19/03/2015 11:44 GMT+7

​Những liệt sĩ sau nửa thế kỷ!

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH

TT - Các phóng viên Tuổi Trẻ đã trở lại cung đường này nhân chương trình Tháng ba biên giới.

TNXP mở đường Hạnh Phúc năm 1960 - Ảnh tư liệu

Con đường kỳ vĩ nhất của đất nước băng qua những đỉnh núi đá tai mèo, treo lơ lửng trên vực sâu hun hút ở cao nguyên đá Hà Giang lại có cái tên vô cùng hiền lành và ấm áp: đường Hạnh Phúc! 

Tối 17-3-2015, ở Hà Giang có một buổi lễ nhỏ nhưng vô cùng xúc động: những thanh niên xung phong (TNXP) ra đi mở đường từ hơn 50 năm trước hội tụ về Hà Giang để chuẩn bị cho chuyến hành hương trên con đường mà tuổi trẻ của họ đã dâng hiến.

Hội tụ về đây còn có hình bóng những đồng đội họ, những người tuy đêm nay không có mặt nhưng có tên. Đó là những dòng tên im lặng trên tấm bằng Tổ quốc ghi công. Vậy là sau hơn nửa thế kỷ hi sinh, giờ đây những chàng trai cô gái nằm lại giữa heo hút con đường trên đá xám mới được công nhận là liệt sĩ.

Tấm bằng Tổ quốc ghi công biết thờ nơi đâu?

Đã có 14 TNXP hi sinh trên con đường này trong suốt 2.000 ngày mở đường từ năm 1959 đến ngày hoàn thành vào tháng 3-1965.

Chỉ một người là anh Đào Ngọc Phẩm, người TNXP hi sinh một tuần trước khi hoàn thành con đường, được công nhận liệt sĩ vào tháng 7-1997, còn 13 đồng đội của anh Phẩm đến hôm nay mới được công nhận.

Buổi chiều trước lễ trao bằng Tổ quốc ghi công, chúng tôi ngồi với bác Nguyễn Mạnh Thùy, phó chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Hà Giang, một người từng tham gia mở tuyến đường Hạnh Phúc những năm tháng ấy. 13 tấm bằng Tổ quốc ghi công vừa nhận từ Sở LĐ-TB&XH về để chuẩn bị cho lễ trao đêm nay.

Gần một năm trời, ông Thùy đã ngược xuôi để lo thủ tục công nhận liệt sĩ cho các đồng đội TNXP và hành trình đi tìm thân nhân của những liệt sĩ để đêm nay mời về đây dự lễ trao bằng quả là cam go.

50 năm, con đường Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc vẫn còn đó, ngày một đẹp hơn nhưng gia đình những cựu TNXP đã hi sinh thì di chuyển nhiều nơi, việc liên lạc kết nối họ về đây nhận tấm bằng Tổ quốc ghi công để mang về nhà nhang khói cho người ngã xuống không dễ.

Nhưng đêm nay có 12 tấm bằng Tổ quốc ghi công sẽ có thân nhân lên nhận. Riêng một tấm bằng đề tên “Liệt sĩ Giàng Mý Nô” thì dù đã lặn lội khắp nơi tìm kiếm nhưng không thể nào tìm được ai để nhận về thờ.

Ông Thùy lật danh sách 14 liệt sĩ của con đường Hạnh Phúc, hồ sơ về Giàng Mí Nô là một dòng ngắn gọn nhưng đầy đủ: Giàng Mí Nô, sinh năm 1944, gia nhập TNXP mở đường Hạnh Phúc vào tháng 10-1959, hi sinh ngày 16-5-1961, thuộc đại đội 1 Đồng Văn.

Giàng Mí Nô chết vì sốt rét ác tính tại bệnh xá H100 xã Na Khê, huyện Yên Minh (Hà Giang). Công việc: TNXP trực tiếp mở đường. Nơi chôn cất: nghĩa trang TNXP huyện Yên Minh. Chỉ dòng đề tên tuổi thân nhân của Nô vẫn để trống trong khi những liệt sĩ khác, phần ghi tên người đại diện gia đình nhận thờ phụng liệt sĩ đều có tuổi tên con cháu, anh em...

Người cán bộ phụ trách buổi lễ cứ chạy vào chạy ra căn phòng trụ sở Hội Cựu TNXP băn khoăn nói với ông Thùy: “Bác ơi, tất cả 13 trường hợp kia đã ổn, chỉ riêng liệt sĩ Giàng Mí Nô tính sao đây bác? Không có thân nhân nhận bằng về thờ cúng thì sẽ đặt tấm bằng này ở đâu? Ai sẽ nhận chế độ chính sách sau này?”.

Ông Thùy lại nhấc điện thoại gọi cho những nơi nào đó rồi quay lại nói với chúng tôi: “Chúng tôi đã huy động hết anh em đồng đội cựu TNXP ở Mèo Vạc vào cuộc tìm kiếm thân nhân của Giàng Mí Nô cả năm nay mà vẫn chưa có tăm tích. Thôi thì đêm nay đại diện Phòng LĐ-TB&XH huyện Mèo Vạc sẽ nhận tấm bằng Tổ quốc ghi công của Giàng Mí Nô về cất ở đây rồi tiếp tục đi tìm”.

Cứ như những thông tin trong hồ sơ, người con trai Mông ở Thượng Phùng, Mèo Vạc này đã gia nhập TNXP mở đường từ đợt đầu tiên tháng 10-1959. Và nếu thật sự năm sinh chính xác là 1944 thì Giàng Mí Nô hi sinh năm 1961, khi đó mới 17 tuổi. Mộ Giàng Mí Nô vẫn nằm cùng đồng đội khác ở nghĩa trang TNXP Yên Minh. Nhưng cuộc đời người con trai Mông ấy đã dâng hiến cho con đường này.

Bất giác tôi nhớ đến những bạn trẻ vẫn hằng ngày đi “phượt” trên cung đường Hà Giang - Mèo Vạc này. Trên những chiếc môtô xé gió, cờ Tổ quốc trên ngực áo, những bạn trẻ ấy có bao giờ biết rằng hơn 50 năm trước nhiều người con gái con trai bằng tuổi họ đã gửi lại những năm tháng thanh xuân đẹp nhất của đời mình cho con đường.

Cung đường Hạnh Phúc hôm nay - Ảnh: Ngọc Quang

Những người nằm lại với con đường

Theo ông Nguyễn Mạnh Thùy có 14 liệt sĩ TNXP của tuyến đường thì có đến chín trường hợp hi sinh vì sốt rét ác tính. Hơn 50 năm trước vùng đất này nổi tiếng là nước độc. Sốt rét là mối đe dọa lớn nhất với những TNXP mở đường chứ không phải là chuyện tai nạn lao động, dù điều kiện làm việc hồi ấy quá thô sơ.

Và khi lục tìm trong hồ sơ về những liệt sĩ hi sinh khi mở đường, chúng tôi nhận ra có một quãng thời gian rất kinh khủng: chỉ chưa đầy hai tháng từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11-1960 đã có bốn TNXP chết vì sốt rét ác tính.

Nguyễn Thị Danh, TNXP của đại đội Đồng Văn sinh năm 1941, chết tháng 9-1960 khi mới 19 tuổi, Hoàng Văn Việt, TNXP của đại đội Thái Nguyên và chị Lý Thị Vân của đại đội Lạng Sơn chết vào tháng 10 và đầu tháng 11, đại đội Lạng Sơn có thêm một người nữa cũng ra đi là anh Vũ Đức Lộc.

Những ngày đi tìm thân nhân các cựu TNXP đã hi sinh trên cung đường này để làm hồ sơ công nhận liệt sĩ hóa ra cũng khiến ông Thùy day dứt không kém ngày xưa khi chứng kiến đồng đội hi sinh. Với những TNXP mở đường Hà Giang - Mèo Vạc ngày ấy, mỗi ngày là một cuộc chiến đấu, chiến đấu thật sự theo nghĩa đen, không chỉ ở chuyện vất vả trên công trường mà đối mặt với sự rình rập phá hoại của bọn phỉ những ngày tháng ấy.

Ông Thùy bảo: Khi bắt đầu đi làm công việc đề nghị truy tặng liệt sĩ cho những TNXP, nhiều người bảo đã quá muộn, dù sao cũng 50 năm trôi qua, nhưng với ông Thùy, máu xương đồng đội không bao giờ có chuyện muộn hay sớm. Bây giờ trong buổi lễ tối nay, ông có thể an tâm khi nghĩ về những đồng đội đã hi sinh. Nếu có một điều day dứt thì đó là trường hợp của liệt sĩ Trần Đình Luân.

Anh Luân hi sinh khi đang áp tải ôtô chở thực phẩm và vật tư từ Hà Giang về cho công trường và chết ở Phố Cáo. Cuối năm 2014, khi ông Thùy về gia đình anh Luân tận Thường Tín (Hà Nội) để thực hiện các thủ tục giấy tờ làm hồ sơ công nhận liệt sĩ mới biết rằng trước anh Luân còn có hai người anh ruột cũng là liệt sĩ hi sinh ở chiến trường miền Nam, người mẹ của anh được nhận danh hiệu “Bà mẹ VN anh hùng”.

Cả gia đình chỉ còn lại người em út là Trần Đình Nhít. Ông Nhít nói với ông Thùy: “Nếu chuyến này nhận được bằng Tổ quốc ghi công cho anh Luân, thế nào tôi cũng lên Hà Giang để nhận và cảm ơn các đồng đội của anh tôi”.

Sáng 7-1-2015, nghĩa là ba tháng trước đây, khi những tấm bằng Tổ quốc ghi công của những TNXP mở đường Hạnh Phúc được ký, ông Thùy gọi điện về Thường Tín báo tin cho ông Nhít chuẩn bị lên Hà Giang dự lễ thì chỉ trước đó mấy phút ông Nhít đã qua đời.

________________

Kỳ tới: Sống trên đá chết vùi trong đá!

 

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên