26/07/2019 18:00 GMT+7

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Giáo dục đạo đức chưa chạm đến trái tim

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Chiều 26-7, phiên họp của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục - đào tạo và Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì tập trung thảo luận về chủ đề giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh phổ thông.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Giáo dục đạo đức chưa chạm đến trái tim - Ảnh 1.

GS Nguyễn Minh Thuyết phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: THÚY NGA

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo những nội dung đã được Bộ GD-ĐT chỉ đạo rốt ráo trong thời gian qua, như đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống qua các môn học, hoạt động trải nghiệm, các phong trào của Đoàn, Đội, xây dựng môi trường sư phạm an toàn, lành mạnh…

Suy thoái đạo đức, lối sống có dấu hiệu gia tăng

Tuy nhiên, theo ông Nhạ, vẫn còn những hạn chế trong việc giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh phổ thông cần phải khắc phục.

"Nội dung giáo dục đạo đức chưa sâu, chưa tạo được nhiều xúc cảm thực sự chạm đến trái tim làm thay đổi thái độ người học, chưa chú trọng giáo dục thói quen, hành vi đạo đức, còn nặng về kiến thức hàn lâm.

Nhiều bài học khô khan, chưa gắn với đời sống tuổi trẻ. Nhiều nội dung còn khó, không phù hợp với độ tuổi của học sinh phổ thông, chưa sát với đối tượng, gây áp lực cho người dạy, người học.

Kiến thức lồng ghép trong chương trình các môn học còn ôm đồm, thiếu tính hệ thống và mới chỉ là kết hợp, chưa phải tích hợp kiến thức các môn học như giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật, giáo dục giới tính…" - lãnh đạo Bộ GD-ĐT xác nhận.

Ông Nhạ thừa nhận tình trạng bạo lực học đường vẫn diễn ra ở một số địa phương, gây bức xúc, lo lắng cho xã hội. Một bộ phận học sinh có lối sống lệch lạc, thiếu trung thực, vi phạm pháp luật, tham gia tệ nạn xã hội.

Trao đổi trước phần thảo luận, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng dù đã có những giải pháp khắc phục nhưng phải thừa nhận tình trạng suy thoái đạo đức lối sống trong xã hội có dấu hiệu gia tăng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc này nhưng không thể phủ nhận lỗi chủ quan từ phía cơ quan quản lý giáo dục. Ông Vũ Đức Đam đề nghị trong phiên họp cần bàn nhưng giải pháp thiết thực, cụ thể để ngành GD-ĐT triển khai ngay trong năm học mới.

“Chúng ta đều thống nhất việc cần phải làm sao để trường ra trường lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò. Nhưng tôi rất muốn thảo luận kỹ hơn. “Trường ra trường” có phải là chỉ cần trường, lớp đẹp, có khuôn viên, sân chơi hay cần một thiết chế, cách quản lý, môi trường sư phạm tốt hơn? Tương tự, thế nào là “thầy ra thầy”? Thầy chỉ cần dạy tốt, hay phải tự học, phải thay đổi bản thân?”

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

GS Nguyễn Minh Thuyết - tổng chủ biên chương trình giáo phổ thông mới - cho rằng việc giáo đạo đức, lối sống không phải chỉ có trong môn đạo đức mà cần tích hợp trong tất cả các môn học, hoạt động giáo dục trong nhà trường.

Theo đó, cùng với các nội dung giáo dục, nhà trường cần có chế tài nghiêm khắc với giáo viên, học sinh có hành vi vi phạm đạo đức lối sống, tăng các giải pháp kết hợp giáo dục gia đình với nhà trường vì sẽ "khó giáo dục trẻ khi người lớn không làm gương, người lớn vẫn làm sai trước mặt con trẻ".

Khó lan tỏa vì... chưa gắn với thi cử

TS Lê Đông Phương - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam - nêu vấn đề: Giới trẻ sớm nhiễm những hệ giá trị bên ngoài Việt Nam quá sớm, trong khi chưa được giáo dục một nền tảng giá trị cần thiết.

Ví như sách ngôn tình hiện nay chiếm đến một nửa số sách bán trên thị trường, trong khi sách giáo dục lối sống lành mạnh ít. Trên các trang mạng xã hội, những thông tin khích lệ sự hưởng thụ vật chất, những hành vi lệch chuẩn nhiều mà không được ngăn chặn

Các chuyên gia đề cập nhiều khía cạnh khác nhau nhưng đều thống nhất: bên cạnh các giải pháp cụ thể, cần làm ngay và gần gũi với học sinh thì không thể không xem xét những giải pháp mang tính hệ thống.

Nói về "thầy ra thầy", các ý kiến cho rằng cần có chuyển biến từ các trường sư phạm để không chỉ chăm chú vào việc đào tạo chuyên môn mà phải trang bị cho các sinh viên sư phạm năng lực, kỹ năng để trở thành các nhà giáo dục.

Còn bà Nguyễn Thị Nhiếp - hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), thành viên tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia Đổi mới GD-ĐT - cho rằng hiện đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhưng chưa đi vào thực tiễn, do nhiều người chưa nhận thức hết việc giáo dục đạo đức, lối sống là nền tảng của tất cả các nội dung giáo dục trong nhà trường.

Hơn nữa, việc giáo dục đạo đức, lối sống rất khó lan tỏa khi việc này không gắn với việc thi cử, nên không tìm được sự đồng thuận cao của thầy, cô giáo, cha mẹ học sinh.

"Việc giáo dục đạo đức, lối sống thiếu động lực từ chính tâm thế của giáo viên do cơ chế, chính sách có những bất cập. Chúng ta chưa có kế hoạch, bài bản nên việc giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh mạnh ai nấy làm", bà Nhiếp chia sẻ.

Thầy cô các môn đi học Thầy cô các môn đi học 'dạy' đạo đức

TTO - Rất nhiều giáo viên từ TP.HCM và các tỉnh lân cận đã tìm đến lớp học mang tên "Suối nguồn" để học, phổ cập thêm kiến thức.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên