Lực lượng hỗ trợ các em thi an toàn, tốt đẹp ở Phú Quốc - Ảnh: DUY KHÁNH
Không phải đến cận kề kỳ thi, người dân quần đảo Thổ Châu mới nhắc về cậu học trò Lê Trường An.
Ở vùng đảo cực Nam này cứ như một thói quen, thanh niên vừa lớn là nghĩ ngay đến chuyện nhảy theo tàu, câu lưới mưu sinh - một lựa chọn dễ nghĩ đến nhất của dân đảo khi đường vào đất liền xa vời vợi.
Thí sinh từ các quần đảo xa xôi
Mỗi năm đến mùa thi, dân đảo lại bấm đốt ngón tay đếm coi năm nay có bao nhiêu đứa xa nhà. Chúng đi xa tận TP.HCM hay Rạch Giá, Cần Thơ, mà gần nhất là trung tâm Phú Quốc để đeo đuổi con chữ.
Không phải em nào cũng được học tới nơi tới chốn, nhưng hễ nhà ai có con chịu rời đảo đi học xa là dân đảo lại mừng, lại theo dõi, gửi gắm niềm tin và hy vọng...
Mùa thi năm nay, tới lượt Lê Trường An được nhắc tới, khi cậu học trò cùng vài bạn bè trong xóm đảo theo tàu vào Phú Quốc hoàn thành hết chương trình học.
Trong lần hiếm hoi, cậu chia sẻ: "Đáng lẽ em nghỉ học từ năm lớp 9 để đi biển đỡ đần cha mẹ. Vì trang lứa em ở ngoài đảo, tụi nó rủ nhau nghỉ học để kiếm sống. Em muốn học cao hơn, muốn về đây giúp đảo nhiều hơn là thêm một anh ngư phủ.
Ba mẹ em vất vả nhưng cũng ủng hộ con hết mình. Dân ngoài đảo, con cái đi học là cha mẹ vất vả thêm nhưng ai cũng mừng khi con chịu học".
Trong số 140 đảo ở các quần đảo gần xa của vùng biển Tây Nam, thuộc tỉnh Kiên Giang như hòn Nghệ, hòn Tre, hòn Đầm... có rất nhiều tấm gương vượt sóng vào bờ theo đuổi việc học. Nhiều người trong số họ trở về giúp đảo. Cũng có người có điều kiện phấn đấu, giữ những vị trí quan trọng trong chính quyền hay ở các doanh nghiệp lớn.
Đó là niềm cảm hứng để nhiều bạn trẻ ở các quần đảo theo đuổi việc học. Như ở đảo Nam Du, hòn Sơn... thì vào học ở hòn Tre; ở hòn Heo, hòn Nghệ thì học hành, thi cử ở Kiên Lương; ở quần đảo Hải Tặc thì vào Hà Tiên; còn xa hơn như Thổ Châu... thì vào Phú Quốc.
Lê Trường An chia sẻ đến đảo Phú Quốc, đám học trò từ tít tè Thổ Châu như em không khỏi lớ ngớ. Nhưng các thầy cô, bạn bè hiểu tâm lý, hỗ trợ, động viên hết lòng, nên em nào cũng có kết quả học tập khả quan.
"Thầy chủ nhiệm Nguyễn Trí Nghị thường xuyên hỏi thăm, thầy còn đến nhà trọ để xem em ăn ở thế nào, định hướng nghề nghiệp cho em sắp tới nên em càng phải cố gắng" - An cho biết năm học này mình đạt học lực khá, khả năng có thể đậu ĐH nhưng em sẽ đi học nghề bếp vì đam mê nghề ngày.
Học nghề sẽ rút ngắn thời gian, đỡ đần được cho cha mẹ và đặc biệt ở Phú Quốc đang phát triển về du lịch. Nhu cầu về lĩnh vực này chắc chắn sẽ nhiều nên em quyết định chọn con đường học nghề.
Do kỳ thi diễn ra trong tình hình dịch bệnh nên việc làm thủ tục cũng tuân thủ quy định phòng dịch - Ảnh: DUY KHÁNH
"Vượt vũ môn" trong mùa dịch
Trường An là một trong gần 1.200 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TP Phú Quốc đợt này.
Một kỳ thi đặc biệt bởi được tổ chức trong tình hình diễn ra dịch bệnh ở nhiều nơi, mà đảo du lịch Phú Quốc là một trong những nơi được quan tâm do tình hình nhập biên trái phép bằng đường biển từ Campuchia vào đảo được lực lượng chức năng phát hiện trong thời gian qua.
Trong số các thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT tại Phú Quốc năm nay có 62 thí sinh tự do đăng ký thi để lấy điểm xét tuyển đại học. So với mọi năm, năm nay số lượng thí sinh đã tăng. Vì vậy, ngành giáo dục tỉnh Kiên Giang đã tăng thêm một điểm thi.
Điểm thi mới đặt tại Trường THCS Dương Đông 1 tổ chức thi cho 296 thí sinh của Trường THPT Dương Đông. Những năm học trước, thí sinh trường này tham gia dự thi tại điểm thi đặt tại THPT Phú Quốc.
Năm nay số lượng thí sinh của 2 trường THPT và Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề thành phố Phú Quốc tăng đột biến, điểm thi THPT Phú Quốc không đủ phòng nên Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Kiên Giang đã tổ chức thêm điểm thi mới đặt tại THCS Dương Đông 1.
Ông Trần Quang Bảo, giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Kiên Giang, cho biết đã ký ban hành kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Do kỳ thi diễn ra trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nên ngành giáo dục tỉnh tính đến các phương án dự phòng như có thêm một ngày thi trong trường hợp dịch bệnh. Hay ngoài các phòng thi chính thức, ngành giáo dục tỉnh Kiên Giang còn bố trí thêm phòng chờ và phòng thi dự phòng cho các thí sinh F0, F1, F2 (nếu có).
Để đảm bảo công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm nay, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Kiên Giang đã quyết định điều động 1.939 cán bộ, giáo viên, công nhân viên ngành giáo dục ở các trường THPT và THCS trong toàn tỉnh.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Kiên Giang cho biết mặc dù nằm ở địa bàn khá xa đất liền nhưng việc tổ chức thi cử tại Phú Quốc những năm gần đây diễn ra an toàn tuyệt đối. Những năm trước, ngoài điều động giáo viên của các trường ở đảo, Sở Giáo dục - đào tạo tỉnh Kiên Giang còn điều động một số giáo viên ở đất liền ra tham gia làm công tác coi thi.
Riêng năm nay không điều các giáo viên từ nơi khác ra Phú Quốc coi thi mà chỉ điều cán bộ nơi khác làm lãnh đạo các hội đồng thi, còn giám thị sẽ phân công chéo giáo viên trên đảo đảm nhiệm công tác coi thi. Ngược lại, cũng không điều cán bộ, giáo viên ở Phú Quốc đi coi thi ở những điểm thi khác.
Trước đó, hầu hết các giáo viên, cán bộ, nhân viên đã được chích vắc xin ngừa COVID-19. Lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Kiên Giang cho biết để đảm an toàn, bí mật, nên đến sát ngày vẫn không thông báo việc vận chuyển đề thi từ đất liền ra đảo bằng phương tiện gì.
"Có những năm thì vận chuyển đề thi bằng máy bay, cùng với cán bộ từ đất liền ra. Nhưng cũng có năm "sóng yên biển lặng" thì đề thi được vận chuyển bằng tàu. Bằng phương tiện nào cũng đảm bảo công tác an ninh nghiêm ngặt" - vị cán bộ này nói.
"Năm nay đúng là kỳ thi đặc biệt. Trước đó, thấy dịch giã hoành hành nhiều nơi. Phú Quốc là thành phố du lịch, tấp nập kẻ đến, người đi. Thành phố đảo lại tiếp giáp với Campuchia, đất nước đang diễn ra dịch bệnh phức tạp. Tôi cứ lo là không thể tổ chức thi cử gì.
Mấy hôm nay thấy cháu nó tích cực ôn bài chuẩn bị thi, tôi thấy nhẹ lòng. Làm gì làm chứ việc học hành, thi cử bị ngưng trệ, có khi lại lỡ cơ hội học hành, lập nghiệp của các cháu" - ông Nguyễn Tấn Hùng, một phụ huynh ở thị trấn Dương Đông có con thi tốt nghiệp THPT năm nay, chia sẻ.
"Công tác an toàn, phòng chống dịch đã được thực hiện nghiêm nên thí sinh và phụ huynh không phải căng thẳng, để các em tập trung làm bài thật tốt. Bởi có được kỳ thi tốt nghiệp THPT, ngành giáo dục đã làm mọi thứ để không chỉ an toàn thi, mà còn an toàn dịch bệnh" - lãnh đạo một trường THPT tại Phú Quốc chia sẻ.
Năm nay, tỉnh đã sử dụng tàu cao tốc để chở đề thi tốt nghiệp THPT và đoàn công tác (gồm 14 cán bộ là trưởng, phó chủ tịch hội đồng và thư ký tại các điểm thi) vượt 120km từ Rạch Giá ra đảo. Chuyến tàu đặc biệt này được hộ tống bởi lực lượng công an bảo vệ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận