Bộ Giao thông vận tải đã ban hành thông tư số 35/2024/TT-BGTVT về đào tạo và sát hạch lái xe, có hiệu lực từ ngày 1-1-2025. Các quy định liên quan trước đây đều bị bãi bỏ.
Chương trình đào tạo lái ô tô không còn tự học lý thuyết, được học từ xa
Quy định hiện hành cho phép người học lái ô tô hạng B1 được tự học các môn lý thuyết, chỉ kiểm tra tại cơ sở đào tạo. Các hạng khác đều phải học tập trung.
Điều này hàm ý rằng học viên lái xe B1 có khả năng tự học tốt hơn so với B2 và C, bởi chỉ khác nhau môn nghiệp vụ vận tải và thời lượng hai môn cấu tạo sửa chữa thông thường và đạo đức, văn hóa giao thông.
Còn quy định về đào tạo lái ô tô mới yêu cầu tất cả các hạng giấy phép lái xe ô tô phải học lý thuyết đầy đủ theo hình thức tập trung hoặc đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn. Quy định này logic và thống nhất hơn quy định cũ.
Việc chính thức cho phép thực hiện đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn, tức đào tạo trực tuyến, hoặc tập trung thay cho chỉ duy nhất đào tạo tập trung trước đây là một tiến bộ. Tiết kiệm chi phí, thời gian cho cả người học và cơ sở đào tạo.
Tuy vậy so với việc được tự học hoàn toàn các môn lý thuyết lái xe như nhiều nước phát triển trên thế giới, vẫn cần nên xem xét, nghiên cứu.
Bỏ môn nghiệp vụ vận tải
Các môn học lý thuyết lái ô tô cũ và mới.
Nghiệp vụ vận tải là môn học lý thuyết dành cho tài xế chuyên nghiệp, từ hạng B2 (cũ) trở lên. Do vậy khi bỏ môn này ở chương trình đào tạo lái xe mới, có thể hiểu tất cả giấy phép lái xe các hạng sẽ đều không còn là chuyên nghiệp.
Điều này không những phù hợp với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, vốn không còn quy định đào tạo lái xe thuộc giáo dục nghề nghiệp như Luật Giao thông đường bộ, mà còn phù hợp với thực tế:
Chuyên chở đơn giản bằng ô tô, ví dụ như nông dân chở nông sản từ rẫy ra chợ, thì không cần đào tạo nghiệp vụ;
Người lái xe của mình mà không đăng ký kinh doanh vận tải thì không nhất thiết phải là tài xế chuyên nghiệp, ví dụ như lái xe 16 chỗ của gia đình;
Các tài xế chuyên nghiệp phải được tập huấn và chứng nhận nghiệp vụ khác nhau tại doanh nghiệp theo các quy định của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, chẳng hạn như giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ lái xe kinh doanh vận tải.
Ngoài việc bỏ môn nghiệp vụ vận tải, tên gọi và thời lượng các môn học lý thuyết còn lại hầu như không thay đổi.
Môn thực hành lái xe, về cả nội dung, số giờ học và quãng đường xe chạy tính cho một học viên, cũng không thay đổi.
Thời lượng môn học tối thiểu, thời gian toàn khóa không quá 90 ngày
Dù hầu như không thay đổi, thời lượng các môn học, số km xe chạy ở thông tư mới lần đầu tiên được gọi là "tối thiểu" so với quy định "cứng" cũ.
Thời gian toàn khóa học cũng bị hạn chế ở mức tối đa không quá 90 ngày với tất cả các hạng, so với quy định "cứng" rồi không quy định ở các văn bản cũ.
Đồng thời, quy định mới cũng ghi rõ "Người học lái xe được kiểm tra kết thúc môn học khi tham dự tối thiểu 70% thời gian học các môn lý thuyết; học đủ thời gian và tối thiểu 50% số km học thực hành lái xe trên sân tập lái; học đủ số km và tối thiểu 50% thời gian học thực hành lái xe trên đường".
Nghĩa là người học, tùy theo điều kiện và năng lực, có thể rút ngắn được đến 30% thời gian học ở lý thuyết, 50% ở thực hành trên đường và đến 50% số km thực hành trên sân.
Ngược lại, tùy theo điều kiện, nhu cầu và năng lực, người học vẫn hoàn toàn có thể học nhiều hơn mức tối thiểu quy định ngay trong chương trình chính khóa, do cơ sở đào tạo lái xe chịu trách nhiệm xây dựng.
Chẳng hạn, cơ sở đào tạo có thể chủ động quy định thời lượng bài tập lái xe trong bãi phẳng là 4 - 8 giờ. Sau 4 giờ, học viên nào chưa đạt hay muốn luyện tập thêm thì đều thực hiện được ngay.
Với thời hạn tối đa không quá 90 ngày, cơ sở đào tạo lái xe sẽ phải có trách nhiệm cao hơn với người học, tránh tình trạng nhận hồ sơ rồi tìm cách kéo dài thời gian để giữ chân học viên mà thực tế thì không đủ lưu lượng.
Đây chính là thay đổi tiến bộ và đáng chú ý nhất lần này, tạo thuận lợi hơn trước cho cả người học và cơ sở đào tạo lái xe.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận