Thí sinh nghe phổ biến quy chế thi THPT quốc gia năm 2017 - Ảnh: TRẦN HUỲNH
"Nếu bộ đã thu hồi đề án để chỉnh sửa thì cũng nên cân nhắc việc tiếp nối khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Như vậy, đề án mới có tầm và hiệu quả hơn"
Cựu lãnh đạo một sở GD-ĐT
Ngày 22-5, Tuổi Trẻ đăng bài phản ánh Bộ GD-ĐT phê duyệt đề án chi 750 tỉ đồng để đổi mới thi, tuyển sinh giai đoạn 2018-2020. Ngay sau đó, trong buổi sáng cùng ngày, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo khẩn việc thu hồi đề án này.
Đề án mang tên đổi mới thi, tuyển sinh, nhưng thực tế trong phần nội dung lại khẳng định thi cử trong giai đoạn thực hiện đề án về cơ bản sẽ... không có thay đổi gì.
Không thể chỉ loay hoay ở kỳ thi THPT quốc gia
"Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả GD-ĐT, bảo đảm trung thực, khách quan..., phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học, đánh giá của người dạy với tự đánh giá của người học, đánh giá của nhà trường với đánh giá của gia đình và xã hội..." là nội dung được trích dẫn từ nghị quyết 29.
Theo các chuyên gia, một đề án đủ tầm theo tinh thần nghị quyết 29 không thể thiếu được phần đổi mới kiểm tra, đánh giá, thi cử ở các cấp trong toàn hệ thống giáo dục, trong quá trình dạy và học.
"Điều này mới là quan trọng nhất, chứ không phải chỉ loay hoay ở kỳ thi THPT quốc gia" - một chuyên gia nhận định.
TS Nguyễn Tùng Lâm, chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cho rằng: "Theo đề án vừa thu hồi thì nội dung thi THPT quốc gia không có gì mới lại không có tính bền vững, trong khi những thay đổi tác động mạnh vào quá trình dạy học, chất lượng dạy học thì không thấy".
Nhận xét trực tiếp vào đề án, ông Nguyễn Tùng Lâm bày tỏ băn khoăn khi dồn nhiều tiền vào việc xây dựng một ngân hàng đề thi nhưng chỉ sau ba năm nữa, khi chương trình giáo dục phổ thông thay đổi thì ngân hàng đề thi này sẽ được sử dụng thế nào là một câu hỏi lớn.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, các nước khác làm rất chặt chẽ, minh bạch vấn đề kiểm tra đánh giá trong quá trình, "chứ không chạy theo thành tích tiêu cực như ở ta". Vì thế khi tuyển sinh, các cơ sở giáo dục ĐH chỉ cần xem người học có kết quả học tập các môn ở bậc phổ thông và xét tuyển.
Như thế việc thi cử sẽ không căng thẳng, áp lực như ở Việt Nam. Đổi mới nhưng với cách như thế này vẫn không thể giải quyết được căn bản.
Ở các khâu khác của đề án cũng phải tính toán, trên cơ sở có sự chuyển tiếp sau khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới và những tác động ngược lại việc dạy học ở phổ thông.
"Hãy để địa phương lo"
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Lê Viết Khuyến, nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), cho rằng trong những năm gần đây, chủ trương chung cũng như trong nhiều văn bản phát ra, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam đã thống nhất quan điểm Bộ GD-ĐT ở vai trò cơ quan quản lý nhà nước chỉ nên chịu trách nhiệm về đề thi quốc gia, chỉ đạo chung về tổ chức, còn việc triển khai thực hiện kỳ thi phải phân cấp cho địa phương, cho các trường ĐH.
Như vậy, ngân sách rót qua đề án của bộ chỉ nên tập trung vào khâu ra đề. Vì vậy, việc tích hợp tên gọi một đề án do Bộ GD-ĐT chủ trì, sử dụng ngân sách nhà nước là "đề án đổi mới thi và tuyển sinh" là không phù hợp.
"Điều đáng nói mấy năm trở lại đây, bộ đã nói kỳ thi THPT quốc gia là kỳ thi đánh giá năng lực dựa trên các câu hỏi chuẩn hóa. Nhưng nếu căn cứ trên phổ điểm năm 2017 thì thấy bên cạnh một số môn có phổ điểm đẹp theo hình chuông đối xứng thì cũng còn những môn thi phổ điểm méo mó, thể hiện kết quả của đề thi chưa thực sự chuẩn hóa, bộ cần rút kinh nghiệm" - ông Khuyến nói thêm.
Một cựu giám đốc sở GD-ĐT khu vực miền Trung khi trao đổi về đề án này cho rằng: Nếu kỳ thi đã giao về địa phương thì hãy để địa phương lo. Còn như trong đề án thì Bộ GD-ĐT vẫn đang "ôm" quá nhiều việc và vô hình trung làm kỳ thi tái diễn cảnh căng thẳng, áp lực cho toàn xã hội.
Theo đó, có ba yêu cầu đặt ra trong việc đổi mới thi cử theo tinh thần của nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là tổ chức thi gọn nhẹ hơn, đảm bảo tính trung thực khách quan và nội dung, hình thức thi phải chuyển từ kiểm tra ghi nhớ kiến thức sang đánh giá năng lực học sinh. Từ đó sẽ tác động tích cực trở lại phương pháp dạy học.
Để thực hiện điều này cần có một lộ trình rất cụ thể và phải chú ý tới việc chuyển tiếp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới để tránh đổi mới mang tính giật cục, tùy tiện, kém hiệu quả. Những yêu cầu này chưa thấy rõ trong đề án đổi mới thi mà Bộ GD-ĐT đã phê duyệt.
Có vấn đề về tài chính
Lý do để thu hồi đề án 750 tỉ đồng được chính Bộ GD-ĐT thừa nhận là vấn đề tài chính. Theo đó, sau khi kiểm tra, Bộ GD-ĐT nhận thấy "nội dung về tài chính được tính toán tích hợp từ nhiều nguồn liên quan, có sự trùng lắp, một số nội dung thiếu khả thi".
Đặc biệt, một số khoản mục là chi phí gián tiếp chứ không trực tiếp cho hoạt động tổ chức thi. Do vậy, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo thu hồi đề án để tiếp tục hoàn thiện, chỉ đạo bộ phận soạn thảo nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc xây dựng các đề án, dự án, đặc biệt là khi tính toán các nội dung về tài chính.
Bộ GD-ĐT xác nhận con số gần 750 tỉ đồng là khái toán cho 3 năm từ 2018-2020. Tuy nhiên, "bộ phận soạn thảo đã đưa vào khái toán nhiều khoản kinh phí không trực tiếp cho hoạt động tổ chức thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ. Ví dụ: kinh phí từ Đề án ngoại ngữ quốc gia, Dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP), Chương trình phát triển các trường sư phạm (ETEP)...".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận