19/09/2019 10:11 GMT+7

Những dự án của Alibaba 'ma' như thế nào?

NHÓM PV CTXH
NHÓM PV CTXH

TTO - Nhiều dự án phân lô đất nông nghiệp được rao bán rầm rộ ở nhiều tỉnh miền Đông Nam Bộ, trong đó Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba chuyên phân phối dự án ma khiến chính quyền phải đau đầu.

Những dự án của Alibaba ma như thế nào? - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng khám xét trụ sở Alibaba tại quận Thủ Đức, TP.HCM chiều 18-9 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Cho đến trước khi các lãnh đạo của Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba (gọi tắt là Alibaba) bị bắt vào chiều 18-9, chính quyền nhiều địa phương khẳng định hầu hết các dự án đang rao bán là dự án "ma" nhưng việc xử lý hoạt động mua bán đất nền tại các dự án này như "bắt cóc bỏ đĩa".

Vẽ dự án "ma" tại Bình Thuận

Thời gian qua, nhiều đoàn khách được Alibaba đưa về các xã Thắng Hải, thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân (Bình Thuận) để tham quan, giới thiệu những khu đất được cho là sẽ mọc lên các dự án "Alibaba Newtimes City Thắng Hải" và "Alibaba Venice City", với những hình ảnh bắt mắt.

Trên mạng, công ty cũng rao bán các dự án này, với diện tích lên đến hàng chục hecta, chia thành hàng ngàn nền, có sổ hồng riêng...

Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định chưa nhận bất cứ văn bản nào liên quan đến chủ trương chấp thuận đầu tư, xây dựng dự án của công ty. Alibaba rao phân lô bán nền là không đúng thực tế.

Tại thực địa, PV Tuổi Trẻ quan sát vị trí những khu đất mà công ty trên rao dự án là đất trồng cây keo, vắng bóng người ở, chưa tác động gì đến việc san lấp mặt bằng... UBND huyện Hàm Tân cho biết những dự án mà công ty này giới thiệu chỉ là khu đất nông nghiệp, chưa có thủ tục nào về chuyển đổi mục đích, cũng như chưa có phê duyệt quy hoạch khác.

Khi các thông tin trên được rao trên mạng, nhiều cơ quan chức năng ở địa phương vào cuộc và cảnh báo đến người dân. Theo Công an tỉnh Bình Thuận, các khu đất mà công ty này "vẽ" dự án đều do ông Nguyễn Thái Lĩnh, giám đốc Alibaba, nhận chuyển nhượng lại của các hộ dân địa phương.

Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, ông Xà Dương Thắng, khẳng định việc rao bán như vậy là lừa đảo, đồng thời cho biết nếu có việc đổ đất, san nền thì sẽ xử lý theo quy định của Luật xây dựng.

"Qua kiểm tra, chúng tôi được biết hiện họ mới gom đất của dân rồi tự vẽ bản đồ trên giấy, phân lô bán nền ảo..." - ông Thắng nói.

Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận Hồ Lâm cũng khẳng định đến nay chưa có bất kỳ hồ sơ pháp lý nào liên quan đến công ty này về các dự án bất động sản, chuyển mục đích sử dụng đất, các lĩnh vực tài nguyên. Hiện địa phương đã treo biển cảnh báo cho người dân cảnh giác, không bị mắc lừa việc mua bán đất nền.

Những dự án của Alibaba ma như thế nào? - Ảnh 2.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện đã bị bắt ngày 18-9 - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Đất nghĩa địa... cũng tách thửa

Ngày 15-9-2017, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành quyết định số 23 quy định về tách thửa, trong đó có quy định về đất nông nghiệp tối thiểu để tách thửa là 500m2. Dựa trên quy định này, nhiều người dân đua nhau tách thửa, với gần 16.000 hồ sơ tách thửa tính đến tháng 7-2019.

Đặc biệt, quyết định này cũng "tạo điều kiện" cho việc phân lô đất nông nghiệp để phục vụ mục đích "thương mại". Điển hình là nhiều cá nhân đứng tên tách thửa đất ở thị xã Phú Mỹ và được Alibaba "phân phối" trong thời gian qua.

Theo kết quả xác minh của Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Alibaba có "phân phối" 8 "dự án" tại thị xã Phú Mỹ. Những khu đất này được tách thành hàng trăm thửa và đứng tên các cá nhân.

Nổi lên là "dự án Alibaba Tân Thành Center City 1" (xã Châu Pha) do ông Nguyễn Ngọc Sự (trú Hà Nội) và "dự án Alibaba Tân Thành Center City 5" (xã Tóc Tiên) do ông Nguyễn Thái Lực (trú Gia Lai) đứng tên. Cả hai "dự án" đều đã bị chính quyền cưỡng chế vì hành vi sử dụng đất sai mục đích trong tháng 6 và tháng 7-2019.

Theo quy hoạch sử dụng đất, trong 8 "dự án" do Alibaba phân phối, có dự án được quy hoạch dùng để làm đất nghĩa địa, đường cao tốc và khu công nghiệp, trồng cây lâu năm... Những "dự án" có một phần hay cả khu có quy hoạch sử dụng là đất ở nhưng các cá nhân chủ sử dụng đất đều chưa làm các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

"Tất cả những trường hợp tách thửa, phân lô đất nông nghiệp và làm hạ tầng trên đó, dù khu đất đó có quy hoạch sử dụng đất là "đất ở nông thôn" nhưng chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất đều là sai mục đích. Điều kiện bắt buộc là cá nhân, tổ chức phải chuyển mục đích sử dụng đất" - một cán bộ Phòng TN-MT thị xã Phú Mỹ khẳng định.

Những dự án của Alibaba ma như thế nào? - Ảnh 3.

Ngày 13-6, khi chính quyền xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cưỡng chế dự án trái phép do Alibaba phân phối thì hàng trăm người mặc áo có chữ “Alibaba” đã chống đối, ngăn cản đoàn cưỡng chế - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Áp đảo dự án "ma" tại Đồng Nai

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Đặng Minh Đức - giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai - cho biết Alibaba có đến 29 "dự án" trên địa bàn, dù địa phương chưa tiếp nhận, xử lý hồ sơ về chấp thuận chủ trương đầu tư, thẩm định nhu cầu sử dụng đất, giao đất cho công ty này để thực hiện dự án bất động sản nào.

"Toàn bộ các khu đất mà Alibaba rao bán đều là dự án "ma" bởi do các hộ gia đình, cá nhân đứng tên sử dụng, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đất nông nghiệp, trong đó chỉ có một số thửa có một phần nhỏ diện tích là đất ở" - ông Đức cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ riêng tại huyện Long Thành, có đến 27 "dự án" của Alibaba, tập trung nhiều nhất ở xã Long Phước với 19 "dự án". Những khu đất được Alibaba phân lô trên giấy, rao bán đến khách hàng đủ lời "đường mật" như nơi đầu tư hoàn hảo...

Tại "dự án Alibaba Long Phước 6" (diện tích 6,9ha) được rao bán trên mạng (cam kết ra sổ đỏ thổ cư từng nền), chúng tôi chỉ thấy là khu đất trống, chen vào đó là những cục bêtông, ống cống nằm lăn lóc cùng với con đường đổ đá dăm nham nhở. Chính quyền cho hay khu đất này do ông Nguyễn Thái Lĩnh - giám đốc đại diện theo pháp luật của Alibaba (góp vốn 10%) đứng tên - hiện trạng là đất trồng cây lâu năm.

Trước khi chuyển nhượng đất cho ông Lĩnh, một chủ đất dựa vào chính sách xin hiến đất làm đường để tách thửa. Khi chủ đất chưa thi công xong hạ tầng, chưa nghiệm thu thì chuyển nhượng đất cho ông Lĩnh. Sau khi nhận chuyển nhượng, khu đất này được rào lại và Alibaba rao bán trên mạng, đưa khách tới tham quan, mở bản đồ phân lô trên giấy để ký hợp đồng mua bán, nhận cọc...

Tương tự, tại xã Long Phước, Alibaba cũng rao bán nhiều dự án như Long Phước 5, 11, 7 với hàng trăm nền và cam kết "sổ đỏ thổ cư từng nền", hầu hết do ông Nguyễn Thái Lĩnh đứng tên, còn Alibaba cứ rao bán.

Trong khi đó, theo ông Dương Bình - cán bộ địa chính của xã Long Phước, không có dự án nào ở xã như Alibaba rao bán trên mạng, các vị trí đất rao bán là của cá nhân.

"Đây là những dự án tự vẽ ra trên giấy, không có cơ quan nào cấp phép" - ông Bình nói, đồng thời cho biết mỗi lần Alibaba tổ chức xe đưa người xuống các khu đất tham quan, chính quyền địa phương phải cắt cử người theo, phát loa cảnh báo để người dân biết các khu đất rao làm dự án là không đúng sự thật.

Ngoài ra, địa phương đã cắm biển cảnh báo các khu đất phân lô bán nền không đúng quy định để người dân cảnh giác và đang lên phương án cưỡng chế một điểm xây dựng không phép gắn biển địa ốc Alibaba.

Một cán bộ thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu):

Người mua chịu thiệt

Nếu sang nhượng với giá 3 triệu đồng/m2 đất nông nghiệp, khi bị Nhà nước thu hồi, đền bù chắc chắn chủ đất sẽ bị thiệt hại vì tiền bồi thường, đền bù thấp hơn nhiều.

Chính sách đền bù, giải tỏa hiện nay áp dụng phương pháp "khảo sát giá độc lập theo thị trường". Nhưng giá đất thị trường chắc chắn không bằng giá đất do Alibaba rao bán. Cụ thể, khu đất nông nghiệp thuộc "dự án" do Alibaba rao bán ở xã Tóc Tiên là đất nông nghiệp thuần, không có đường vào nên giá thị trường không đến 1 triệu đồng/m2.

Ông Võ Tấn Đức (chủ tịch UBND huyện Long Thành, Đồng Nai):

Nhiều khu đất không đủ điều kiện chuyển thành đất ở

20 khu đất trên địa bàn các xã An Phước, Long Phước, Phước Thái, Phước Bình, Bàu Cạn - Tân Hiệp, huyện Long Thành do Alibaba tự đặt tên, quảng cáo, đưa khách tham quan đều là đất thuộc quyền sử dụng của cá nhân.

Phần lớn đứng tên ông Nguyễn Thái Lĩnh với mục đích sử dụng là đất nông nghiệp, một vài khu đất có khoảng 300m2 đất ở nông thôn. Các vị trí trên chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương hay cho phép các tổ chức, cá nhân thành lập dự án khu dân cư.

Có 4 khu đất đã được tách thành các thửa đất nông nghiệp từ 500m2 trở lên, có 3 vị trí đất trên địa bàn xã Long Phước đã được UBND huyện chấp thuận phương án đấu nối hạ tầng, chủ đất đã làm đường giao thông nhưng chưa được nghiệm thu, chưa thu hồi diện tích đất làm đường nên chưa đủ điều kiện tách thửa, chuyển mục đích thành đất ở. Việc giải quyết cho phép tách thửa đất để thực hiện quyền của người sử dụng đất là cơ bản phù hợp với quy định.

Tuy nhiên, có nhiều trường hợp lợi dụng quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa để phân lô, bán nền. Theo đó, nhiều người sử dụng đất liên kết với nhau làm đường giao thông, điện, nước... để phân lô, bán nền, hình thành khu dân cư tự phát với hệ thống hạ tầng không đảm bảo yêu cầu của khu chung cư.

Một số trường hợp được duyệt tách thửa đất nông nghiệp với diện tích từ 500m2 trở lên. Các chủ sử dụng đất đã lén làm đường giao thông và tự phân nhỏ lô đất, bán cho nhiều người và được cấp giấy chứng nhận đồng sử dụng đất (nhiều người cùng sử dụng chung một lô đất nông nghiệp).

Có trường hợp UBND huyện chấp thuận cho người dân hiến đất làm đường giao thông nhưng chủ đất chỉ làm đường giao thông và chưa có thủ tục thu hồi phần đất làm đường dẫn đến các đối tượng lợi dụng tách thửa phân lô trái pháp luật...

Cảnh sát khám xét trụ sở Alibaba đến rạng sáng Cảnh sát khám xét trụ sở Alibaba đến rạng sáng

TTO - Đến rạng sáng 19-9, hàng chục cảnh sát cơ động và lực lượng chức năng mới hoàn tất công tác khám xét trụ sở công ty Alibaba trên đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức. Sau đó, ông Luyện và ông Lĩnh bị cảnh sát đưa lên xe biển xanh rời đi.

NHÓM PV CTXH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên