12/01/2021 11:42 GMT+7

Những chuyến tàu phu Việt đến Tân Đảo 100 năm trước

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Những ngày lễ ở Tân Đảo - Vanuatu, người gốc Việt mặc áo dài đến với nhau, đầy tự hào về nguồn gốc của mình. Vì thời cuộc, tổ tiên họ đã trở thành một phần lịch sử của quốc đảo Vanuatu ngày nay.

Những chuyến tàu phu Việt đến Tân Đảo 100 năm trước - Ảnh 1.

Trại Việt Nam ở Tân Đảo nửa đầu thế kỷ 20 - Ảnh tư liệu

"Hôm nay, bác gái nấu canh dưa cải với thịt. Dưa nhà tự muối như cách bố mẹ chúng tôi làm" - ông Ngô Văn Vũ (71 tuổi) chia sẻ cuộc sống tuổi về chiều ở Tân Đảo, nơi ông sinh ra và gắn bó suốt cuộc đời dù vẫn gọi Việt Nam là quê hương thân thương.

Ông Vũ và vợ là những đại diện của thế hệ người Việt thứ hai sinh ra ở Tân Đảo. Theo nhà nghiên cứu Miriam Meyerhoff, lịch sử lao động Việt di cư đến đây vào đầu thế kỷ 20 không được nhiều người biết đến.

Ra đi tìm sinh kế mới

Dựa trên các tư liệu trong một vài cuốn sách hiếm còn lưu trữ tại Đại học Cornell, Mỹ và các văn bản bằng tiếng Pháp còn lại, lịch sử người Việt ở đảo quốc này bắt đầu từ cuối thế kỷ thứ 19, đầu thế kỷ 20. 

Khi đó, có khoảng 20 điền chủ người Pháp sống tại các đảo Efate, Epi, Malo và Santo ở Tân Đảo, chủ yếu trồng dừa và ca cao.

Ban đầu, họ thuê người bản địa làm công nhân nhưng những điền chủ này sớm cho rằng không thể "trông mong" vào dân bản địa vì họ không chịu sống trong đồn điền lâu dài vì nhiều lý do, trong đó có lý do là tiền công quá thấp. 

Người làm theo tuần, theo tháng đã khó, làm trong thời hạn 3 năm càng hiếm hơn, kết quả là vụ thu hoạch năm 1920 không triệt để vì không đủ lao động. Những điền chủ nhận thấy nguy cơ thiệt hại kinh tế lớn ngay trước mắt.

Một điền chủ tên M. Albert Sarraut có sáng kiến tận dụng các thuộc địa ở nước ngoài của Pháp. 

Ông lập luận: người Anh đã đưa một số lượng lớn lao động từ Ấn Độ, thuộc địa của họ, đến làm việc ở Fiji thì tại sao chúng ta lại không thử? Nguồn lao động giá rẻ ở các tỉnh ven biển vịnh Bắc Bộ Việt Nam gồm Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình được nhắm tới.

Trong khi đó, đầu thế kỷ 20, tình hình Đông Dương rất tồi tệ. Dân số đông, đói nghèo đè nặng xã hội. Điều tra dân số năm 1931 ghi nhận có 6,5 triệu người ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ với mật độ dân số 430 người/km2

Tổng diện tích của Đồng bằng Bắc Bộ gần tương đương với tổng diện tích Vanuatu, nhưng thời điểm đó đảo quốc này có dân số ước tính chỉ 60.000 người, tức là chưa đến 4 người/km2.

Ngoài dân số Đồng bằng Bắc Bộ quá đông, bão lụt thường xuyên khiến người dân các tỉnh này nghèo đói triền miên, và cơ hội đi làm kiếm tiền ở nước ngoài được xem là hấp dẫn.

Đoàn tàu chở những người lao động hợp đồng đầu tiên từ Việt Nam sang Tân Đảo cập bến Noumea ngày 18-8-1920 với 147 người lao động làm việc cho điền chủ Roberto Figueras. Sau đó, mãi đến năm 1923 mới có thêm hai chuyến tàu khác. 

Đến năm 1927, có 4.607 người Việt ở Vanuatu và các chuyến tàu đưa người sang vẫn tiếp tục, mỗi chuyến vài trăm người, ít thì vài chục người. Đến năm 1929, số người Việt tại đây tăng lên 6.000 người.

Những chuyến tàu phu Việt đến Tân Đảo 100 năm trước - Ảnh 2.

Hình ảnh triển lãm kỷ niệm 100 năm người Việt ở Vanuatu - Ảnh: TRẦN NAM TRUNG

Những người Việt chăm chỉ

Nhận thấy người Việt lao động chăm chỉ nên các chủ đồn điền người Pháp đã kiến nghị Pháp đưa thêm người Việt sang Tân Đảo làm việc cho họ. Từ năm 1925, gần như tất cả các đồn điền quan trọng trên quần đảo đã sử dụng người lao động châu Á.

Tài liệu ghi lại rằng đồn điền đầu tiên sử dụng lao động từ Bắc Bộ Việt Nam là ở đảo Epi, của một điền chủ đến từ Cambrigde, Savoy. Có 360 người Việt làm việc tại đây. Họ đến từ các vùng xung quanh Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng và Nha Trang.

Một số bản hợp đồng với lao động nam trong các cuốn sách hiếm cho thấy các lao động ký hợp đồng 5 năm là kiểu lao động tự nguyện nhưng giống như là một dạng nô lệ tạm thời.

Vào thời điểm đó, có thể những bản hợp đồng này vẫn hấp dẫn. Các lao động đồng ý làm nông nghiệp, khai khoáng và công nghiệp với mức lương 12 piastre/tháng (piastre là đơn vị tiền tệ của Đông Dương thuộc Pháp, gồm Việt Nam, Campuchia và Lào, gọi là đồng bạc Đông Dương) với lao động nam, và 9 piastre/tháng với nữ. 

Thời gian làm việc là 9 giờ/ngày, từ lúc mặt trời mọc cho đến khi mặt trời lặn. Làm thêm giờ sẽ trên cơ sở tự nguyện và được trả lương theo mức 10 centimes (hay xu)/giờ. 

Ngày chủ nhật các lao động được nghỉ và được nghỉ các ngày lễ là tết Tây, ngày 2-5 và ngày 31-12 mà vẫn được trả lương. Khi hết hợp đồng, mỗi lao động được thưởng thêm theo mức 2 piastre cho nam và 1 piastre cho nữ cho mỗi tháng làm việc.

Về phần mình, điền chủ đồng ý rằng nếu người lao động sống cách đồn điền hơn một giờ đi bộ thì thời gian đi bộ nhiều hơn đó được trừ vào chín giờ làm việc trong ngày. Họ cũng thống nhất giao công việc cho phụ nữ phù hợp với sức khỏe của họ. 

Phụ nữ sinh con được nghỉ một tháng hưởng nguyên lương sau sinh. Chủ các đồn điền có nhà trẻ cho con của người lao động và cử một nữ lao động trông coi. Chủ đồn điền có nghĩa vụ bao cơm trong những ngày làm việc, ngày ốm đau hoặc ngày nghỉ có phép.

Trường hợp nghỉ không phép, người lao động phải tự mua thức ăn cho mình. Khẩu phần hằng ngày là 250g bánh mì, 500g gạo, 200g thịt (tươi hoặc khô) hoặc cá khô hoặc 400g cá tươi, 300g rau xanh hoặc 150g rau khô, 20g muối, 5g trà và 20g mỡ. 

Trên thực tế, cá là thực phẩm chính vì Tân Đảo được bao quanh là biển, trong khi giết mổ heo gà sẽ tốn kém hơn cho các chủ đồn điền.

Bước ngoặt đổi thay

Tuy nhiên, thực tế theo những ghi chép của ông Đồng Sỹ Hứa, người hợp đồng đến Tân Đảo làm phiên dịch, lao động Việt Nam bị đối xử như nô lệ...

Đến năm 1945, sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2 cùng với sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, người Việt ở Tân Đảo đã đấu tranh, xuống đường biểu tình đòi các chủ đồn điền Pháp phải trả tự do, cho họ quyền muốn đi đâu thì đi, làm cho ai thì làm, như những người tự do thực sự. 

Kết quả, lao động Việt được tự do và di chuyển đến làm việc ở các đảo lớn như đảo Santo. Người Việt lúc đó làm cho các tiệm ăn, tiệm may, tiệm cắt tóc..., tức các nghề tiểu thủ công, nhưng không ai mua đất đai bởi chờ ngày về Việt Nam.

Những người như gia đình ông Vũ bước vào cuộc đổi thay mới...

(Còn tiếp)

147

Đó là đợt phu Việt đầu tiên sang Tân Đảo năm 1920.

3 100 năm  tan dao 4(read-only)

Người gốc Việt ở Tân Đảo tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm người Việt ở Vanuatu (tháng 8-1920 - tháng 8-2020) - Ảnh: TRẦN NAM TRUNG

Trong giai đoạn từ năm 1937 - 1940, có khoảng 22.000 công nhân Việt Nam sang Tân Đảo, trong đó có một số là các cặp vợ chồng trẻ ở các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình. Thông tin này trùng với các sử liệu khác đã được công bố.

Theo cuốn Avec paul. Apotre Et Theologien De Jesus Christ của P. Monnier in năm 1946, có hơn 4.293 lao động Việt Nam ở Tân Đảo năm 1927; 5.413 lao động năm 1930.

Người ở, người về, tổng cộng có gần 6.000 lao động Việt Nam tại đảo quốc này năm 1929, trong đó 3.700 là nam giới, 1.200 phụ nữ và 1.000 trẻ em. Con số này tương đương một phần mười dân số Vanuatu ước tính vào thời điểm đó.

Ra đi để mong ngày về có nhà, có ruộng

Ông Đồng Sỹ Hứa - một người phiên dịch làm việc tại Văn phòng Chánh xứ Pháp ở Port Vila, New Hebrides, Vanuatu và sau này lãnh đạo phong trào đấu tranh đòi Pháp đưa người Việt hồi hương, đòi quyền tự do tìm chủ, tự do làm ăn, tự do đi lại ở Vanuatu - đã viết rằng những người thanh niên trẻ đăng ký đi làm ở Tân Đảo mong ước sẽ kiếm đủ tiền để trở về mua một căn nhà, mảnh ruộng.

Ước mơ này, dù cách đây 100 năm, vẫn nghe thật thân thương, gần gũi như suy nghĩ của những lao động di cư Việt Nam ngày nay.

Ký sự Tân Đảo - phim tài liệu đầu tiên về người Việt ở New Caledonia và Vanuatu Ký sự Tân Đảo - phim tài liệu đầu tiên về người Việt ở New Caledonia và Vanuatu

TT - Đài truyền hình TP.HCM vừa tổ chức họp báo ra mắt đoàn làm phim tài liệu Ký sự Tân Đảo do Hãng phim TFS và Công ty BHD phối hợp thực hiện. Ký sự Tân Đảo được xem là phim tài liệu đầu tiên về cộng đồng người Việt ở hai đảo quốc thuộc vùng nam Thái Bình Dương: New Caledonia (quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới) và nước cộng hòa Vanuatu (được mệnh danh là Paris hoa lệ).

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên