05/10/2014 06:33 GMT+7

​Những đôi dép lốp trong ngõ nhỏ Hà Nội

VŨ ĐỒNG
VŨ ĐỒNG

TT - Giữa Hà Nội có một người thợ già cần mẫn làm nghề dép lốp đã 20 năm nay.

Ông Phạm Cao Xuân cặm cụi làm dép lốp - Ảnh: V.Đồng

Đó là ông Phạm Quang Xuân (74 tuổi) trong một ngõ nhỏ cách phố Nguyễn Biểu, quận Ba Đình chục mét.

Đã 74 tuổi nhưng đôi tay của ông vẫn chắc và mềm mại khi cầm con dao sắc ngọt xẻ những tấm cao su rồi khoanh thành hình đế dép, đục lỗ quai, lên quai dép. Mọi động tác đều thuần thục chứng tỏ một tay nghề lão luyện.

Ông bảo làm dép lốp khâu tưởng đơn giản nhất là lên quai nhưng thật ra đó là khâu khó nhất. Vì đây là kỹ thuật để làm người bước đi cảm thấy thoải mái nhưng chắc chân. Nhìn ông cúi gập người dùng chân giữ cố định miếng đế cao su thật chắc, rồi mới đưa lưỡi dao mỏng nhẹ nhàng xén đế dép mới biết để làm được một đôi dép cao su không đơn giản. 

Ông Xuân bắt đầu làm dép lốp trong Công ty Bách hóa Hà Nội năm 1968. Sau năm 1975 đủ loại dép nhựa thịnh hành nên ông chuyển nghề khác. Làm nghề khác được mấy năm nhưng ông vẫn không quên được nghề cũ. Năm 1995 ông quyết định nối lại cái nghề mà ông tự thấy có năng khiếu nhất: làm dép lốp. Từ đó, hằng ngày ông cặm cụi sản xuất những đôi dép lốp cho đến nay.

Người tìm mua dép lốp của ông đông nhất là thanh niên, cựu chiến binh rồi đến du khách nước ngoài. Giá cả cũng rất đa dạng. Có đôi 200.000 đồng. Có đôi 500.000 đồng.

Dép lốp thường “cháy” hàng mà ông chỉ làm được mỗi ngày 4-5 đôi. Vì thế ông Xuân đã hạn chế việc bán dép, mỗi người chỉ được mua một đôi và phải để lại họ tên, địa chỉ để ông theo dõi việc “phân phối dép” như thời bao cấp. Ông Xuân bảo: “Tuổi già rồi không làm được nhiều nữa nhưng thấy mọi người vẫn thích mua dép lốp nên cũng khuây khỏa”.

Những cựu chiến binh mua dép bảo: “Đời tôi khó quên được đôi dép lốp trên núi rừng Trường Sơn”. Còn khách nước ngoài thì tò mò về đôi dép huyền thoại này của VN nên mua về làm quà cho người thân.

Ông Xuân nói: “Độ bền trung bình mỗi đôi dép khoảng 10 năm đối với đế và ba năm với quai, vì hai nguyên liệu này được làm từ lốp xe siêu trường, siêu trọng chuyên chở than ở vùng mỏ Quảng Ninh thải ra”.

VŨ ĐỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên