18/07/2019 10:00 GMT+7

TP.HCM: đổi mới giáo dục cho kết quả tốt

HOÀNG HƯƠNG  thực hiện
HOÀNG HƯƠNG thực hiện

TTO - Kỳ thi THPT quốc gia 2019 vừa công bố kết quả cho thấy TP.HCM đã có phổ điểm “rất đẹp”, trong đó có môn tiếng Anh đứng đầu cả nước.

TP.HCM: đổi mới giáo dục cho kết quả tốt - Ảnh 1.

Học sinh Trường THCS Kim Đồng (Q.5, TP.HCM) trong tiểu phẩm “Trao yêu thương” với chủ đề San sẻ yêu thương của môn giáo dục công dân - Ảnh: NHƯ HÙNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Hồng Sơn, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết từ dữ liệu điểm thi của Bộ GD-ĐT đã công bố cho thấy học sinh thành phố có điểm trung bình các môn thi xếp thứ 5 cả nước.

Với môn tiếng Anh, thành phố có kết quả cao nhất cả nước với điểm trung bình 5,78; môn toán xếp thứ 2; môn ngữ văn xếp thứ 6. Với kết quả trên, có thể nói rằng việc đổi mới trong giáo dục tại thành phố là đúng hướng.

“Những đổi mới ở thành phố khá phù hợp với đề thi THPT quốc gia, cũng có nhiều đổi mới theo hướng tích cực nên phổ điểm của học sinh TP.HCM khá cao.

Ông Lê Hồng Sơn

* Cụ thể, việc đổi mới này như thế nào, thưa ông?

- Quá trình đổi mới giáo dục của thành phố có sự kết hợp của ba thành tố:

Đổi mới phương pháp dạy và học: chuyển từ giảng dạy theo phương pháp từ chương sang giảng dạy theo hướng phát triển năng lực của học sinh; giáo viên đóng vai trò là người gợi mở, định hướng; cho học sinh tự học, tự nghiên cứu, khám phá vấn đề và biết cách vận dụng những kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống.

Đổi mới công tác quản lý giáo dục: Sở GD-ĐT thành phố đã tạo điều kiện tối đa để các phòng GD-ĐT, các trường thể hiện sự chủ động của mình trong việc xây dựng kế hoạch dạy học, không phụ thuộc vào việc phân phối chương trình và thời lượng dạy học của các bộ môn như trước; chủ động xây dựng các chủ đề tích hợp, liên môn; các hoạt động trải nghiệm cũng được đưa vào chương trình chính khóa; triển khai các giải pháp nhằm giảm tải chương trình, khắc phục tình trạng quá tải, nặng về lý thuyết - nhẹ về thực hành...

Đổi mới kiểm tra - đánh giá học sinh: đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, đạo đức theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của người học, chuyển trọng tâm đánh giá nội dung học tập sang đánh giá phẩm chất và năng lực người học. 

Việc đánh giá học sinh không chỉ phụ thuộc vào điểm số mà còn dựa vào thái độ học tập, quá trình tham gia học tập của học sinh.

TP.HCM: đổi mới giáo dục cho kết quả tốt - Ảnh 3.

Thí sinh tại TP.HCM vui vẻ sau giờ thi môn tiếng Anh, kỳ thi THPT quốc gia 2019 tại điểm thi Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5, TP.HCM) - Ảnh: NHƯ HÙNG

* Thưa ông, phổ điểm môn tiếng Anh kỳ thi THPT quốc gia năm nay rất thấp. Tuy nhiên, điểm của học sinh thành phố lại cao nhất, ngành GD-ĐT thành phố đã làm gì để có kết quả này?

- Bộ GD-ĐT chỉ đạo và triển khai dạy tiếng Anh cho học sinh từ lớp 3. Tuy nhiên, ở TP.HCM, chúng tôi đã xin phép Bộ GD-ĐT để thực hiện chương trình tiếng Anh tăng cường từ 20 năm nay. Đó là học sinh được học tiếng Anh trong trường công lập ngay từ lớp 1 với thời lượng 8 tiết/tuần. Đến nay, thành phố đã có 94,5% học sinh lớp 1 được học tiếng Anh ngay trong trường tiểu học. 

Không những thế, các em còn được lựa chọn một trong nhiều chương trình học khác nhau như chương trình tiếng Anh tăng cường, chương trình tiếng Anh đề án, chương trình giảng dạy toán và khoa học bằng tiếng Anh (còn gọi là tiếng Anh tích hợp)... 

Học sinh thành phố còn được học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ và những phần mềm hỗ trợ học ngôn ngữ.

Cái khó nhất của chúng tôi hiện nay chính là thiếu giáo viên tiếng Anh cũng như cơ chế để "giữ chân" giáo viên giỏi. Sở GD-ĐT đã có đề xuất với UBND thành phố và Bộ GD-ĐT cho phép "thu đủ bù chi" để trả lương cho giáo viên "tiếng Anh tăng cường" và sửa đổi quy định áp dụng 23 tiết/tuần như quy định hiện nay.

* Với kết quả như năm nay, liệu TP.HCM có tự tin để đề xuất tự tổ chức thi tốt nghiệp THPT?

- Nếu theo dõi kết quả tốt nghiệp THPT của học sinh TP.HCM trong 10 năm trở lại đây sẽ thấy tỉ lệ tốt nghiệp rất ổn định - dù phương thức thi cử, kỷ luật phòng thi, chấm thi có nhiều thay đổi. Điều này khẳng định chất lượng giáo dục tại TP.HCM ổn định. Thành phố cũng có đủ năng lực và điều kiện để tổ chức kiểm tra - đánh giá học sinh theo chủ trương đổi mới. 

Tuy nhiên, cơ chế hiện nay là học sinh cả nước vẫn thi một kỳ thi chung do Bộ GD-ĐT tổ chức.

* Năm học 2019-2020 được xem là năm "tiền đề" chuẩn bị cho công cuộc đổi mới chương trình - sách giáo khoa (SGK) phổ thông, TP.HCM đã chuẩn bị gì, thưa ông?

- Ngành GD-ĐT thành phố đang nỗ lực từng ngày để cải tạo cơ sở vật chất, trang bị đồ dùng dạy học hiện đại, tăng số học sinh được học 2 buổi/ngày trong trường... Bên cạnh đó là việc giáo dục học sinh tập trung vào 2 nhóm năng lực: nhóm năng lực thuộc về phẩm chất - đạo đức (như kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng phản biện...); nhóm năng lực chuyên môn (toán, ngoại ngữ, tin học...).

Điểm nhấn là ngoài việc tăng cường và tập trung vào việc giáo dục STEM cho học sinh thì năm học 2019-2020 thành phố sẽ thí điểm giảng dạy về trí tuệ nhân tạo cho học sinh trong trường công lập. Đây là những hoạt động để đáp ứng yêu cầu của thời đại công nghiệp 4.0.

TP.HCM: đổi mới giáo dục cho kết quả tốt - Ảnh 4.

Học sinh Trường THPT Ernst Thalmann (Q.1, TP.HCM) trải nghiệm các hoạt động trong ngày hội cho các CLB của trường - Ảnh: NHƯ HÙNG

* Dư luận đang rất quan tâm đến bộ SGK mới của TP.HCM...

- Xin nói rõ đây không phải bộ SGK riêng của TP.HCM mà là Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp với NXB Giáo Dục VN tổ chức biên soạn một bộ SGK theo chương trình khung mà Bộ GD-ĐT đã ban hành. Chúng tôi cố gắng biên soạn sao cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của học sinh thành phố.

Sở GD-ĐT thành phố đóng vai trò tập hợp các chuyên gia, giáo viên giỏi để tham gia viết sách. Sở cũng đóng vai trò chủ trì về nội dung, hình thức của bộ sách. Đội ngũ cán bộ - giáo viên sau khi được tập huấn với các chuyên gia nước ngoài thì tiến hành biên soạn sách. 

Bộ SGK lớp 1 đã đưa vào dạy thử và chỉnh sửa theo những góp ý của nhà trường tiểu học. Hiện bộ SGK lớp 1 này đã được gửi ra Bộ GD-ĐT để thẩm định. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục gửi những bộ SGK các cấp lớp cao hơn cho Bộ GD-ĐT thẩm định.

Bỏ việc xếp hạng học sinh trong trường phổ thông

Thật ra, từ trước tới nay trong các văn bản chỉ đạo chuyên môn, Sở GD-ĐT thành phố không hề chỉ đạo các nhà trường phổ thông thực hiện việc xếp hạng học sinh.

Tuy nhiên, nhiều trường THCS, THPT đã làm việc này nhằm mục đích vinh danh những em học sinh giỏi, tiêu biểu, nỗ lực trong học tập. Cách làm này gây phiền lòng đến những phụ huynh, học sinh có thứ hạng không cao.

Năm học tới, Sở GD-ĐT sẽ chỉ đạo các trường bỏ việc xếp hạng học sinh trong lớp, trong trường. Nếu muốn vinh danh, động viên và tạo động lực thi đua học tập cho các em thì căn cứ vào kết quả rèn luyện, thể hiện năng lực, kiến thức, kỹ năng..., không chỉ căn cứ điểm số để xếp hạng. Tuyên dương theo từng chuyên đề được đánh giá... Ông Lê Hồng Sơn

‘Nhiều giảng viên mượn danh đổi mới giảng dạy nhưng thật ra chẳng làm gì’ ‘Nhiều giảng viên mượn danh đổi mới giảng dạy nhưng thật ra chẳng làm gì’

TTO - Nhiều giảng viên vào lớp chỉ cho sinh viên tự nghiên cứu tài liệu theo các câu hỏi có sẵn, đến cuối giờ thì gọi một số bạn trình bày. Lại có giảng viên sẵn sàng dành hẳn 30 phút cho sinh viên… xem phim.

HOÀNG HƯƠNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên