máu lửa”

4cZ6JBZs.jpgPhóng to

Hưởng ứng chương trình do báo Tuổi Trẻ phát động, các bạn trẻ Q.4 (TP.HCM) tham gia nhắn tin “Góp đá xây Trường Sa” và gây quỹ “Vì Trường Sa thân yêu” - Ảnh: K.Anh

Đây là bảy tập thể làm nên những mô hình đáp ứng nhu cầu cuộc sống, có sức lan tỏa rộng rãi sẽ nhận Giải thưởng Hồ Hảo Hớn 2012.

NST xin giới thiệu bảy tập thể này.

1-Góp đá - đồng vọng tình yêu nước

Chính cảm hứng từ hành động của Ngô Phan Hà Châu (cựu sinh viên Trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM) thả nắm đất được mang từ đất liền giữa biển trời Trường Sa mà chương trình “Góp đá xây Trường Sa” của Tuổi Trẻ được hình thành.

Hơn 42 tỉ đồng được đóng góp, khi mà một công trình tại đảo Đá Tây đang nên hình nên dạng mỗi ngày, thì vẫn còn rất nhiều tấm lòng mở ra cùng đảo xa. Như chính Hà Châu từng mong ước: “Giá mỗi người khi ra thăm đảo đều mang một nắm đất thì biển và bờ sẽ gần nhau biết bao”. Có lẽ đấy cũng là tâm nguyện của bao người dân VN để không chỉ là góp một viên đá mà chính là góp tình yêu, để dải đất hình chữ S luôn bền vững.

2- Hạnh phúc nghèo nở hoa

Tuy không phải lần đầu tiên tổ chức, nhưng lễ cưới tập thể năm 2011 với số lượng 80 đôi bạn trẻ đã trở thành đám cưới tập thể đông nhất tại VN đến thời điểm hiện tại. Hạnh phúc của các đôi bạn khó khăn đã nở hoa viên mãn khi ngày vui ấy có hàng vạn lời chúc phúc và sự chung tay hỗ trợ của nhiều tấm lòng.

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM Huỳnh Ngô Tịnh chia sẻ: “Thấy các bạn hạnh phúc tay trong tay trong ngày trọng đại nhất đời mình, những người tổ chức lễ cưới chúng tôi cũng vui lây và thấy đó như chính hạnh phúc của mình”. Và kế hoạch về một đám cưới tập thể quy mô lớn hơn trong năm nay cũng đang gấp rút được hoàn thành.

3- Theo mỗi bước chân lao động trẻ

Ba năm qua, không ít lao động trẻ từ nhiều nơi đến TP.HCM tìm việc đã thấy an lòng hơn khi tiếp xúc với các tình nguyện viên chương trình “Tiếp sức người lao động” của Trung tâm Hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên TP.HCM. Họ ngỡ ngàng trước nghĩa cử của những bạn trẻ, người dân TP ngay khi vừa đặt chân xuống các bến xe ở TP. Và niềm vui vỡ òa khi họ tìm được một công việc như mong đợi.

Không thể phủ nhận thành công của chương trình có sự góp sức lớn của nhiều doanh nghiệp, sự ủng hộ của lãnh đạo các bến xe mà như phản hồi của nhiều lao động trẻ: đó là một hoạt động đầy tính nhân văn và họ thấy ấm lòng hơn trên mỗi bước đường mưu sinh xa nhà nơi đất khách.

4- Rèn thủ lĩnh Đội

16 năm tổ chức, hội thi chỉ huy Đội giỏi của Nhà Thiếu nhi TP.HCM vẫn là sân chơi được nhiều thủ lĩnh Đội chờ mong. Bởi để đến được sân chơi này, họ phải là người chiến thắng của nhiều vòng thi cấp cơ sở trước đó.

Đó không chỉ là kiến thức hay trải nghiệm thực tế, hội thi đã bổ sung cho các bạn nhiều kỹ năng để ứng phó với nhiều tình huống trong cuộc sống. Sân chơi này cũng góp công lớn khi ươm mầm cho ước mơ trở thành cán bộ Đoàn, phụ trách Đội thành hiện thực.

5- “Phòng mạch Mực Tím”

Dù đã có chuyên mục tư vấn tâm sinh lý cho tuổi mới lớn trên báo Mực Tím, nhưng ban biên tập của báo vẫn quyết tâm ra đời thêm một kênh tư vấn trực tiếp cho tuổi mới lớn qua sóng truyền hình.

Cuối năm 2007, chương trình “Phòng mạch Mực Tím” lần đầu xuất hiện trên kênh truyền hình ĐN1 (Đài Đồng Nai) vào sáng chủ nhật của tuần thứ ba trong tháng. Chương trình truyền hình trực tiếp trong một giờ, các chuyên gia, bác sĩ, nhà tâm lý... “gỡ rối” trực tiếp cho khán giả là những bạn trẻ, phụ huynh khắp các tỉnh gọi về đường dây nóng của chương trình.

“Phòng mạch Mực Tím” còn được mang đến tận các trường học để những “thắc mắc biết hỏi ai” được tư vấn một cách rõ ràng, cặn kẽ.

6- Trao niềm vui cho những tân binh

Với mong muốn tiếp lửa truyền thống đến những bạn trẻ trước giờ lên đường nhập ngũ, Quận đoàn Phú Nhuận đã khởi xướng tổ chức “Hội trại tòng quân” từ năm 1996. Ở hội trại, những bạn sắp là tân binh có dịp chia sẻ với các cô chú cách mạng lão thành và những đàn anh đã xuất ngũ câu chuyện cống hiến và lý tưởng sống của người trẻ. Những bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn sẽ nhận được sự sẻ chia từ bè bạn qua những cuốn sổ tiết kiệm “Vì người bạn tòng quân”...

Đã duy trì hơn chục năm, nhưng hội trại vẫn có sức hấp dẫn và nhân rộng đến các quận huyện khác.

7- Tuyên chiến với bạo lực học đường

Có chứng kiến cảnh các chiến sĩ trẻ thuộc phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) - Công an TP.HCM đến tận các trường học để tuyên truyền, mới thấy hết tấm lòng của họ dành cho các bạn trẻ. Dù công việc bận rộn, nhưng mỗi lần đến với buổi tuyên truyền, chiến sĩ nào cũng hồ hởi, bởi các anh muốn tự mình chuyển tải thông điệp đẩy lùi bạo lực học đường đến với các em học sinh.

Mô hình “Tuyên truyền giáo dục pháp luật, phòng chống tội phạm, bạo lực học đường” được Đoàn PC 45 thực hiện từ năm 2007. Đến nay, mô hình đã được Ban thanh niên Công an TP nhân rộng đến nhiều đơn vị khác với mong muốn các bạn trẻ được trang bị kiến thức pháp luật, giảm tình hình tội phạm trẻ tuổi...

Q.LINH - K.ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên