30/11/2007 03:09 GMT+7

Rồi đây con trẻ bơ vơ

QUỐC KHÁNH
QUỐC KHÁNH

TT - Bị cáo đứng trước vành móng ngựa gầy gò, xác xơ, chỉ lắc và gật đầu, không nói nên lời, nước mắt không ngừng rơi trên đôi gò má đen sạm. Bị cáo và chồng đã phạm vào trọng tội "giết người, cướp tài sản".

rJ63MLEd.jpgPhóng to
Bé Trân và em trai Tấn Thành
TT - Bị cáo đứng trước vành móng ngựa gầy gò, xác xơ, chỉ lắc và gật đầu, không nói nên lời, nước mắt không ngừng rơi trên đôi gò má đen sạm. Bị cáo và chồng đã phạm vào trọng tội "giết người, cướp tài sản".
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Cuối tháng 9-2007, tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP.HCM đã xét xử phúc thẩm tại Cần Thơ vụ án "giết người và cướp tài sản" với hai bị cáo Tô Văn Lớn, 27 tuổi, và Lê Mộng Thu, 23 tuổi.

Trước đó, án sơ thẩm tuyên phạt mỗi bị cáo 20 năm tù, Lớn chấp nhận án, chỉ có Thu xin giảm án để đi làm nuôi con, trả nợ. Thu đến tòa như kẻ mất hồn, quần áo xác xơ.

Theo chồng đi ăn cướp

Những lời kể tại phiên tòa cho thấy cuộc đời của bị cáo là những chuỗi ngày dài cơ cực, khốn khó... Tuổi thơ thiếu áo đói cơm, trong khi các bạn cùng lứa đến trường thì Thu phải đi làm mướn, đến giờ vẫn không biết chữ. 16 tuổi, Thu lấy chồng là Tô Văn Lớn, không cưới hỏi. Bị chồng đánh đập nhẫn tâm, chịu không thấu đành chia tay. Rồi Thu cặp với người khác, sinh hai con, đứa 4 tuổi, đứa hơn 2 tuổi. Nghèo, không có khả năng nuôi con, vợ chồng gây gổ suốt nên Thu lại bỏ đi, trôi dạt từ nhà mẹ ruột đến nhà người quen, sống lây lất, ai mướn gì làm nấy. Trong thời gian trôi nổi, Thu gặp lại Lớn và chắp vá tình cũ.

Gửi con cho bà ngoại nuôi, vợ chồng Thu đi làm hồ, làm thuê tại một cơ sở sản xuất nước đá trong phường. Muốn có tiền, Lớn bàn đi cướp tài sản, Thu can nhưng bị chồng dọa đánh nên rồi cũng làm theo.

Hai vợ chồng thuê xe ôm của ông Tô Thành Long chở tới Ba Se, xã Tân Thới, huyện Phong Điền. Khi đến đoạn đường vắng, Lớn ra hiệu cho Thu cầm dao kề vào cổ của ông Long và kêu dừng xe. Khi ông Long vừa dừng thì bị Lớn cầm búa đập vào đầu làm ông Long ngã xuống đường. Thấy ông Long la lên, Thu hoảng sợ bỏ chạy, còn Lớn vẫn tiếp tục đánh nạn nhân. Người dân xung quanh hay chuyện, hợp sức bắt được Thu và Lớn, giao cho công an. Ông Long được đưa vào bệnh viện điều trị, kết quả giám định ông bị lõm sọ vùng thái dương trái, thương tật tổn hại sức khỏe là 21%.

Hội đồng xét xử (HĐXX) chất vấn: "Người bị hại cũng thuộc thành phần lao động nghèo, muốn có thu nhập chính đáng mà cố sức làm trong điều kiện vất vả và nguy hiểm nhưng lại bị xâm hại. Chỉ vì lợi ích vật chất không lớn mà các bị cáo đã liều lĩnh ra tay cướp đi sinh mạng của một con người. Vì sao khi phạm tội không suy nghĩ? Tại sao cũng cùng hoàn cảnh mà không thông cảm cho nhau? Đang tuổi lao động sao không làm việc chính đáng mà rắp tâm giết người, cướp tài sản?". Bị cáo im lặng, nước mắt lăn dài... Thu nói biết chồng làm sai nhưng không dám can vì nhiều lần không nghe lời bị chồng đánh đến gãy tay, lôi đi trấn nước, nằm liệt giường mấy ngày không ai hay.

Cuối cùng, HĐXX xét hoàn cảnh phạm tội của bị cáo Thu có phần phụ thuộc chồng nên đã tuyên giảm 1 năm tù so với án sơ thẩm, còn 19 năm tù. Vì con nhỏ nên Thu được tại ngoại để đi làm nuôi con tới 3 tuổi, sau đó sẽ chịu hình phạt.

Tương lai mù mịt

Phiên tòa kết thúc, mọi người ra về, riêng bị cáo Thu vẫn ngồi nán lại, bước đi không nổi. Trước tương lai mù mịt, người mẹ trẻ này chưa biết tính sao. Mẹ già yếu, tàn tật, chồng đang thụ án, hai đứa con bệnh tật liên miên...

Nhắc đến con, bị cáo Thu khóc ngất: "Ngày tôi sinh em bé không ai coi sóc, không tiền phải mượn thẻ bảo hiểm của người dì nên trên khai sinh tên mẹ không phải là tôi. Giờ hai đứa nhỏ bị suy dinh dưỡng, bệnh hoài nhưng cũng không có thời gian coi sóc. Tôi nghỉ ngày nào là cả nhà đói ngày đó, có xót con cũng ráng giữ trong lòng. Tôi chỉ mong bà ngoại sống lâu nuôi hai đứa nhỏ đến ngày tôi ra tù. Mà không biết tới khi đó tụi nó còn nhìn ra tôi nữa không?", Thu tức tưởi, úp mặt vào cái khăn cũ nát đậm mùi mồ hôi lam lũ, nước mắt như mưa. "Cuộc sống của tôi cầm bằng như chết, giờ chỉ vì con...", nói rồi Thu lảo đảo bước đi như người mất hồn.

Một tháng sau ngày tòa xử, tôi đến nhà Thu. Cả gia đình Thu ở nhờ nhà của bà cô ở phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều. Một căn nhà nhỏ xíu, ẩm mốc, thấp lè tè. Đã hơn 11 giờ trưa nhưng mẹ Thu chỉ mới bắc nồi cơm lên bếp, còn đồ ăn là nước mắm kho quẹt. Hai đứa con Thu mũi dãi lòng thòng, thấy khách lạ chui vô gầm giường trốn. Đứa lớn tên Ngọc Trân, mới 4 tuổi mà đã biết tắm rửa cho em, đút em ăn, giữ em cho ngoại làm công chuyện.

Bà ngoại kể mỗi buổi sáng Trân kêu em ngồi ở cửa đợi, rồi đi một vòng quanh xóm để kiếm đồ chơi, khi là cái lược gãy, lon sữa, khúc kẽm, hoặc mấy tờ báo có hình... Mấy tháng gần đây bé Thành rất hay bị sốt và động kinh, nhưng vì không tiền nên nằm nhà chịu trận. Bà con trong xóm giận thì giận nhưng thương vẫn thương nên cũng thường cho quần áo cũ, thức ăn.

Ngồi nói chuyện với tôi, bé Trân thỏ thẻ: "Con thích đi học lắm, để làm bác sĩ. Nhưng nếu không có mẹ và ngoại thì con cũng không làm bác sĩ đâu, chữa bệnh cho ai. Con cũng không chịu lớn, vì con lớn bà ngoại sẽ chết" rồi khóc, ngoại nó cũng khóc theo.

Buổi tối lại lần nữa mới gặp được Thu. Hốc hác, mắt lõm sâu, Thu đưa tôi coi vết mổ vừa lành miệng trên ngực phải, rấm rứt kể vừa mới mổ hồi tuần rồi. Bác sĩ bảo đem khối u đi xét nghiệm, nhưng đóng tới 65.000 đồng, nhiều quá nên thôi.

Mấy tháng nay Trân không biết cha mẹ bị bắt đi tù, vẫn đinh ninh cả năm nay cha đi làm ăn xa, mẹ cũng sắp sửa đi làm mới có tiền nuôi hai chị em. 19 năm, một chặng đường quá dài, không ai biết trước được điều gì. Ngoại già yếu, hai đứa nhỏ sẽ ra sao? Trên đường về, tôi cứ nhớ mãi hình ảnh hai đứa nhỏ bấu vào ngạch cửa vẫy tay chào, thương làm sao những đôi mắt tròn đen ngây thơ. Các em chỉ là nạn nhân và còn quá nhỏ để biết buồn.

QUỐC KHÁNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên