19/11/2015 13:14 GMT+7

Những bóng hồng phía sau hải đồ

HỒ TẤN VŨ - 
ĐẶNG TIẾN LONG
HỒ TẤN VŨ - 
ĐẶNG TIẾN LONG

TT - Phòng biên tập bản đồ nằm trên tầng 3 của khu nhà lớn nhất thuộc Đoàn đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển (Đoàn 6 Hải quân, TP Hải Phòng) xình xịch tiếng máy quạt trần.

Đại úy Lê Thị Minh Thủy - Ảnh: Tiến Long
Đại úy Lê Thị Minh Thủy - Ảnh: Tiến Long

Ba dãy bàn dài máy vi tính bố trí dọc chiều dài của căn phòng với hàng chục nữ quân nhân trong màu áo trắng tinh tươm của hải quân đang dán mắt vào màn hình làm nhiệm vụ.

Phía trên cùng của dãy phòng là chiếc bàn lớn, nơi những tấm bản đồ biển vừa biên tập xong được in ra để các tổ biên tập kiểm tra chéo cho nhau.

Không được quyền sai sót

Đại úy Hà Văn Vinh, đội trưởng đội bản đồ số 2, cười nói: “Nếu anh vào sớm vài ngày đúng 20-10 thì phải tốn nhiều hoa lắm đấy vì ở đây toàn là nữ quân nhân trẻ trung hết”. Anh Vinh cho biết đội số 2 của anh có 32 người nhưng đến 28 người là nữ. Tuổi đời bình quân 24 - 35.

Khác với nghề biên tập sách báo, biên tập bản đồ đòi hỏi nhiều kỹ năng khác, nhưng một kỹ năng vô cùng quan trọng ở cái nghề độc đáo này là tính tỉ mỉ, thận trọng và tập trung cao độ.

Anh Vinh kể rằng qua nhiều năm làm biên tập bản đồ, sở dĩ đơn vị chọn những nữ quân nhân, phần lớn là kỹ sư trắc địa và bản đồ, để làm việc này vì ở họ có sự tập trung cần thiết cho công việc.

Ngoài ra, công việc lập bản đồ ở đơn vị hầu như không được quyền sai sót bởi Việt Nam vừa chính thức gia nhập Hiệp hội Thủy đạt quốc tế năm 2015, nên bản đồ của Việt Nam cũng được các tổ chức quốc tế tin tưởng và sử dụng chung.

“Chúng ta phải đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn hiện hành của tổ chức thủy đạc quốc tế nên việc đó cũng là danh dự và là một thách thức lớn cho đoàn” - đại úy Vinh nói.

Đại úy Lê Thị Minh Thủy, 27 tuổi, kỹ sư trắc địa và bản đồ, đang dán mắt vào màn hình để loay hoay tìm dấu tích của một con tàu đắm trên vùng biển Vũng Tàu.

Chị lục tìm các tài liệu cũ của các nước có ngành hàng hải lâu đời và công nghệ hàng hải phát triển để đối chiếu và xác đinh tọa độ một cách chính xác. Bởi trong lòng đại dương có những vật thể chìm nổi có tuổi đời hàng trăm năm mà không phải ai cũng biết.

Những đường đi của các đường ống dẫn dầu, các đường cáp ngầm, điện ngầm chằng chịt trên biển đều được thể hiện một cách chi tiết. Những vùng biển có điện từ bị lệch, có thể tác động đến độ lệch của việc định hướng các la bàn trên tàu đều được chị khoanh vùng một cách tỉ mẩn.

Ngoài các xác tàu đắm, các cọc, công trình, yếu tố hải dương, vận tốc âm, tính lý hóa của nước biển, nhiệt độ, áp suất đều phải thể hiện chính xác và đúng...

Chị Thủy cho biết khó khăn nhất của người biên tập bản đồ là sử dụng các nguồn tài liệu, dữ liệu nào cần dùng, tin tưởng và dữ liệu nào không và thể hiện chúng lên trên một bản đồ. Và dữ liệu để cập nhật lên bản đồ mỗi năm một khác nhau nên luôn phải cập nhật cái mới nhất.

Người biên tập bản đồ phải đọc các tài liệu chuyên ngành từ Anh, Mỹ, Nga nên đòi hỏi phải biết sâu ngoại ngữ chuyên ngành.

“Chúng tôi không được quyền sai sót, bởi người đi biển không biết đường sá, họ hoàn toàn phụ thuộc vào những hải đồ này, nếu sai họ lập tức gặp nguy hiểm như đi vào vùng biển cạn, vùng xoáy hoặc vùng có chất nổ...” - chị Thủy tâm sự.

Đại úy Đỗ Văn An, đội phó đội bản đồ số 2, cho biết những nữ quân nhân ở đây luôn làm việc trong trạng thái căng thẳng theo từng yêu cầu nhiệm vụ.

Có những nhiệm vụ cấp bách đòi hỏi các bản đồ ra đời nhanh chóng để phục vụ công tác an ninh quốc phòng, đội bản đồ phải làm việc theo ca và làm xuyên đêm để kịp cho ra sản phẩm.

“Chính vì sức ép công việc nặng, đòi hỏi tập trung, yêu cầu ngoại ngữ cao nên những người trẻ là một lợi thế” - đại ý An nói.

Sau khi những tấm bản đồ được biên tập cẩn trọng, các tổ kiểm tra chéo lẫn nhau, cấp đội bắt đầu kiểm tra và chuyển lên cấp đoàn. Cấp đoàn kiểm tra xong, bản đồ được chuyển lên phòng bảo đảm hàng hải của quân chủng hải quân kiểm tra lại, trước khi chuyển lên Đà Lạt để in ấn và xuất bản.

Mới đây nhất đoàn đã hoàn thành, biên tập mới và in nhiều loại hải đồ của nhiều khu vực biển ở nước ta với các tỉ lệ khác nhau.

Mỗi tấm bản đồ mang một ý nghĩa hết sức quan trọng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, phát triển kinh tế và nghiên cứu khoa học. Đoàn cũng đã hoàn tất sơ đồ báo bão xuất bản 8.000 tờ và tái xuất bản 147.000 tờ hiện nay đang phát cho các ngư dân trên biển để biết và phòng tránh thiên tai.

Tổ biên tập của Đoàn 6 kiểm tra chéo bản đồ trước khi đưa đi in thành phẩm Ảnh: Tiến Long
Tổ biên tập của Đoàn 6 kiểm tra chéo bản đồ trước khi đưa đi in thành phẩm - Ảnh: Tiến Long

Nơi ấy là Trường Sa

Thượng tá Đặng Ngọc Minh, chủ nhiệm chính trị của Đoàn 6 Hải quân, kéo chúng tôi ra bên ngoài phòng vẽ bản đồ nói: “Các em phải về thăm nhà của đại úy Thủy. Thắp cho ba mẹ Thủy một nén nhang!”.

Thượng tá Minh cho biết ba của đại úy Thủy là liệt sĩ Lê Đình Thơ, một trong số những liệt sĩ đã nằm xuống dưới làn đạn hung bạo của Trung Quốc tại Trường Sa ngày 14-3-1988.

Đau buồn trước cái chết của chồng, mẹ của Thủy làm cùng đơn vị đo đạc bản đồ với bố, đã qua đời tám tháng sau đó. Mồ côi cả cha lẫn mẹ, Thủy được ngoại mang về Hà Tây nuôi đến năm 4 tuổi thì vào ở với nội tại Hải Phòng.

Thượng tá Minh tâm sự: “Đơn vị đã tận tâm giúp đỡ gia đình đồng đội cũ bằng cách động viên, hỗ trợ cháu Thủy ăn học. Đến năm học xong lớp 12 thì đơn vị nhận nuôi và cho đi học tiếp. Thủy cũng đã tự rèn luyện và đậu vào Đại học Mỏ - địa chất Hà Nội theo đúng chuyên ngành của bố ngày xưa”.

Ra trường Thủy được nhận về đơn vị cũ của bố mẹ để công tác và chồng Thủy cũng là người cùng cơ quan.

Thắp nén nhang trên bàn thờ của bố mẹ, Thủy tâm sự rằng mình rất may mắn khi có những cô, chú là đồng đội cũ của bố, mẹ hết lòng giúp sức. Tuổi thơ nhọc nhằn cùng nội, ngoại cũng qua.

Ký ức về cha mẹ không có, nhưng những năm học cấp III Thủy được một người bạn gái cũ của mẹ mang về nhà gần Đoàn 6 để nuôi ăn học.

“Gia đình cô ấy cũng tương tự gia cảnh nhà em, chồng cô ấy là đồng đội của bố em và hi sinh sau bố em mất đúng 10 năm, vào năm 1999 trong một lần đi đo biển. Những năm tháng đó em thật sự biết thế nào là một gia đình, vòng tay của mẹ, điều mà bà nội hay ngoại già yếu không làm được” - Thủy nói khẽ.

Lau ánh mắt nhòe nước, Thủy tâm tư rằng: “Ở đơn vị của bố mẹ, ai cũng thương em như con. Chính vì lẽ đó nên em phải vượt lên cho xứng với niềm tin của các cô chú và sự hi sinh của bố.

Không ra được thực địa để đo con nước, tấc đất của đảo nhưng mỗi lần nghĩ đến bố em lại bật to màn hình bản đồ để ngắm Trường Sa. Em hứa với bố rằng sẽ làm tất cả những di nguyện mà bố vẫn ước ao đến ngày nằm xuống...”.

Thượng tá Trương Văn Nguyên, trợ lý bản đồ của Phòng bảo đảm hàng hải của Quân chủng Hải quân, cho rằng mặc dù chúng ta đã gia nhập Tổ chức Thủy đạc quốc tế nhưng ngành bản đồ chuyên đề để phục vụ cho nhiều mục tiêu quan trọng vẫn còn nhiều thách thức.

Dữ liệu trước đây của bản đồ biển Việt Nam thường là của các nước khác khảo sát, nắm giữ. Dù chúng ta có rất nhiều công nghệ mới cho việc đo vẽ bản đồ nhưng đòi hỏi thời gian dài để thu thập xử lý.

Bản đồ thủy âm cho tàu ngầm, rađa, thủy lôi, dòng chảy, gió... đòi hỏi phải liên tục tăng cường, cập nhật.

...............

Các kỳ trước

>> kỳ 1: Ra khơi quét biển

>> kỳ 2: Thả “cá mập” điện tử... 

>> kỳ 3: Một ngày dò biển bằng xuồng 

>> kỳ 4: 10 ngày tìm kiếm hai máy bay Su-22 gặp nạn trên biển 

>> kỳ 5: Những tấm bản đồ thấm đẫm máu xương 

HỒ TẤN VŨ - 
ĐẶNG TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên