Theo nhạc sĩ Đức Trịnh thì 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp và kết thúc là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, không chỉ ý nghĩa với đất nước ta mà còn mang ý nghĩa quốc tế.
Một chiến thắng lừng lẫy toàn cầu và được xem là mốc son của dân tộc Việt Nam.
Rất nhiều ý kiến, tham luận trong hội thảo khoa học toàn quốc chủ đề Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng do Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật trung ương phối hợp với Thành ủy TP.HCM tổ chức đã xoay quanh những khúc tráng ca Điện Biên Phủ không thể quên.
CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN (1954) - Đồng ca Đài Tiếng nói Việt Nam
Những tượng đài ca khúc về Điện Biên Phủ
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trôi qua 70 năm, nhưng sự kiện chấn động địa cầu này vẫn còn âm vang mãi.
Trong các tác phẩm thơ ca, nhạc họa ra đời thời điểm ấy đều ít nhiều mang tính tư liệu quý giá và lưu truyền cho thế hệ sau về một thời không thể quên.
Trong thời điểm này, nhiều nhạc sĩ đã ra tiền tuyến, sáng tác tại mặt trận, tạo nên những ca khúc bất hủ, góp phần cổ vũ tinh thần quân dân ta.
Nhạc sĩ Đức Trịnh nhấn mạnh: "Lúc đó âm nhạc không phải là để vui chơi, mà là một "vũ khí", là động lực tạo nên sức mạnh to lớn…".
Nhạc sĩ Kiều Dư cho rằng nếu như bài Cùng nhau đi hồng binh của nhạc sĩ Đinh Nhu sáng tác năm 1930 được xem là bài mở đầu cho dòng nhạc cách mạng thì bài Chiến thắng Điện Biên được xem là "tượng đài ca khúc" gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ.
Chiến thắng Điện Biên được nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác ngay sau đêm thắng lợi Điện Biên Phủ và nhanh chóng lan tỏa, trở thành ca khúc bất hủ, là nhạc hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam suốt mấy chục năm.
Không chỉ có Chiến thắng Điện Biên, nhạc sĩ Đỗ Nhuận còn ghi dấu ấn trong giai đoạn này với ba tác phẩm liền kề nhau, được gọi là kỷ lục "3 đỉnh núi về âm thanh".
Đó là bài Hành quân xa như lời động viên các chiến sĩ trong chiến tranh khốc liệt. Bài Trên đồi Him Lam được viết khi quân ta làm chủ cứ điểm Him Lam và bài Chiến thắng Điện Biên.
Hò kéo pháo của nhạc sĩ Hoàng Vân tái hiện khí thế hừng hực của quân ta trong những ngày chiến tranh đỏ lửa.
Rồi Qua miền Tây Bắc của Nguyễn Thành, Đường lên Tây Bắc của Văn An, Tiến bước dưới quân kỳ (Doãn Nho)…, sau chiến dịch cảm hứng sáng tác vẫn bất tận như Tình ca Tây Bắc của Bùi Mai Hạnh, Bế Văn Đàn còn sống mãi (Huy Du), Nhớ anh Phan Đình Giót (An Thuyên), Những bông hoa trên tuyến lửa (Đức Trịnh)…
Nhạc sĩ là chiến sĩ
Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Đông kể lại rằng trong cuộc kháng chiến 9 năm và lẫy lừng là chiến thắng Điện Biên Phủ, nhạc sĩ, ca sĩ, nhạc công cũng là chiến sĩ thực thụ.
Họ không chỉ xuống tận chiến hào, hầm cấp cứu thương binh để diễn phục vụ bộ đội, dân công mà còn tham gia làm đường, tải đạn, lương thực…
Bởi thế người nhạc sĩ - chiến sĩ Văn Cao đã có nhiều sáng tác nổi bật trong dòng nhạc cách mạng như Tiến quân ca, Tiến về Hà Nội, Ngày mùa, Mùa xuân đầu tiên…
Trong đó Trường ca sông Lô mà Văn Cao sáng tác sau chiến thắng sông Lô năm 1947 được Phạm Duy cho là "một tác phẩm vĩ đại".
Khi đó nhạc sĩ Văn Cao được cử lên Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp.
Ở vị trí là nhạc sĩ - chiến sĩ, ông đã sống trong không khí đó và cảm nhận rất nhanh để sáng tác ra một trường ca để đời.
Những sáng tác cách mạng nói chung và nhạc phẩm về Điện Biên Phủ nói riêng, phần lớn là những bài ca ra trận nên nhạc sĩ Nguyễn Quốc Đông nhìn nhận các nhạc sĩ thường lựa chọn thể hành khúc, được xem là phương tiện hữu hiệu để tuyên truyền cổ động cho cách mạng.
Nhạc sĩ Kiều Dư đúc kết những ca khúc này tưởng khô khan nhưng đã đạt được giá trị đỉnh cao về tư tưởng, nghệ thuật, đáp ứng tính kịp thời, bám sát cuộc sống.
Giai điệu, lời ca thấm đẫm hồn dân tộc, dễ nhớ, dễ thuộc, gây xúc động lòng người.
"Vì thế, nó góp phần nuôi dưỡng niềm tin, tôi rèn ý chí và cổ vũ tinh thần để toàn quân, toàn dân đoàn kết một lòng đánh đuổi ngoại xâm, giành tự do độc lập.
Đó là bài học quý giá để bất kỳ ai tiếp tục viết về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng trong giai đoạn mới cần nghiên cứu, học tập và noi theo" - nhạc sĩ Kiều Dư nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận