24/05/2018 07:39 GMT+7

Những khoản chi 'lạ' trong đề án đổi mới thi THPT quốc gia 750 tỉ

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - 1,5 tỉ cho các đoàn kiểm tra thi, 500 triệu cho những người xây dựng đề án, văn bản quy phạm pháp luật... những khoản chi lạ trong đề án đổi mới thi THPT quốc gia 750 tỉ khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Những khoản chi lạ trong đề án đổi mới thi THPT quốc gia 750 tỉ - Ảnh 1.

GS Phạm Minh Hạc- Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Trước việc Bộ GD-ĐT phải nhanh chóng thu hồi đề án đổi mới thi THPT quốc gia, chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, nhiều chuyên gia cho rằng đây là bài học cho việc xây dựng đề án dùng ngân sách nhà nước.

Không thể hiểu con số quá "khủng"

Theo GS Phạm Minh Hạc - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, số tiền 750 tỉ đồng để thực hiện đề án đổi mới thi, tuyển sinh là con số quá "khủng".

''Tôi ngạc nhiên hết sức và không thể hiểu làm thế nào để tiêu hết số tiền đó với mục tiêu chủ yếu chuẩn bị cho các kỳ thi THPT quốc gia ba năm từ 2018-2020 và bước đầu chuẩn bị cho kỳ thi quốc gia từ năm 2021 còn chưa rõ hình hài.

Tôi rất hoan nghênh phản ứng kịp thời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khi đã nhanh chóng chỉ đạo thu hồi đề án ngay sau khi báo chí phản ánh.

Tuy nhiên, bộ cũng cần rút kinh nghiệm trong việc xây dựng các đề án. Bộ cần phải có trách nhiệm nghĩ đến và chia sẻ với tình hình chung của ngân sách đất nước hiện nay.

Cách đây chừng 30 năm, khi chúng tôi làm ở Bộ GD-ĐT, đất nước còn nghèo, các công chức của bộ cũng bắt tay xây dựng các văn bản luật rất nền tảng, nhưng không hề được bồi dưỡng thêm gì vì đó là công việc, là trách nhiệm được giao.

Vì vậy, tôi vẫn rất ngạc nhiên khi trong danh mục chi của đề án có hàng trăm triệu đồng dành để ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng đề án'', GS nói.

Cần đưa kiểm toán giáo dục vào cuộc

Những khoản chi lạ trong đề án đổi mới thi THPT quốc gia 750 tỉ - Ảnh 2.

GS Vũ Văn Hóa - Ảnh: hubt.edu.vn

Bày tỏ hoan nghênh nhà nước đầu tư cho việc đổi mới thi, tuyển sinh, GS Vũ Văn Hóa - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội cho rằng việc chuẩn bị chi phí cho xây dựng đề thi, chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất cho kỳ thi là rất cần thiết, nhưng phải chi hợp lý.

Nhìn vào các các đầu mục dự toán kinh phí thì thấy nhiều công việc có thể cắt ra khỏi đề án để tiết kiệm cho ngân sách.

Điểm cần lưu ý là những người làm công việc phục vụ cho việc tổ chức kỳ thi đều là những công chức, viên chức làm trong ngành giáo dục. Công việc này không phải là việc kinh doanh, mua bán sản phẩm.

Trong bảng kê kinh phí có khoản mục chi để xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng đề án, năm thì chi hơn 500 triệu, năm lại chi 50-60 triệu. Rồi trong số sản phẩm của đề án được liệt kê có cả quy chế tuyển sinh, quy chế thi THPT quốc gia…

Phải phân biệt đây không phải đề tài cấp bộ hay cấp nhà nước để tính tiền đề tài. Việc soạn thảo các văn bản này để trình cấp trên phê duyệt là công việc của các công chức bộ theo chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng bộ phận của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục.

Đây là phần việc công vụ thường xuyên, nhưng nếu vì nó mà công chức của bộ phải làm thêm thứ 7, chủ nhật, thì có thể được hưởng thêm khoản phụ cấp nhỏ, phù hợp với điều kiện ngân sách nhà nước còn rất hạn hẹp.

Việc thống kê kinh phí cho 40 đoàn kiểm tra thi trong một kỳ thi với 40 đoàn, mỗi đoàn 5 người/3 ngày với mức chi hơn 1,5 tỉ đồng cũng cần phải xem lại.

Đoàn thanh tra của bộ đi xuống các nơi thực ra là công vụ. Họ đã có lương do nhà nước trả, nếu có chăng chỉ là bồi dưỡng tiền đi đường gọi là công tác phí.

Không làm ở công sở, đi cơ sở kiểm tra thi thì đó là vẫn là công việc thường xuyên của những người làm công tác quản lý giáo dục, làm sao lại tính tiền?

Nhìn lại sẽ thấy không chỉ có đề án bị thu hồi lần này mới khiến dư luận băn khoăn về số tiền đầu tư cho sự nghiệp giáo dục và hiệu quả của nó.

Ví dụ như Đề án ngoại ngữ 2020 có mức kinh phí gần 10.000 tỉ đồng, trải qua hơn nửa chặng đường, nhưng kết quả ra sao, học sinh được lợi gì từ đề án? Nếu nói là số 0 thì không đúng, nhưng đúng là kết quả đạt được rất thấp, "không đáng đồng tiền, bát gạo" đã bỏ ra.

Như vậy, với đề án 750 tỉ đồng nói riêng, các đề án giáo dục khác, cần đưa kiểm toán - không phải kiểm toán kinh doanh mà là kiểm toán giáo dục, vào cuộc, để loại trừ những khoản chi chưa hợp lý.

Nghĩa là mọi chi phí từ các đề án tiêu tiền ngân sách nhà nước thì trước khi chi ra phải được kiểm toán chặt chẽ.

Ngân sách hạn hẹp, cần "liệu cơm, gắp mắm"

le quang binh

Ông Lê Quang Bính

Theo ông Lê Quang Bính - nguyên phó vụ trưởng Vụ Chế độ và kiểm soát chất lượng kiểm toán - Kiểm toán Nhà nước, việc kiểm toán các đề án chi tiền ngân sách rất quan trọng nhưng đó không phải là "lá bùa" để ngăn chặn mọi chi phí không hợp lý.

Nếu người ta cố lợi dụng một đề án để lấy tiền ngân sách, vẽ ra đủ thứ chi phí, thì kiểm toán cũng rất khó kiểm soát hết. Vì vậy, vấn đề cốt lõi phải là xây dựng cho đủ chuỗi giá trị cần có cho một đề án.

Trước hết, các đề án phải có quy hoạch, mục tiêu rõ ràng. Ví dụ đề án đổi mới thi thì cũng phải xác lập rõ Việt Nam sẽ đi theo mô hình thi cử tiên tiến cụ thể ra sao. Ngoài ra, điều quan trọng là làm gì thì làm cũng phải đánh giá đúng năng lực những người thực hiện đề án. Đây là yếu tố quyết định mức độ khả thi của đề án.

Trong điều kiện đất nước hiện nay, việc xây dựng đề án - ngoài những yếu tố kể trên, còn phải tính toán đến khả năng của ngân sách. Ai cũng hiểu ngân sách nhà nước hiện rất hạn hẹp, nên phải "liệu cơm, gắp mắm" cho phù hợp.

Thu hồi đề án đổi mới thi THPT quốc gia 750 tỉ Thu hồi đề án đổi mới thi THPT quốc gia 750 tỉ

TTO - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nhanh chóng chỉ đạo thu hồi đề án 'Đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020' ngay sau khi báo chí thông tin về đề án này.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên