23/09/2023 10:54 GMT+7

Những hiến kế từ Mỹ vì một Việt Nam giàu mạnh

Với việc Mỹ và Việt Nam đạt cấp Đối tác chiến lược toàn diện, cơ hội không chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh tế mà còn mở ra nhiều lĩnh vực khác như văn hóa và giáo dục.

Thủ tướng chụp ảnh cùng các giáo sư, chuyên gia Mỹ tham gia tọa đàm ngày 21-9 - Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng chụp ảnh cùng các giáo sư, chuyên gia Mỹ tham gia tọa đàm ngày 21-9 - Ảnh: NHẬT BẮC

Việt Nam và Mỹ có thể làm được cụ thể những gì về phương diện kinh tế sau khi nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện là một trong những câu hỏi lớn được nêu ra tại một tọa đàm chính sách diễn ra trên đất Mỹ, với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Dù lịch trình bận rộn với nhiều hoạt động, Thủ tướng Phạm Minh Chính vẫn dành thời gian để ngồi lại hơn một tiếng rưỡi với các giáo sư, chuyên gia Mỹ và người Mỹ gốc Việt vào ngày 21-9 (giờ Mỹ).

Họ là những người am hiểu về kinh tế - xã hội Việt Nam và Mỹ cũng như lịch sử đầy phức tạp của quan hệ hai nước.

Chúng tôi coi trọng trao đổi, học hỏi để nâng tầm tư duy.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nói với các chuyên gia tại tọa đàm ngày 21-9 ở New York.

Cơ hội tái cấu trúc

Ông Nguyễn Xuân Thành (giảng viên cao cấp Đại học Fulbright Việt Nam, cán bộ nghiên cứu Rajawali, Trường Harvard Kennedy) là người điều phối cuộc tọa đàm được tổ chức ở khách sạn Lotte, thành phố New York.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Thành nhận định việc nâng cấp quan hệ sẽ tạo cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc sâu rộng nền kinh tế, tạo động lực mới để thúc đẩy kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo và thu hút đầu tư không chỉ từ nước ngoài mà còn trong nước cho các ngành mới nổi.

Việt Nam hiện nay có nhiều lợi thế để theo đuổi các ngành đổi mới sáng tạo. Đó không hẳn là những lợi thế tự nhiên có sẵn hay lợi thế truyền thống là các ưu đãi thuế, đất đai mà ngày càng nhiều thứ là do chính Việt Nam tạo ra.

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, các hiệp định thương mại tự do đa dạng đang có hiệu lực và quan hệ thân thiện với nhiều nước đã đưa Việt Nam trở thành một trong những lựa chọn trong chiến lược "friendshoring" - thiết lập chuỗi cung ứng ở các quốc gia bằng hữu của Mỹ.

Theo ông Thành, nếu chỉ dựa trên các lợi thế truyền thống (ưu đãi thuế, đất đai), Việt Nam vẫn có thể ghi tên trên bản đồ chuỗi cung ứng thế giới về bán dẫn, nhưng giá trị gia tăng lại rất thấp. "Đó là điều chúng ta cần phải thấy để tìm cách hạn chế", ông nêu.

Với việc Mỹ và Việt Nam đạt cấp Đối tác chiến lược toàn diện, cơ hội không chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh tế mà còn mở ra nhiều lĩnh vực khác như văn hóa và giáo dục.

"Mối quan hệ mới sẽ giúp Việt Nam tận dụng được nguồn lực cả trong và ngoài nước, nâng cấp hệ thống giáo dục, nhất là trong các ngành công nghệ cao, để có đủ nguồn lực con người thu hút các ngành kinh tế mới nổi và có giá trị gia tăng cao", ông Thành nêu.

Việt Nam không cần sản xuất những thứ như tivi, máy rửa bát mà cần hợp tác với Mỹ để sản xuất chip bán dẫn.

Tỉ phú gốc Việt Chính Chu gợi ý và khuyên Việt Nam lựa chọn đầu tư loại chip tiên tiến để tăng giá trị, mở rộng hợp tác với các nước EU như Anh, Đức, Pháp.

Nâng cấp "cầu thủ"

Chia sẻ với Tuổi Trẻ sau tọa đàm ngày 21-9, giáo sư David Dapice (Trường Harvard Kennedy), người đã quan sát và nghiên cứu Việt Nam từ những năm 1980, nhận định Việt Nam là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất trên thế giới, trở thành một nước xuất khẩu lớn.

"Tất nhiên, trong tương lai, bạn biết đấy, Việt Nam phải thay đổi, giống như thay đổi thứ hạng trong các giải bóng đá vậy. Bạn bắt đầu ở cấp làng xã nhưng khi bạn lên cấp độ quốc gia hoặc quốc tế, bạn cần những cầu thủ giỏi hơn", vị giáo sư Mỹ nêu ví von.

Theo ông David Dapice, chiến lược của Thủ tướng là "nâng cấp cơ bản các cầu thủ" cho sân chơi lớn hơn, cải thiện việc đào tạo kỹ sư nói riêng cũng như các kỹ năng khác. Khi đó, Việt Nam có thể tăng thêm giá trị cho hàng xuất khẩu nhờ vào hàng hóa có chất lượng tốt hơn.

Nhưng điều đó cũng có những cái giá phải trả và Việt Nam cần phải chấp nhận nếu muốn tiến lên chuỗi giá trị.

"Chắc chắn Việt Nam sẽ mất đi một số mặt hàng giá trị gia tăng thấp vào tay các nước như Bangladesh. Phần lớn điều này sẽ được thúc đẩy bởi vấn đề tiền lương", ông David Dapice lý giải.

Thu nhập của người lao động Việt Nam trong mấy năm qua đã tăng lên, điều đó là tốt nên hệ quả là những mặt hàng giá trị gia tăng thấp sẽ tự nhiên đến một nơi khác.

"Nếu Việt Nam muốn làm những gì tốt nhất cho doanh nghiệp và người lao động của mình, đó là thay đổi cần phải chấp nhận", vị giáo sư Mỹ nêu quan điểm.

Vậy làm thế nào để việc "nâng cấp cầu thủ" diễn ra nhanh hơn và tận dụng "friendshoring"? Câu trả lời, theo giáo sư David Dapice, là "đừng giới hạn tầm nhìn ở một nước".

Theo ông, Việt Nam có thể nhìn ra khắp thế giới, rất nhiều loại hình đào tạo ngắn hạn cho lao động được thực hiện ở các công ty hơn là ở các trường đại học. Việt Nam nên nói chuyện thêm với các công ty trong ngành công nghệ, đặt vấn đề với họ về cách đào tạo nhân lực.

Tập hợp trí tuệ

Tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công du Mỹ lần này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ với Tuổi Trẻ rằng ông vừa họp mặt với hơn 100 chuyên gia thuộc Mạng lưới đổi mới sáng tạo bờ Tây.

Họ là những người đang giữ vai trò nhà nghiên cứu sáng tạo công nghệ, giáo sư các đại học và quản lý cấp cao của các tập đoàn công nghệ ở Thung lũng Silicon.

Tại cuộc gặp ở bờ Tây, ông Dũng chia sẻ việc quan hệ Việt - Mỹ nâng cấp sẽ đem đến cơ hội cho các chuyên gia người Việt ở Mỹ, nhất là một số lĩnh vực công nghệ tiên phong như trí tuệ nhân tạo (AI), Big data và bán dẫn.

Với năng lực và cái tâm sáng, những người ấy hoàn toàn có thể góp sức mình cho sự vươn mình của đất nước, đặc biệt trong công nghệ.

Theo ông Dũng, khi đất nước chọn đổi mới sáng tạo làm động lực và làm chìa khóa để phát triển, cần tập hợp sức mạnh không chỉ với người Việt Nam ở nước ngoài mà có thể mở rộng các trí thức người nước ngoài yêu Việt Nam, cùng giúp Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược.

Và trên thực tế, nhiều chuyên gia và trí thức nước ngoài, đặc biệt ở Mỹ, đã dành một tình cảm cho Việt Nam một cách vô điều kiện.

Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam là một sáng kiến ra đời từ năm 2018, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều hành nhằm tập hợp, thu hút các nhân tài Việt đóng góp cho quê hương.

Dự kiến tại New York, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng sẽ gặp các thành viên của mạng lưới ở bờ Đông trước khi cùng Thủ tướng tham gia đối thoại.

Phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc

Rạng sáng nay 23-9 (giờ Việt Nam, chiều 22-9 theo giờ New York), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Đây là hoạt động nổi bật nhất trong các sự kiên liên quan Liên Hiệp Quốc mà Thủ tướng tham gia lần này.

Trước đó vào sáng 22-9 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến rung chuông sàn giao dịch chứng khoán NASDAQ.

Hồi chuông vang lên, đánh dấu người đứng đầu Chính phủ Việt Nam rung chuông cả hai sàn chứng khoán lớn nhất của Mỹ và thế giới trong hai ngày liên tiếp (thăm sàn NYSE ngày 21-9).

Ông cũng tiếp thị trường thành phố New York và chứng kiến lễ ký bản ghi nhớ thiết lập quan hệ kết nghĩa giữa TP.HCM với thành phố New York cùng một số hoạt động khác.

Rời New York vào cuối ngày 22-9 (giờ địa phương) và khép lại bảy ngày ở Mỹ, Thủ tướng lên đường sang Sao Paulo của Brazil để bắt đầu chuyến thăm chính thức ba ngày kể từ 23-9.

Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Việt Nam: Kỳ vọng tăng hợp tác kinh tếTổng thống Mỹ Joe Biden thăm Việt Nam: Kỳ vọng tăng hợp tác kinh tế

Ngày 29-8, Bộ Ngoại giao Việt Nam chính thức thông báo kế hoạch Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thăm Việt Nam trong tháng 9 tới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên