20/09/2022 08:10 GMT+7

Những câu hỏi từ chương trình giáo dục mới

VŨ HOÀNG (TP.HCM)
VŨ HOÀNG (TP.HCM)

TTO - Năm nay, con tôi vào lớp 6. Thật ngạc nhiên khi được biết học sinh bậc THCS sẽ học môn khoa học tự nhiên nhưng khi lên bậc THPT thì lại tách ra môn lý, hóa, sinh riêng...

Những câu hỏi từ chương trình giáo dục mới - Ảnh 1.

Học sinh lớp 6/6 Trường THCS Lý Thánh Tông (quận 8, TP.HCM) trong một tiết học môn lịch sử - địa lý - Ảnh: ANH KHÔI

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (hay còn gọi là chương trình mới) năm học này đã được triển khai ở lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10. Trong đó, học sinh lớp 6, 7, 8, 9 sẽ học môn tích hợp khoa học tự nhiên (bao gồm kiến thức của ba môn lý, hóa, sinh), môn tích hợp lịch sử và địa lý (bao gồm kiến thức của hai môn sử và địa).

Đào tạo để làm giáo viên dạy lý mà ra trường phải dạy cả hóa và sinh thì đúng là một thử thách lớn đối với các thầy cô giáo.

Đánh đố học sinh

Tôi không hiểu tại sao lại "gom" các môn này với nhau. Vì khi xem sách giáo khoa, tôi cũng thấy các phần kiến thức của lý, hóa, sinh, sử, địa được trình bày riêng biệt. Vẫn biết bậc THCS là bậc học nền tảng, kiến thức mà học sinh cần học chỉ ở mức cơ bản. 

Nhưng nếu Bộ GD-ĐT đã xác định bậc THPT là bậc học mang tính chất định hướng nghề nghiệp thì bậc THCS phải phân định rõ từng môn học để học sinh làm quen và tìm hiểu. 

Từ đó mới có thể hình thành sự yêu thích môn học, lòng say mê muốn học cao hơn, sâu hơn... một môn nào đó sau khi các em học xong bậc THCS.

Rồi đây, hai năm nữa ngành GD-ĐT sẽ tổ chức kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 như thế nào? Nếu tổ chức thi học sinh giỏi theo môn tích hợp khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý thì sẽ rất khó phát hiện được nhân tài ở các phân môn cụ thể. 

Vì trên thực tế học sinh có thể giỏi lý, hóa hoặc hóa, sinh nhưng sẽ rất hiếm có em giỏi được hết cả lý, hóa, sinh. Tương tự, để học giỏi phần kiến thức về địa lý, học sinh phải có tư duy logic tốt chứ không như kiến thức về lịch sử.

Trong khi đó, tôi còn bất ngờ hơn nữa khi được biết đến bậc THPT thì lại không còn môn chung như bậc THCS mà tách ra riêng thành các môn lý, hóa, sinh, sử, địa. Tôi tự hỏi như vậy tại sao không tách ra ngay từ bậc THCS để các thầy cô giáo bậc THCS ươm mầm đam mê cho học sinh với một môn học cụ thể nào đó? 

Đằng này, suốt bốn năm ở bậc THCS, học sinh học khoa học tự nhiên thì làm sao phân định rõ cái nào là lý, cái nào là hóa, cái nào là sinh để mà yêu thích rồi đam mê? 

Vậy nhưng khi lên lớp 10 thì phải lựa chọn môn học theo khả năng và sở thích của mình để định hướng nghề nghiệp (ngoại trừ môn sử, bốn môn còn lại đều thuộc môn tự chọn ở bậc THPT). Như thế có phải là đánh đố các cô cậu học trò mới 16 tuổi không?

Thử thách giáo viên

Chưa hết, khi đọc thông tin trên các phương tiện truyền thông, tôi còn được biết các thầy cô giáo ở trường THCS đang phải dạy chéo môn. Tức là giáo viên môn sinh, lý hay hóa đều phải đứng lớp dạy trọn vẹn môn khoa học tự nhiên, giáo viên môn sử hay địa phải đứng lớp để dạy trọn vẹn môn lịch sử và địa lý. 

Và không chỉ giáo viên, một vài cán bộ quản lý giáo dục cũng phản ảnh trên các phương tiện truyền thông rằng như vậy là rất bất cập, gây khó khăn cho giáo viên, khó đạt được hiệu quả cao...

Mới đây, vào chiều 14-9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã làm việc với UBND quận Gò Vấp (TP.HCM) về tình hình thực hiện nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025. 

Ông Trịnh Vĩnh Thanh, trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, cũng cho biết hiện nay giáo viên dạy môn tích hợp ở bậc THCS thường trong tình trạng "mong học sinh đừng hỏi câu nào quá hóc búa" bởi vì họ không được đào tạo để dạy tích hợp mà họ là giáo viên một môn học riêng rẽ, đi tập huấn một thời gian theo chương trình của Bộ GD-ĐT rồi đứng lớp để dạy tích hợp.

Giáo viên lý dạy cả hóa, sinh là thử thách lớn

Ngày 18-9, trong buổi họp phụ huynh đầu năm học ở lớp con tôi, khá nhiều phụ huynh đã tỏ ra lo lắng về vấn đề trên.

Thậm chí có phụ huynh bộc bạch rằng chị cũng đang làm việc trong ngành giáo dục, rằng một giáo viên được đào tạo trình độ đại học mất bốn năm với mục tiêu ra trường có thể dạy được một môn.

Nhưng để dạy suôn sẻ, để học trò hiểu được bài thì một cử nhân sư phạm ấy phải học hỏi, rèn luyện rất nhiều. Đằng này, đào tạo để làm giáo viên dạy lý mà ra trường phải dạy cả hóa và sinh thì đúng là một thử thách lớn đối với các thầy cô giáo.

Phụ huynh còn phân tích: "Khi bản thân mình không rành thì chắc chắn sẽ có lo lắng về việc đúng - sai, tức là giáo viên sợ sẽ dạy sai kiến thức cho học sinh.

Thế thì còn tâm trí đâu để tổ chức cho học sinh hoạt động nhằm phát triển năng lực, phẩm chất của các em theo yêu cầu của chương trình mới? Mà như vậy thì lại quay về phương pháp cũ nhìn sách giáo khoa, đọc cho học sinh chép để không bị sai hay sao?".

Chương trình mới: Vừa dạy vừa chờ Chương trình mới: Vừa dạy vừa chờ

TTO - 'Con tôi đăng ký nhập học lớp 10 sau các bạn nên cháu không được xét nguyện vọng 1 trong đăng ký tổ hợp môn tự chọn. Trường tư vấn và thuyết phục cháu chọn tổ hợp môn theo nguyện vọng 2. Vậy sau này con tôi muốn chuyển đổi môn học thì sao?'.

VŨ HOÀNG (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên