Sinh viên một trường đại học nhập học trực tuyến - Ảnh: CTV
Theo một số cán bộ quản lý ở trường đại học, nhiều mức phí trong bài "Học trực tuyến sinh viên vẫn phải 'kính thưa' đủ loại phí trên trời dưới đất", các trường cần phải minh bạch, có những khoản không được phép thu.
Tính đúng, đủ và công khai
Trưởng phòng kế hoạch tài chính một trường đại học công lập tại TP.HCM cho biết, điều 65 Luật giáo dục đại học 2018 và nghị định 81/2021 của Chính phủ có quy định về học phí và các khoản thu dịch vụ khác đối với người học thì bên cạnh học phí, các trường được thu thêm các khoản thu dịch vụ tuyển sinh.
Các khoản thu này đủ điều kiện: mức thu dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác được xác định trên nguyên tắc tính đủ chi phí hợp lý thực tế phát sinh.
Mức thu dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học cùng với thông báo tuyển sinh và trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học. Trường có trách nhiệm trích một phần nguồn thu học phí để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
"Tuy nhiên, trong điều kiện các trường cũng như người học bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhất là các trường tổ chức nhập học online cân nhắc không thu các khoản phí nhập học trừ các khoản thu hộ như bảo hiểm y tế, kiểm tra tiếng Anh đầu vào, tiền khám sức khỏe, tiền mở thẻ ngân hàng (duy trì số dư tài khoản)" - vị này phân tích.
Tương tự, phó hiệu trưởng một trường đại học công lập cho biết ngoài học phí còn có quy định cho phép trường thu phí phục vụ người học, nhưng phí này phải được công khai trong quy chế chi tiêu nội bộ của trường và được cơ quan quản lý duyệt.
Theo ông, có những công việc ngoài chuyên môn nhân viên phải làm, như xử lý hồ sơ nhập học. Theo quy định, trường phải trả phí cho người làm việc ngoài chuyên môn, do đó trường thu phí nhập học.
"Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn và nhập học theo hình thức trực tuyến, các mức phí đi kèm cần giảm cho phù hợp. Hơn nữa cần có lựa chọn sử dụng hay không sử dụng dịch vụ để sinh viên lựa chọn chứ không nên bắt buộc tất cả" - vị phó hiệu trưởng (đề nghị không nêu tên) nói thêm.
Giải pháp thay thế không được thu phí
Không thu phí nhập học nhưng các khoản lệ phí phục vụ trực tiếp cho việc đào tạo, nhiều trường lại thu. Mức thu ở các trường có sự chênh lệch rất lớn, nhất là các khoản thu đồng phục, kiểm tra tiếng Anh và khám sức khỏe.
Đơn cử tiền khám sức khỏe, có trường thu chỉ 50.000 đồng nhưng có trường thu cao hơn gấp 7 lần. Chi phí kiểm tra tiếng Anh đầu vào của các trường cũng có sự chênh lệch rất lớn. Hiệu trưởng một trường đại học tại TP.HCM cho biết phí đồng phục và khám sức khỏe thường các trường tự quyết định.
"Trường tôi từng đề nghị để sinh viên tự nộp giấy khám sức khỏe nhưng không được duyệt. Trường phải mời bệnh viện quận về trường khám. Họ phải đưa nhân sự, máy móc thiết bị đến trường để khám nên chi phí sẽ cao hơn. Nếu để sinh viên tự đi khám, chi phí sẽ rẻ hơn. Sinh viên liên tục kêu việc khám tại trường gây phiền hà và chi phí đắt đỏ" - ông chia sẻ thêm.
Nhiều năm kinh nghiệm xây dựng học phí và chi phí cho trường, trưởng phòng tài chính một trường đại học nhấn mạnh trường có nghĩa vụ cung cấp hoạt động đào tạo, quản lý, phục vụ giúp người học hoàn thành khóa học. Trường cũng cần có sự hỗ trợ, động viên người học dưới nhiều hình thức khác nhau như giảm học phí, hỗ trợ chi phí đối với từng trường hợp cụ thể.
Mặc dù vậy, trong sự ảnh hưởng chung của toàn xã hội, các trường cũng bị ảnh hưởng và đe dọa đến khả năng hoạt động, nhất là các trường tư.
Do đó, theo đề án định mức kinh tế kỹ thuật, cũng như các quy định về việc thu phí, các trường khi cung cấp dịch vụ không nằm trong giá học phí sẽ được thu khi đảm bảo các quy định.
Dịch vụ gia tăng các trường phải chứng minh được sự khác biệt với dịch vụ mà trường có nghĩa vụ cung cấp cho sinh viên, ví dụ như chi phí hoạt động của thư viện, chi phí giảng dạy trực tuyến phát sinh tăng thêm các khoản phí chênh lệch so với giảng dạy trực tiếp.
Dịch vụ gia tăng phải cho người học lựa chọn
"Các dịch vụ gia tăng phải đảm bảo cho người học có 2 quyền lựa chọn (tham gia hoặc không) và khi người học từ chối sử dụng dịch vụ gia tăng, các trường vẫn phải đảm bảo tiến độ học tập của sinh viên.
Các khoản phí như thư viện điện tử, thư viện ngoài giờ, chi phí học trực tuyến nếu là giải pháp thay thế của quá trình học trực tuyến thì không được phép thu" - ông trưởng phòng tài chính nói thêm.
Trường đại học trả lại "phụ phí" cho sinh viên
Tháng 4-2021, Thanh tra Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã ban hành kết luận thanh tra Trường ĐH Văn hóa TP.HCM và kết luận trường thu phí sử dụng thư viện, thế chân sử dụng thư viện chưa đúng quy định.
Trường đã dừng việc thu các khoản phí này và hoàn trả cho sinh viên đã nộp, tuy nhiên nhiều sinh viên không đến nhận. Đến thời điểm thanh tra, tài khoản của trường còn dư số tiền 258 triệu đồng.
Thanh tra yêu cầu trường nộp ngân sách nhà nước các khoản thu sử dụng thư viện (159 triệu đồng) và thế chân sử dụng thư viện (99 triệu đồng).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận