09/02/2015 12:11 GMT+7

Những cái tên độc đáo tại hang Sơn Đoòng

HUY TƯỜNG
HUY TƯỜNG

TT - Chiều 26-1, tôi cùng nhóm NatGeo đã bước vào hang Sơn Đoòng - hang động tự nhiên lớn nhất thế giới và cũng là mục tiêu chính của chuyến đi.

Một góc của “Bức tường Việt Nam” - Ảnh: ryan deboodt

Oh... Ah...

Trước tiên cũng phải kể một chút về đoạn đường từ miệng hang xuống đáy hang hết sức ấn tượng. Đứng ở miệng hang, tôi có cảm giác như mình đứng ở miệng một con rồng đang thở phì phò khi “hơi thở” của nó là mây từ trong động tràn ra bảng lảng.

Từ đây chúng tôi bắt buộc phải dùng dụng cụ leo núi để hỗ trợ trong việc xuống hang, men theo vách đá vôi cao đến khoảng 80m. Martin và hai cộng sự xuống đầu tiên cùng với Deb để sắp xếp máy móc chụp tấm ảnh 360 đầu tiên của Sơn Đoòng.

Trên quãng đường đi xuống, Howard, Dave, Ruth và Bamboo (tên thật là Toàn - cũng là hướng dẫn viên cho đoàn) đã đứng sẵn sàng ở từng trạm trên thành hang để đảm bảo an toàn cho từng người. Với sự hỗ trợ và hướng dẫn tỉ mỉ của các chuyên gia hang động, cả đoàn đã tụt xuống nơi an toàn.

Đợi cả đoàn xuống hết, chúng tôi bắt đầu vào hang, hết leo lên rồi lại tụt xuống để vượt qua những tảng đá lớn chắn lối đi. Suốt đoạn đường từ miệng hang xuống đáy hang, đồng hành cùng chúng tôi là tiếng nước sông Rào Thương đổ vào hang.

Và sau một quãng thời gian đi vào trong hang, chúng tôi đã gặp nó. Một đoạn sông Rào Thương chảy ngoằn ngoèo, và chúng tôi phải hai lần vượt qua để đến điểm tập kết. Nước chảy vừa phải. Tay vừa nắm sợi dây mà đoàn thám hiểm đầu tiên vào Sơn Đoòng đã căng ở đây, chúng tôi mò mẫm vượt sông.

Tới được bên bờ đối diện, chúng tôi lại men theo những tảng đá lởm chởm để đến với khúc sông thứ hai. Đây cũng là khúc sông mà Martin sẽ chụp 360.

Một số trong chúng tôi được Martin nhờ làm người mẫu để chụp bức ảnh này (trong các bức ảnh 360, Martin đều luôn muốn có người làm mẫu vừa để cho tấm ảnh có sinh khí nhờ hình bóng con người, vừa là một cái mốc để so sánh với sự hùng vĩ của tuyệt tác thiên nhiên).

Bên kia đoạn sông thứ hai, ba cây đèn được bố trí hợp lý đã làm bừng sáng cả một vùng rộng lớn trong hang, chẳng bù cho những lúc chỉ dựa vào mỗi chiếc đèn pin trên đầu mọi người. Những người mẫu bất đắc dĩ của dự án SonDoong 360 đứng ngâm chân trong dòng nước lạnh buốt khoảng 15 phút.

Sau khúc sông thứ hai ấy, càng vào sâu hơn trong hang, mắt chúng tôi được ban thêm nhiều kiệt tác thiên nhiên. Liên tục những tiếng “oh”, “ah” thốt ra một cách vô thức biểu lộ sự bất ngờ của mỗi người trước các cảnh trí đẹp lạ thường.

Một bên đường vào, nước nhỏ giọt từ trên trần hang xuống đã tạo nên những tảng nhũ đá trắng muốt. Để đắp dày được mỗi centimet nhũ đá này phải mất cả hàng trăm ngàn năm.

Rồi những bãi “nấm cát” mà tôi đã từng kể ở hang Én cũng có rất nhiều ở đây. Tuy nhiên, tất cả đều rất mỏng manh. Chỉ cần một chút thiếu ý thức, cẩu thả là những tuyệt tác ấy sẽ bị vỡ, đổ. Vì vậy chúng tôi chỉ dám đứng cách đấy 1m và chụp ảnh. Không ai dám đi mạnh và tuyệt đối không chạm vào những cấu trúc lạ kỳ ấy.

Rồi chúng tôi gặp một cây thạch nhũ khổng lồ. Sebastian và Alfred leo lên vách đá trên bãi cát để rọi đèn vào khối thạch nhũ bên kia.

Trong khi đấy, Martin cùng những cộng sự còn lại đã đi sang phía bên kia của khối thạch nhũ, nơi nổi tiếng với tấm ảnh của khối thạch nhũ khác cao sừng sững giữa động Sơn Đoòng mang tên Bàn Tay Chó (Hands of Dog).

Bình thường trong hang động rất tối, với ánh sáng ban ngày cũng chỉ có thể nhìn được đường nét chung của khối thạch nhũ này, không cách nào thấy được các chi tiết. Nhưng dưới ánh sáng của ba cây đèn tương đương 180 bóng compact 11W, hầu như mọi chi tiết trong động hiện ra mồn một.

Công việc chụp ảnh 360 trong động không dễ. Để chọn được một điểm chụp khá khó, cộng thêm địa hình khó di chuyển, nên bức ảnh 360 mất cả tiếng đồng hồ để thực hiện.

”Coi chừng khủng long” và “Bức tường Việt Nam”

Chúng tôi có hơn một ngày hai đêm trong động Sơn Đoòng để khám phá, nhưng thời gian vẫn như không đủ. Đêm nào chúng tôi cũng ngồi xem nhóm của NatGeo làm việc đến hơn 12g.

Cứ ngày chụp ảnh càng nhiều thì đêm lại càng vất vả để kiểm tra lại hình ảnh, nếu chưa đạt thì hôm sau phải làm lại.

Ví dụ như ở đoạn sông Rào Thương thứ hai trong hang, Martin đã phải quay lại chụp lần hai vì lần một chưa đạt, xem như phí công nhóm “người mẫu” đứng ngâm dưới nước lạnh.

Có hai vị trí mà nhóm NatGeo hết sức thích thú, đó là “Coi chừng khủng long” và “Bức tường Việt Nam”.

“Coi chừng khủng long” là nơi có một ngọn đồi xanh mướt - một vị trí để chụp ảnh mà bất cứ ai vào Sơn Đoòng cũng thích thú. Ở đây có đủ ánh sáng và nước, hai yếu tố quan trọng nhất tạo nên điều kiện hoàn hảo cho sự sống sinh sôi nảy nở. Thảm thực vật mọc lên mơn mởn. Khung cảnh hoang sơ chưa hề bị bàn tay con người can thiệp.

Tên gọi “Coi chừng khủng long” (“Watch out for dinosaurs!”) xuất xứ từ chuyến thám hiểm đầu tiên. Khi ấy, Jonathan Sims, thành viên của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh, thấy phong cảnh tại đây (nằm ở hố sụt thứ nhất) lập tức liên tưởng đến khung cảnh được diễn tả trong cuốn tiểu thuyết năm 1912 của nhà văn Conan Doyle mang tên Thế giới đã mất (The lost world) - một thế giới tưởng tượng mà ở đấy các loài vật tiền sử vẫn còn sinh sống.

Vì vậy, khi thấy một người bạn trong đoàn đang tiến vào đây để khám phá, Jonathan buột miệng nói: “Coi chừng khủng long đấy!”. Cái tên “Coi chừng khủng long!” cũng từ đấy mà ra đời.

Còn “Bức tường Việt Nam” là điểm cuối cùng của hang Sơn Đoòng và đây cũng là nơi nhóm NatGeo thực hiện tấm ảnh 360 cuối cùng trong Sơn Đoòng. Để tới gần được “Bức tường Việt Nam”, chỉ có thể dùng “thuyền” để đi sâu vào bên trong hang.

Gọi là thuyền cho sang chứ thật sự là hai vỏ xe hơi được nẹp bởi bốn thanh tre. Khi nhóm đi thuyền mang đèn đến gần và bật sáng thì “Bức tường Việt Nam” hiện lên với chiều cao khoảng 60m. Bức tường hùng vĩ như được chạm khắc tinh xảo bởi những khối thạch nhũ, và lại càng đẹp hơn khi nằm trên mặt nước xanh biếc.

Martin nhờ Deb, Bamboo và tôi đứng yên nhìn bức tường đá suốt 15 phút làm người mẫu. 15 phút ấy, tuy đứng yên một chỗ không làm gì, nhưng không phải là 15 phút bỏ phí vì rồi đây tấm lưng chúng tôi sẽ xuất hiện trên SonDoong 360 đăng tải lên NatGeo có hàng chục triệu độc giả!

Rời khỏi đây, tôi và Martin hỏi Howard tỉ mỉ về xuất xứ cái tên “Bức tường Việt Nam”. Nhà thám hiểm hang động cho biết “Bức tường Việt Nam” là được dịch từ “Great wall of Vietnam”.

Trong tiếng Anh, “Great wall of China” là cụm từ chỉ Vạn lý trường thành. Khi lần đầu chinh phục bức tường đá kỳ vĩ trong hang Sơn Đoòng này, một thành viên trong đoàn đã thốt lên “Great wall of Vietnam”.

Nếu Vạn lý trường thành là tuyệt tác do con người tạo nên thì bức tường đá bằng thạch nhũ này là sản phẩm của thiên nhiên, mà Howard bảo chưa hề thấy ở bất cứ hang động nào trên thế giới. Vậy nên nó xứng đáng được gọi là “Bức tường Việt Nam”.

Xử lý chất thải

Nhiều người đã hỏi tôi rằng ở trong Sơn Đoòng hai đêm như thế thì chuyện xả thải của mọi người như thế nào?

Đây là một câu hỏi thú vị liên quan đến vấn đề môi trường. Ở nước ngoài, khi tôi đi du lịch thám hiểm trong rừng thì mỗi người mang theo một cái bay để tự đào lỗ chôn chất thải của mình. Nhưng ở đây là trong động thì không thể làm như vậy. Làm thế nào?

Sau những tảng đá cách khá xa nơi cắm trại, cách xa nguồn nước là những nhà vệ sinh. Nó được che chắn bằng những tấm bạt. Bên trong mỗi nhà vệ sinh là một chiếc xô đặt dưới khung sắt với một bàn cầu nằm lên trên.

Sau một lần xả thải là rải một lớp vỏ trấu khô. Đây là phương pháp được sử dụng ở nhiều công viên quốc gia trên thế giới nhằm bảo vệ môi trường, khi trấu sẽ khử mùi hôi và giúp chất thải mau hoai, và sau đó thành một thứ phân bón rất tốt cho cây cối.

______________

Gần nửa đêm, Luke chat với tôi: Ngày mai có một đoàn của Hollywood đến Phong Nha để khảo sát, chuẩn bị cho một bộ phim truyện hoành tráng...

Kỳ tới: “Say nắng” Sơn Đoòng...

HUY TƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên