28/10/2019 08:26 GMT+7

'Những đôi tay yếu' tử tế với môi trường

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Một nhóm người khuyết tật có cách bảo vệ môi trường bằng hành động được gọi là việc làm của "những đôi tay yếu" Hòa Nhập Xanh. Họ đã viết lên một câu chuyện tử tế.

Những đôi tay yếu tử tế với môi trường - Ảnh 1.

Các bạn trẻ, trong đó có nhiều người khuyết tật, chung tay bảo vệ môi trường - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Các bãi biển Nguyễn Tất Thành, Mân Thái... vốn được biết đến là một trong những điểm còn lưu lại nét nguyên sơ ở TP Đà Nẵng với thuyền vào bờ mỗi sáng, người đi dạo mát, thể dục yên bình. Nhưng đây cũng chính là những điểm "rác tặc" hoành hành.

"Đánh rác" ở những điểm đen

Hơn 6h sáng chủ nhật, khi nhiều người đang say giấc thì vài chục thành viên nhóm Hòa Nhập Xanh đã có mặt tại bãi biển Nguyễn Tất Thành (đoạn qua quận Thanh Khê). Sau khi trang bị giày và găng tay bảo hộ, từng tốp nhỏ với những chiếc kẹp sắt tỏa ra nhặt rác ở hàng trăm mét bờ biển.

Không khó để nhận ra trong nhóm có nhiều thành viên là người khiếm khuyết tay, chân; người khó khăn nghe, nói... Đằng sau những đôi chân tập tễnh, đôi tay gầy tong teo cúi người nhặt từng cọng rác là những ánh nhìn thán phục từ người qua đường.

Ông Hồ Vĩnh Lai (66 tuổi) chia sẻ thật sự xúc động trước hình ảnh có những bạn đi xe 3 bánh, người nhỏ bé, đi lại khó khăn mà vẫn đi nhặt rác.

"Thực tình mình thấy có phần hổ thẹn, đôi khi chúng ta quên làm việc tích cực cho cộng đồng, cũng chính là cuộc sống chúng ta" - ông Lai nói.

Liêu xiêu từng bước chậm rãi trên đôi nạng gỗ, chị Đặng Thị Mỹ Trinh (37 tuổi) lê bao tải đi dọc vỉa hè, dùng kẹp sắt gắp từng chiếc ly, đĩa nhựa còn dính thức ăn nhanh mà một nhóm người vứt lại trên vỉa hè.

Chị Trinh bảo "còn đi được thì vẫn nhặt rác được". Trước đây, tuy khuyết tật bẩm sinh nhưng chị vẫn tự đạp xe đến điểm nhặt rác mỗi cuối tuần. Sau thời gian bị tai nạn gãy chân, thấy hồi phục một phần là chị nhờ thành viên trong nhóm đến chở đi. Chị Trinh mộc mạc chia sẻ: "Không đành bỏ hoạt động bởi mình nhặt được một bao rác nhưng có thể truyền thêm nhiều "túi" động lực cho các bạn trẻ và chạm vào được một phần ý thức của người dân".

Bạn trẻ mà chị Trinh nhắc đến là Nguyễn Thị Tin (23 tuổi) và nhóm của Tin từng nhặt rác ở âu thuyền Thọ Quang (Sơn Trà). Hay Lê Thị Phương Liên (30 tuổi) đăng ký tham gia nhóm từ những ngày đầu cùng nhiều người trẻ khác chung niềm yêu môi trường.

Theo Liên, những người khuyết tật có trách nhiệm với môi trường thì người bình thường càng phải có trách nhiệm cao hơn. Liên chia sẻ: "Tôi không nghĩ gì đến việc các anh chị em là những người khuyết tật, mà tôi nghĩ đến việc họ làm. Tham gia cùng nhóm không chỉ góp sức vào hành động và tuyên truyền bảo vệ môi trường mà chúng tôi còn có cơ hội hỗ trợ lẫn nhau, động viên và sẻ chia trong cuộc sống".

Còn Nguyễn Thị Tin vẫn tin tưởng sẽ cùng với những anh chị em khiếm khuyết có thêm ngày càng nhiều đợt nhặt rác ở các điểm đen, để thông điệp bảo vệ môi trường và hòa nhập ngày càng lan rộng, góp phần thay đổi ý thức người dân.

Chung tay tạo nên sức mạnh

Để có được nhóm nhặt rác với hàng chục thành viên như hiện tại, anh Mai Huỳnh Quốc Thống (31 tuổi) đã nung nấu trong đầu suy nghĩ từ lâu, nhưng cứ chần chừ bởi còn nhiều e ngại. Mãi đến đầu tháng 5-2019, lúc nhận được sự hưởng ứng của nhiều anh chị em cùng cảnh, chàng trai khiếm khuyết này mới mạnh dạn khởi xướng.

Cái tên Hòa Nhập Xanh, theo anh Thống, là mong muốn của chính những người khuyết tật như anh: một nơi mà người khuyết tật không khoảng cách với người bình thường và cùng hành động vì một môi trường sống trong lành, sạch đẹp.

Anh Thống bảo người khuyết tật thường mặc cảm mình không làm được gì cho xã hội, như anh trước đây cũng thế, cố thu mình lại và ngại giao tiếp với người xung quanh. Rồi ý tưởng gặp nhau, những người khuyết tật đã góp sức cùng phong trào chống rác thải nhựa, loại bỏ suy nghĩ tự ti ban đầu.

"Nhóm mong làm thực tế, làm ở những điểm đen môi trường thực sự, chứ không phải làm phong trào. Hàng chục bao tải rác mỗi buổi đã chứng minh rằng những đôi tay dù yếu ớt, khi được chung sức cùng những đôi tay khỏe sẽ làm thành sức mạnh tạo nên một việc ý nghĩa cho xã hội" - anh Thống nói.

Theo anh Thống, khó khăn lớn nhất là ở những điểm nhiều rác cũng chính là điểm tiềm ẩn nhiều nguy hiểm từ kim tiêm. Chính vì thế, các bạn luôn nhắc nhở nhau phải trang bị bảo hộ an toàn, bảo vệ bản thân trong mỗi lần dọn rác.

Vượt ra ngoài ý nghĩa góp sức bảo vệ môi trường, cả anh Thống, chị Trinh và nhiều anh chị em khiếm khuyết đều khẳng định họ được tiếp thêm động lực rất nhiều từ các thành viên trẻ trong nhóm và thấy vui vì làm được điều có ích cho xã hội.

Sau nhiều tháng bỏ công sức hành động, nhóm đã nhận thấy những đổi thay bước đầu. Rác ở các điểm đen vơi dần đi, nhưng cũng nhiều điểm vẫn có rác mới. Để thay đổi một nếp sống không là điều dễ dàng, họ hiểu hơn hết và là những người tiên phong vượt qua khó khăn, động viên nhau tiếp tục góp sức mình bảo vệ môi trường.

Đại sứ chống rác thải nhựa cùng đồng hành

Để tránh nguy hiểm từ những kim tiêm lẫn trong rác, trước đây các thành viên nhóm tự bỏ tiền túi mua dụng cụ nhặt rác, giày, găng tay bảo hộ... Nay một số nhà hảo tâm biết được hoạt động ý nghĩa đã hỗ trợ thêm kinh phí cho nhóm.

Đặc biệt, đại sứ chống rác thải nhựa trẻ tuổi Nguyễn Như Khôi từ Hà Nội vẫn thường xuyên đồng hành cùng nhóm. Như Khôi kết nối nhóm Hòa Nhập Xanh qua các buổi giao lưu, nói chuyện, gặp gỡ các thành viên, vừa hỗ trợ và truyền động lực cho nhóm tiếp tục thực hiện những việc làm tử tế với môi trường.

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên