15/09/2022 08:17 GMT+7

Chương trình mới: Vừa dạy vừa chờ

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG

TTO - 'Con tôi đăng ký nhập học lớp 10 sau các bạn nên cháu không được xét nguyện vọng 1 trong đăng ký tổ hợp môn tự chọn. Trường tư vấn và thuyết phục cháu chọn tổ hợp môn theo nguyện vọng 2. Vậy sau này con tôi muốn chuyển đổi môn học thì sao?'.

Chương trình mới: Vừa dạy vừa chờ - Ảnh 1.

Một tiết học toán của học sinh lớp 10 ghép (10A3, 10A4, 10A5) Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM) - Ảnh: NHƯ HÙNG

Bà Nguyễn Thị Thu Hạnh - phụ huynh ở quận Bình Thạnh, TP.HCM - thắc mắc như vậy. Trên thực tế, khá nhiều phụ huynh băn khoăn như bà Hạnh. Tuy nhiên, các trường THPT đều trả lời "chờ hướng dẫn của Bộ GD-ĐT".

Chưa rõ việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học sau năm 2025 như thế nào cũng là một khó khăn trong việc phụ huynh và học sinh lựa chọn tổ hợp môn học.

Cô Nguyễn Thị Nhiếp (hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa - Hà Nội)

Ghép lớp học môn tự chọn

Theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp THPT, học sinh sẽ có tám môn học/hoạt động giáo dục bắt buộc và bốn môn học lựa chọn, đồng thời chọn ba trong số các cụm chuyên đề tương ứng với môn học nằm trong số môn bắt buộc và lựa chọn đã đăng ký. Thế nhưng, trên thực tế không phải học sinh nào cũng được toại nguyện khi chọn môn học.

"Chúng tôi xây dựng các tổ hợp môn tự chọn dựa trên cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên của trường. Do đó, học sinh cần đăng ký hai nguyện vọng trong việc chọn môn học. Khi số học sinh chọn một tổ hợp nào đó quá đông, chúng tôi đành thuyết phục các em chọn sang tổ hợp khác" - hiệu trưởng một trường THPT ở TP Thủ Đức (TP.HCM) thông tin.

Tại TP.HCM, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) là một trong số ít trường thực hiện theo nguyện vọng 1 cho gần 800 học sinh lớp 10. "Chúng tôi xây dựng 15 tổ hợp môn, đồng thời tư vấn cho phụ huynh và học sinh chọn lựa. Để đáp ứng tất cả nhu cầu của học sinh, trường chọn giải pháp làm lớp học mở.

Đó là 17 lớp 10 vẫn có biên chế như bình thường, các em học chung với nhau tại phòng học của lớp mình đối với các môn bắt buộc. Riêng với những môn tự chọn thì học sinh lớp này sẽ học ghép với học sinh các lớp khác. Các môn tự chọn có lớp lên đến 48 học sinh, nhưng cũng có lớp hơn 30 học sinh" - ông Nguyễn Hùng Khương, phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, cho biết.

Tại Hà Nội, Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) cũng đang triển khai chương trình lớp 10 theo hướng này. Theo cô Ngô Thị Thành - phó hiệu trưởng, nhóm môn lựa chọn của học sinh sẽ được chia theo khối thi và theo lựa chọn của cá nhân học sinh.

Ví dụ ngoài tám môn học bắt buộc, học sinh theo hướng khoa học tự nhiên sẽ đăng ký môn tin học, lý, hóa và tùy theo nhu cầu cá nhân chọn thêm một môn nữa trong số các môn địa lý, kinh tế & pháp luật, sinh học... Học sinh có xu hướng khoa học xã hội sẽ chọn tin học, địa lý, kinh tế & pháp luật và tùy theo nhu cầu cá nhân được lựa chọn thêm một môn nữa trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học...

Với các môn học mà học sinh được lựa chọn, trường sẽ tổ chức lớp học cố định, học sinh các lớp khác nhau sẽ di chuyển đến những phòng học cố định theo môn mình đăng ký. "Tối đa 20 học sinh, chúng tôi có thể tổ chức lớp học cố định để học sinh di chuyển đến học. Để tránh việc phân tán nhu cầu vượt quá đáp ứng của trường, giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm tư vấn, hỗ trợ học sinh lựa chọn" - cô Thành cho biết.

Theo cô Thành, trường đã cố gắng để tăng sự lựa chọn cho học sinh, nhưng ngoài điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên, việc quản trị cũng phải linh hoạt và chấp nhận vất vả hơn.

Chưa thể yên tâm

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, nhiều hiệu trưởng trường THPT thừa nhận họ chưa thể yên tâm với việc học sinh lớp 10 chọn môn học như tình hình năm nay.

"Yêu cầu đặt ra là học sinh chọn môn học phải phù hợp với sở trường, định hướng nghề nghiệp tương lai. Nhưng thực tế rất khó thực hiện. Thứ nhất là do công tác hướng nghiệp, tư vấn cho học sinh ở các trường THCS và THPT chưa thực sự hiệu quả, nhiều em vẫn chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng.

Phần lớn học sinh đều chọn trường THPT trước, lo thi đậu vào lớp 10 trước, sau đó mới lựa chọn tổ hợp môn học theo phương án các trường này bố trí. Mà nhà trường THPT xây dựng tổ hợp môn theo điều kiện của đơn vị mình. Vì thế học sinh chỉ chọn trên cơ sở phương án tổ hợp môn học có sẵn của từng trường" - một hiệu trưởng chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Nhiếp - hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) - chia sẻ: "Chưa rõ việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học sau năm 2025 như thế nào cũng là một khó khăn trong việc phụ huynh và học sinh lựa chọn tổ hợp môn học.

Đầu năm học mới, trường đã họp phụ huynh để trao đổi về chương trình mới và cách bố trí cơ cấu lớp học tương ứng với tổ hợp môn học, đồng thời tư vấn cho phụ huynh và học sinh trong việc đăng ký. Tuy nhiên với những băn khoăn về thi và tuyển sinh, trường cũng chỉ có thể trao đổi rằng Bộ GD-ĐT và các trường sẽ có phương án phù hợp với chương trình mới".

Theo dự đoán của hiệu trưởng một số trường THPT ở Hà Nội và TP.HCM, sẽ có khá nhiều học sinh xin chọn lại tổ hợp môn và đổi môn học sau khi các em học hết lớp 10.

Bộ GD-ĐT: học sinh có thể chọn lại tổ hợp môn

Theo lãnh đạo Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), học sinh có thể chọn lại tổ hợp sau một học kỳ hay một năm học nếu thấy định hướng của mình chưa phù hợp. Nhưng trong trường hợp này, học sinh phải đảm bảo học bù kiến thức của môn học được chọn mới ở học kỳ/năm học đã qua thì mới đủ điều kiện học tiếp ở các học kỳ/năm học còn lại.

"Gần như cách học tín chỉ ở đại học"

Theo cô Phạm Thị Tuyết Thanh - hiệu trưởng Trường THPT số 1 Lào Cai, trường thiết kế chương trình lớp 10 theo phương án cho phép học sinh có thể lựa chọn nhiều nhất. Theo đó, ngoài các môn học bắt buộc, nhóm môn học lựa chọn sẽ tổ chức theo cách lớp học cố định và học sinh di chuyển.

Các lớp học dạy những môn tự chọn sẽ được bố trí cố định tại một số phòng học theo thời khóa biểu cụ thể. Học sinh dựa trên nhu cầu có thể đăng ký học tại các lớp tự chọn, không cần theo tổ chức lớp cố định. Đây là cách tổ chức gần với cách học tín chỉ ở bậc đại học.

Lập đoàn giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông Lập đoàn giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông

TTO - Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện nghị quyết 88 và 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông do ông Trần Thanh Mẫn, phó chủ tịch thường trực Quốc hội, làm trưởng đoàn.

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên