Một tiết học gây hứng thú cho học sinh theo chương trình mới tại Trường tiểu học Tả Thanh Oai (Thanh Trì, Hà Nội) - Ảnh: VĨNH HÀ
“Với chương trình được thiết kế mở, sẽ có nhiều tình huống bất ngờ của học sinh mà người thầy phải lường trước, phải chuẩn bị kỹ để không bị rơi vào bối rối, bế tắc. Nếu người thầy linh hoạt và ứng biến tốt thì tiết học sẽ thú vị, tạo được hứng khởi cho người học
Thầy Nguyễn Hữu Quyết
Tự chủ là điều kiện cần
Thầy Nguyễn Mạnh Cường, phó hiệu trưởng Trường THPT số 1 huyện Văn Bàn (Lào Cai), tự tin cho rằng giáo viên của trường mình có thể đáp ứng được yêu cầu mới.
Với 160 tiết dạy thực nghiệm ở nhiều môn học như ngữ văn, toán, giáo dục kinh tế và pháp luật, lịch sử, địa lý..., thầy Cường cho rằng chương trình mới "không khó với giáo viên".
"Thay đổi phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh trong quá trình dạy học là điểm mấu chốt khi thực hiện chương trình. Vì thế những cơ sở đã áp dụng các mô hình, phương pháp dạy học tích cực thì đáp ứng tốt hơn những cơ sở chỉ dạy theo phương pháp truyền thống" - thầy Cường chia sẻ.
Tại Hà Nội, không nằm trong số trường dạy thực nghiệm nhưng Trường THPT Phan Huy Chú, THCS - THPT Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Siêu cũng đã thực hiện tự chủ kế hoạch dạy học từ nhiều năm.
Cô Ngô Thị Thành, phó hiệu trưởng Trường Phan Huy Chú, cho biết: "Với trường tôi, việc đáp ứng các yêu cầu đổi mới chương trình sẽ thuận lợi hơn. Đặc biệt trong việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, hoạt động trải nghiệm sáng tạo".
Tuy vậy, cô Thành cũng cho biết với các trường quản trị và dạy học theo truyền thống, để chuyển động sẽ cần nhiều thời gian hơn để làm quen, tập huấn. Đặc biệt là những môn học có nội dung mới, những môn học cần tăng cường dạy thực hành, vận dụng kiến thức giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống...
Cô Nguyễn Thị Thu Anh - Trường Nguyễn Tất Thành - cho rằng cần có những chuyển động mạnh mẽ hơn trong vai trò quản lý của mỗi nhà trường để thực hiện chủ động kế hoạch dạy học, chủ động trong tổ chức đổi mới phương pháp dạy học và tạo dựng cơ chế khuyến khích giáo viên tự học, tự thay đổi.
Nhưng cô Thu Anh cũng cho rằng nếu chỉ đổi mới nội dung chương trình dạy học mà không đổi mới kiểm tra, đánh giá đối với học sinh, điều chỉnh những quy định đã lạc hậu ràng buộc đối với nhà giáo thì cuộc đổi mới sẽ gặp khó khăn.
Một tiết học phát huy tính tích cực của học sinh Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) - Ảnh: HUY TRẦN
Cần thời gian
Nhận xét về chương trình và khả năng thích ứng của giáo viên, thầy Nguyễn Hữu Quyết - hiệu trưởng Trường THCS Minh Hà, huyện Thạch Thất (Hà Nội) - cho biết: "Ưu điểm của các chương trình bộ môn vừa thực nghiệm là đều xây dựng theo hướng mở, mở nhiều là ở các môn xã hội.
Tuy nhiên, ưu điểm cũng sẽ là thách thức nếu giáo viên không có sự đầu tư, chuẩn bị cho bài dạy và vẫn áp dụng cách dạy học theo lối mòn trước đây".
Theo thầy Quyết, để chương trình triển khai đại trà có hiệu quả, việc tập huấn giáo viên phải kỹ lưỡng, vấn đề quản lý chuyên môn cũng cần điều chỉnh để bám sát giáo viên.
Hoạt động trải nghiệm là một trong những nội dung mới của chương trình còn khiến nhiều giáo viên, nhà trường hiểu sai, hiểu máy móc.
Trao đổi về việc này, cô Bùi Ngọc Diệp - chuyên gia của Viện Nghiên cứu giáo dục VN, thành viên ban soạn thảo hoạt động trải nghiệm của chương trình giáo dục phổ thông mới - nêu ví dụ: khi triển khai thực nghiệm hoạt động trải nghiệm về nghề truyền thống địa phương, có những trường cho biết địa phương họ - cụ thể là xã, phường nơi trường hoạt động không có nghề truyền thống.
"Đó là do cách hiểu cứng nhắc vì "nghề địa phương" không nhất thiết phải là một nghề tồn tại ở xã, phường cụ thể trên địa bàn của trường mà có thể là nghề truyền thống trong quận, huyện, tỉnh. Tương tự, hầu hết các nội dung hoạt động trải nghiệm chương trình xây dựng đều mang tính mở, linh hoạt để các nhà trường gắn với điều kiện thực tế" - cô Diệp phân tích.
Cùng với hoạt động trải nghiệm, các môn học mới cần cách tiếp cận dạy học tích hợp như lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên ở bậc THCS cũng là nội dung mà nhiều thầy cô ở các trường đã triển khai thực nghiệm chú ý.
"Không khó thực hiện nhưng cần phải có sự đầu tư thời gian công sức và sự hợp tác của giáo viên các bộ môn khác nhau trong những chủ đề cần vận dụng kiến thức liên môn. Về điều này, vai trò của lãnh đạo các nhà trường rất quan trọng trong bố trí, chỉ đạo và giám sát các tổ bộ môn thực hiện" - thầy Quyết cho biết.
Và mặc dù được ban soạn thảo chương trình đánh giá là "đa số giáo viên ủng hộ", nhưng nhiều giáo viên, trong đó có cả người đã dạy thực nghiệm và chưa tham gia dạy thực nghiệm, đều cho rằng họ cần có thời gian đủ để tập huấn, thành thạo trước khi triển khai chính thức chương trình mới.
Một số môn còn quá tải
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết - tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đợt thực nghiệm cũng có những ý kiến đóng góp cho rằng lượng kiến thức còn nhiều, gây quá tải ở một số môn học. Điều này cũng phù hợp với trao đổi của một số thầy cô trực tiếp dạy học thực nghiệm.
"Chúng tôi đã trao đổi khá thẳng thắn sau các tiết thực nghiệm với các tác giả xây dựng chương trình" - một giáo viên tại Hà Nội cho biết.
Ông Thuyết khẳng định những góp ý xác đáng sẽ được tiếp thu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận