07/03/2017 17:20 GMT+7

​Những điều chưa biết về quan hệ Triều Tiên - Malaysia

M. TRUNG
M. TRUNG

TTO - Trước thời điểm căng thẳng ngoại giao như hiện nay, giữa Malaysia và Triều Tiên là mối quan hệ tương đối tốt đẹp, trong đó có chính sách miễn visa.

Đại sứ quán Malaysia ở Bình Nhưỡng - ảnh: Bộ Ngoại giao Malaysia
Đại sứ quán Malaysia ở Bình Nhưỡng - Ảnh: Bộ Ngoại giao Malaysia

Trên thế giới, số quốc gia thiết lập quan hệ ngoại giao với CHDCND Triều Tiên lên đếngần 50 và Malaysia nằm trong số đó. 

Trước khi rơi vào trạng thái căng thẳng đến mức trục xuất đại sứ của nhau, quan hệ Triều Tiên - Malaysia được đánh giá là thân thiện tuy không quá đặc biệt. Quan hệ hai nước chính thức đi lên kể từ khi Triều Tiên mở đại sứ quán ở Kuala Lumpur năm 2003, cùng năm đó Malaysia cũng mở đại sứ quán ở Bình Nhưỡng.

Năm 2009, Malaysia trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có công dân có quyền đi đến Triều Tiên mà không cần visa. Người mang hộ chiếu Malaysia có thể lưu trú tại Triều Tiên đến 1 tháng.

Năm 2011, Hãng hàng không Air Koryo của Triều Tiên mở đường bay thẳng đến Malaysia để phát triển du lịch, nhưng đường bay bị ngừng vào năm 2014 do lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc.

Kim ngạch giao thương giữa Triều Tiên và Malaysia ở vào khoảng trên 5 triệu USD năm 2015. Triều Tiên nhập dầu thô, cao su thiên nhiên, dầu cọ… từ Malaysia; ở chiều ngược lại, Malaysia nhập đồ điện tử, hóa chất, các sản phẩm từ sắt, thép… của Triều Tiên.

Thoạt nhìn, quan hệ Triều Tiên - Malaysia có vẻ khá đặc biệt nhưng thực tế lại không hẳn vậy vì 3 lý do, theo phân tích của chuyên gia Prashanth Parameswaran trên tạp chí The Diplomat.

1. Xét từ góc độ chính sách đối ngoại của mỗi nước.

Trong mắt Bình Nhưỡng, khởi đầu quan hệ với Kuala Lumpur hồi thập niên 1970 là một phần trong chiến dịch xây dựng mạng lưới ngoại giao với thế giới để cạnh tranh vị thế với Hàn Quốc và phát triển kinh kế. Quan điểm này hiện vẫn còn đúng.

Về phần mình, Malaysia chuyển hướng từ quan điểm thân phương Tây sang chính sách đối ngoại độc lập vào thập niên 1970 và kéo dài cho đến nay. Tương tự các nước ASEAN khác, Malaysia duy trì quan hệ đa phương với nhiều nước (dù các nước này có thể xung đột nhau) như Mỹ và Trung Quốc và do vậy Triều Tiên cũng không ngoại lệ.

2. Minh bạch giữa quan hệ riêng và nghĩa vụ quốc tế

Đối với Malaysia, thử thách thực sự là làm sao cân bằng giữa việc duy trì quan hệ tốt với Bình Nhưỡng và các ưu tiên ngoại giao khác, trong đó có quan hệ với Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ; rồi trách nhiệm với ASEAN, Liên Hiệp Quốc…

Một mặt Malaysia thúc đẩy các hoạt động giao thương, trao đổi văn hóa với Triều Tiên, ví dụ như bản ghi nhớ về trao đổi văn hóa mới ký kết, mặt khác Kuala Lumpur vẫn lên án các vụ thử tên lửa của Triều Tiên và ủng hộ các biện pháp cấm vận của Liên Hiệp Quốc.

3. Tình thế ngày càng khó xử

Quan hệ Malaysia - Triều Tiên tuy vậy cũng trở nên phức tạp những năm gần đây do cách Bình Nhưỡng hành xử trong vấn đề hạt nhân và tên lửa.

Bước ngoặt là thời điểm Hội đồng Bảo an LHQ nhất trí thông qua nghị quyết 2270 trừng phạt Triều Tiên vào tháng 3-2016.

Để bảo đảm Nghị quyết 2270 được thực thi một cách đầy đủ, chính quyền Kuala Lumpur đã phải xem xét lại nhiều khía cạnh trong quan hệ song phương với Triều Tiên, không chỉ là cấm tàu bè, mà còn bao gồm quan hệ với công dân Triều Tiên, rồi đến tất cả lao động Triều Tiên đang làm việc ở Malaysia…

Trong bản báo cáo nộp lên Hội đồng Bảo an tháng 8-2016, Chính phủ Malaysia đã phải liệt kê đầy đủ các lĩnh vực trong quan hệ với Triều Tiên bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận, các biện pháp giúp họ đánh giá và ra quyết định cắt đứt hay hạn chế các lĩnh vực đó…

Bản báo cáo cũng nêu rõ Malaysia đã chính thức cấm Hãng hàng không Triều Tiên Air Koryo hoạt động trong không phận của họ.

M. TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên