30/08/2019 08:43 GMT+7

Những 'bài toán' chờ ngành giáo dục giải trong năm học mới

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG

TTO - Lễ khai giảng hình thức, bệnh thành tích, bạo lực học đường, tràn lan đào tạo thạc sĩ... những 'bài toán' này liệu có được giải sớm trong năm học mới?

Những bài toán chờ ngành giáo dục giải trong năm học mới - Ảnh 1.

Học sinh Trường tiểu học Phú Thọ Q.11, TP.HCM trong ngày tập trung cho năm học mới 2019-2020 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Trong năm học vừa qua, trang Giáo dục của báo Tuổi Trẻ đã có nhiều thông tin phản ánh những bất cập đã diễn ra của giáo dục nước nhà. Điểm lại những phản ánh này trước thềm năm học mới, có thể xem là những "bài toán" mà ngành giáo dục cần có lời giải càng sớm càng tốt.

Từ chuyện tưởng chỉ "nho nhỏ" mấy ngày gần đây - chuyện tổ chức ngày khai giảng. Chuyện cũ, ai cũng biết, tồn tại nhiều năm học qua - hình thức, đối phó, học sinh nhàm chán, học nhiều ngày rồi lúc khai giảng lại... đánh trống khai trường. Để có lễ khai giảng mang đến vị ngọt cho thầy trò, có cần ai hướng dẫn thực hiện?

Chuyện Trường ĐH Đông Đô đào tạo văn bằng 2, trớ trêu thay, là học thật, bằng thật nhưng tổ chức dạy học... chui!

Chuyện đào tạo tràn lan thạc sĩ, mới ngay đây, tôi biết có trường ĐH ở miền Trung liên kết với một cơ sở giáo dục tại địa phương tôi để đào tạo thạc sĩ. Ôn thi đầu vào có 1, 2 buổi, người học đóng học phí, liền sau đó là thi đầu vào, tất cả đều đậu, có người đạt điểm cao.

Rồi loạn tổ chức dạy, cấp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ... Tất cả do đâu, vì ai, ai chịu trách nhiệm?

Tình trạng lạm thu, dạy thêm, học thêm bát nháo gây nhức nhối trong ngành giáo dục, xói mòn niềm tin của phụ huynh, học sinh nhiều năm qua. Làm sao để chấn chỉnh, trách nhiệm thuộc về ai?

Việc bồi dưỡng cho giáo viên là một việc hệ trọng, cấp thiết trước mắt và mang tầm chiến lược. Ở ta, qua bao đợt bồi dưỡng, thay sách giáo khoa, cải cách - nhà giáo thực tế thay đổi đến đâu?

Năng lực, trách nhiệm, phẩm cách người thầy ngoài việc đo bằng giấy chứng nhận, chứng chỉ (vốn được cấp vội vã, đối phó) thì làm sao những giáo viên đứng lớp tự học, thấy cần thiết phải học, trong môi trường làm việc bắt buộc phải học để họ đứng vững trên bục giảng? Ai chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện?

Đời sống nhà giáo, được nói nhiều từ những người có trách nhiệm, thực tế cải thiện đến đâu? Ngân sách cho giáo dục, cơ chế để nhà trường tự chủ, ai chịu trách nhiệm? Có thể nói, quyết sách giáo dục chậm một năm, việc dạy người chậm... một trăm năm!

Bạo lực học đường đang là vấn nạn, để chấn chỉnh đi đến triệt tiêu, giáo dục bắt đầu từ kỷ cương, thông tư 08 về khen thưởng, kỷ luật học sinh là căn cứ quan trọng, nhưng thông tư này được ban hành cách đây... 31 năm!

Những bất cập trong hệ thống trường chuyên, bệnh thành tích trong học đường, xem nhẹ việc dạy người; những dự án (của ngành) ngốn kinh phí khủng trong khi trang thiết bị giúp học sinh vui, khỏe, tự tin, khởi nghiệp lại vô cùng thiếu thốn ở nhiều trường học. Trách nhiệm này của ai?

Những câu hỏi trên, tương tự có các câu trả lời ở các ví dụ khác. Ví dụ, kỳ thi THPT quốc gia 2019 vừa qua, khi nhà quản lý nghiêm túc vào cuộc, quyết liệt trong tổ chức thực hiện, kiểm tra - nhờ vậy kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, hiệu quả. Việc đưa ra các tiêu chí chặt chẽ, phù hợp, hội nhập, số ứng viên giáo sư, phó giáo sư năm nay đã giảm mạnh...

Từ đó dễ dàng nhận thấy, khi đầu tàu giáo dục thay đổi tích cực, con tàu giáo dục sẽ chuyển động nhanh, an toàn, đúng hướng.

Đổi mới giáo dục là một hành trình, trước hết hãy khôi phục những giá trị đã có nhưng bị đánh mất. Nhà quản lý giáo dục làm được không?

Chuẩn bị gì cho lớp 1 theo chương trình giáo dục mới? Chuẩn bị gì cho lớp 1 theo chương trình giáo dục mới?

TTO - Năm học 2019-2020 sẽ là năm cuối cùng trước khi chuyển sang thực hiện chương trình giáo dục mới, khởi đầu từ lớp 1. Khoảng thời gian được xem như 'bản lề' chuyển giao giữa hai giai đoạn sẽ có những gì phải chuẩn bị?

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên