17/10/2017 09:31 GMT+7

Những đứa trẻ không được cấp dưỡng khi cha bị đâm chết

TUYẾT MAI
TUYẾT MAI

TTO - Chị dẫn hai đứa con nhỏ tới tòa để dự phiên xử bị cáo giết ông chồng hờ của chị. Nhưng chúng không được vào tòa do chưa đủ 16 tuổi.

Những đứa trẻ không được cấp dưỡng khi cha bị đâm chết - Ảnh 1.

Chúng cũng không được hưởng bất kỳ khoản tiền nào từ việc tính mạng cha chúng bị tước đoạt. Đau lòng hơn cả là việc chính những người thân trong gia đình bị hại không thừa nhận hai đứa trẻ là con của cha chúng.

Ruột rà không nhận nhau

"Hai đứa trẻ có phải là cháu của ông không?" - chủ tọa phiên tòa hỏi đại diện gia đình bị hại. Ông này là cha của người chết. "Không", đại diện gia đình bị hại nói cụt lủn. "Như vậy ông không nhận cháu nội?" - chủ tọa hỏi lại. "Không nhận", một câu trả lời quả quyết.

Hai tiếng "không nhận" của cha "chồng" như lưỡi dao sắc lẹm cắt vào lòng chị, cặp mắt chị mở to sửng sốt. Gần 15 năm một lòng một dạ chung sống với cha sắp nhỏ vẫn không làm phía gia đình nhà "chồng" đón nhận chị.

Chua xót, ngạc nhiên lẫn giận dữ khiến giọng chị run run: "Mười mấy năm nay tôi sống chung với anh ấy, tuy không có hôn thú nhưng ai cũng biết hai đứa nhỏ giống bên nội như khuôn đúc, mà sao...". Câu nói nghẹn ứ ở cổ, chị ngồi thụp xuống.

Chị vào tòa một mình. Cách đó không xa là gia đình chồng. Họ đều là những người thân của cha hai đứa nhỏ. Cái chết của cha chúng không chỉ để lại nỗi đau, mà còn khắc sâu thêm những mâu thuẫn, hiểu lầm giữa chị và gia đình của người chồng không hôn thú.

Năm 2010, chị và "chồng" mượn của người ta 29 triệu đồng nhưng mãi vẫn chưa trả nổi. Trưa 4-9-2016, chủ nợ cho con rể đến nhà trọ của hai người tại huyện Bình Chánh

(TP.HCM) để đòi nợ. Không có tiền, hai bên xảy ra cãi vã. Kết cục là "chồng" chị bị đâm chết.

Tòa tuyên phạt bị cáo 14 năm tù về tội giết người, buộc phải bồi thường cho gia đình bị hại hơn 72 triệu đồng.

Chủ tọa phiên tòa giải thích: chị và nạn nhân không đăng ký kết hôn, pháp luật không thừa nhận là vợ chồng, nên chị cũng như con chị không được hưởng số tiền mà bị cáo bồi thường và trợ cấp. 

Nhưng pháp luật dành cho chị quyền được nhận cha cho con, muốn vậy thì phải khởi kiện một vụ án dân sự khác.

Phiên tòa kết thúc, chị lủi thủi lê bước nặng nề ra về. "Tôi chẳng buồn lo gì cho bản thân mình, chỉ thương hai đứa nhỏ không còn cha, phải chịu cảnh bữa rau bữa cháo theo tiền lương phụ hồ ít ỏi của mẹ, tương lai chúng chẳng biết có sáng sủa gì hơn tôi" - chị thở dài thườn thượt.

Một nách 4 con

Sau phiên tòa, tôi đến nhà chị. Cua mấy bận mới đến căn phòng lụp xụp lợp tôn, rộng tầm 20m2 được chị thuê làm nơi trú ngụ.

Hai đời "chồng" không đăng ký kết hôn, 4 đứa con là tất cả vốn liếng của chị gần 20 năm nay. Hai đứa với "chồng" cũ, đứa lớn 17 tuổi, đứa nhỏ 12 tuổi. Hai đứa với "chồng" mới thì cô chị gái mới 8 tuổi, còn bé trai tròn 6 tuổi. Tất cả chúng đều không được đi học bởi gia đình nghèo túng.

Khi "chồng" còn sống, đồng tiền công ít ỏi của 2 người chỉ đủ lo cho cả nhà 6 miệng ăn. Bây giờ gánh nặng trút lên một mình chị. Chị ngậm ngùi: "Tụi nó lếch thếch theo mẹ miết, học trễ nên tui cho nghỉ ở nhà luôn, đứa lớn trông đứa bé".

Chỗ chị làm phụ hồ cách nhà gần 20 cây số. Chị đi làm từ lúc 6h sáng đến gần 6h tối mới về.

13 năm trước, chị gửi đứa lớn ở nhà cho ngoại nuôi, mang theo đứa con gái nhỏ lên Củ Chi làm công nhân. Trong khoảng thời gian đó, chị gặp anh ấy. Rổ rá cạp lại, họ thành vợ chồng. 

Ngày quen nhau, chị làm mâm cơm nhận ba má anh, nhưng phía nhà anh không chấp nhận bởi "nghe người ta nói con nhỏ đó có hai đứa con còn đi sáng đêm".

Bốn đứa con đều mang họ chị. Chị buồn rầu nói: "Bây giờ thì tui thấy thiệt thòi rồi, pháp luật không công nhận tui với anh ấy là vợ chồng. Trước kia tui đâu nghĩ tờ giấy hôn thú lại quan trọng vậy. Thương nhau thì lấy đâu có suy nghĩ gì".

Ánh mắt chị nhìn xa xăm vào khoảng sân tối như bưng. Hai đứa trẻ con vẫn chơi đùa vui vẻ với miếng giẻ cũ rách bươm cùng vài ba miếng xốp…

Nhận cha cho con thế nào?

Theo luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM), trong trường hợp này người mẹ có quyền yêu cầu tòa án nhân dân cấp huyện, nơi người mẹ và con đang cư trú, để xác định cha cho con chưa thành niên.

Hồ sơ bao gồm: đơn khởi kiện yêu cầu xác định cha cho con; giấy khai sinh người con (bản sao); chứng minh nhân dân, hộ khẩu của người khởi kiện; chứng minh nhân dân của người cha; giấy chứng tử của cha; các giấy tờ, tài liệu, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh có mối quan hệ cha con.

Theo thông tư hướng dẫn thi hành Luật hộ tịch, chứng cứ để chứng minh quan hệ cha con là một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây: văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền xác nhận quan hệ cha con.

Trường hợp không có văn bản thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con và văn bản cam đoan của mẹ về việc trẻ là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha làm chứng.

TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên