11/12/2023 12:28 GMT+7

Những 'bà đỡ' công nhân gặp khó

TÂM LÊ
và 1 tác giả khác

Một ngày chị Phạm Thu Trang, thành viên CLB từ thiện Nhịp sống trẻ, nhận tin nhắn xin giúp đỡ cô công nhân trẻ gặp khó khăn, phải tự sinh con ở phòng trọ. Chị Trang tức tốc tới và kịp đưa mẹ con đi viện cấp cứu.

Cô chủ nhà trọ tốt bụng Nguyễn Thị Phúc - Ảnh: TÂM LÊ

Cô chủ nhà trọ tốt bụng Nguyễn Thị Phúc - Ảnh: TÂM LÊ

Đây là người đầu tiên chị giúp, rồi từ đó nhiều nữ công nhân khác tiếp tục được giúp mà chị nhẹ nhàng gọi đó là cơ duyên.

"Bà đỡ" của công nhân lỡ dính bầu

Nhớ lần chứng kiến cảnh sinh nở tại phòng trọ, chị Trang thật sự bị sốc: "Hình ảnh trước mắt em rất kinh khủng, căn phòng nhỏ toàn vết máu. Đứa bé quấn trong chiếc chăn xám xịt cũng toàn vết máu. Bé đã tím tái, khóc không thành tiếng".

Người mẹ trẻ lúc đó đã sinh được 7 tiếng, chưa có sữa cho con bú. Đồ dùng cho trẻ sơ sinh, bỉm sữa không một thứ gì. Trang lập tức gọi xe đưa mẹ con đi cấp cứu ở Bệnh viện Phụ sản TP Bắc Ninh, lúc đó đứa bé đã bị nhiễm trùng rốn và là bé trai.

Sản phụ là Dung, 25 tuổi, công nhân Khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh). Dung quê ở Thanh Hóa, đã có gia đình nhưng người chồng cờ bạc, rượu chè không quan tâm đến việc vợ bầu bì, sinh nở. Cô không dành dụm được đồng nào để sinh con vì còn lo cho con gái đầu đang gửi ông bà ngoại.

"Đây là trường hợp may mắn" - Trang kể thêm khi thông báo cho người thân, anh trai Dung đã ra thăm hai mẹ con, người chồng sau đó cũng hối lỗi quay lại chăm sóc vợ.

Bây giờ người công nhân mà Trang giúp đã có một gia đình hạnh phúc, đang làm ăn sinh sống ở Quảng Ninh. Mỗi lần sinh nhật bé, Trang đều gửi bánh sinh nhật với mong muốn món quà thượng đế ban tặng sẽ được vui hưởng những gì tốt nhất.

Còn Dung thì vui vẻ tâm sự qua điện thoại: "Bé khỏe và ngoan lắm. Em không làm trong khu công nghiệp nữa mà hai vợ chồng đang nấu ăn cho công ty ở Quảng Ninh. Em biết ơn chị Trang rất nhiều, ân nhân gia đình em. Không chỉ giúp em lúc sinh bé mà còn động viên tinh thần, gắn kết vợ chồng em.

Nếu không có chị, em cũng không biết cách nào để làm giấy chứng sinh cho bé vì em sinh ở phòng trọ. Bây giờ nghĩ lại em thấy mình may mắn khi gặp được những người tốt như chị Trang".

Chị Ngô Ngọc Tân mang thực phẩm, bỉm sữa tặng công nhân

Chị Ngô Ngọc Tân mang thực phẩm, bỉm sữa tặng công nhân

Mới đây, Trang cũng giúp một công nhân mang bầu ở Khu công nghiệp Đại Đồng (Từ Sơn, Bắc Ninh). "Bạn này mang thai đã 33 tuần nhưng lại muốn phá vì không muốn gia đình biết", Trang kể phải thuyết phục rất lâu mới giữ được đứa bé.

"Bạn này quyết phá thai, tôi phải đi theo bạn ấy bốn ngày liên tục để thuyết phục. Tôi bảo em đã mang được 33 tuần rồi, gắng thêm 4 tuần nữa thôi. Nếu em không nuôi được thì chị sẽ giúp nuôi, miễn là em đừng phá" - Trang nói hết nước hết cái, cuối cùng thai phụ giữ lại bé và xin giúp đỡ đồ sơ sinh.

Qua quá trình giúp đỡ, Trang nhận ra có nhiều công nhân mang bầu và sinh con ngoài mong muốn. Đã giúp gần 20 trường hợp nhưng cô cho biết đó chỉ là con số nhỏ, ngoài kia còn nhiều. Chị kể phần nhiều các bạn đều muốn bỏ thai vì không có điều kiện chăm sóc và mặc cảm.

Công nhân xa quê lỡ yêu đương nhưng đến ngày sinh bị bỏ rơi, hoặc có trường hợp đã có gia đình rồi nhưng lại quan hệ với người đàn ông ở nơi mình làm. Công nhân lỡ có bầu chỉ muốn sinh con ở phòng trọ, không dám về nhà sinh.

"Có nhiều bạn mang bầu, cơm không đủ, phải ăn mì gói sao mà đủ chất cho thai nhi được. Tôi phải đấu mối với các quán cơm, nhà hàng ở gần nơi các bạn ở để nhờ họ nấu cơm mang cho các bạn hoặc các bạn tự ra lấy. Thật may vì chủ các quán cơm đó thật tốt, họ làm tôi cảm động", Trang kể.

Trong cốp xe của cô lúc nào cũng để sẵn đồ sơ sinh, quần áo, tã lót, bỉm sữa: "Tôi để phòng nhỡ đang đi trên đường các bạn gọi thì cứ sẵn đó tới nhà trọ, nhiều bạn sinh rồi mới báo nên không kịp mua gì", người mẹ ba con Phạm Thị Thu Trang cười hiền hậu trải lòng.

Công nhân cạn tiền vì chưa tìm được việc làm, công nhân bị nợ lương, bị giữ giấy tờ, rồi công nhân lỡ mang thai... đều được những người như "bà đỡ" này giang tay giúp đỡ khi xa nhà.

Ngày vợ em sinh, chị Ngô Ngọc Tân đã giúp tiền vào viện rồi lại cho vợ chồng tiền về quê. Em rất biết ơn, vẫn hay gọi điện hỏi thăm chị ấy.
Công nhân Giàng A Phùa ở Sìn Hồ (Lai Châu)

Chủ trọ đưa công nhân đi đòi nợ lương

Phạm Thu Trang giúp công nhân sinh con tại phòng trọ được an toàn

Phạm Thu Trang giúp công nhân sinh con tại phòng trọ được an toàn

Ngoài chị Trang, chúng tôi còn được gặp cô giáo mầm non Nguyễn Thị Phúc - chủ xóm trọ gần 50 công nhân (ở khu Thượng Làng, phường Khắc Niệm cạnh Khu công nghiệp Khắc Niệm, tỉnh Bắc Ninh), người đã chứng kiến nhiều khó khăn của công nhân và không ít lần xắn tay giúp đỡ.

"Tôi cho công nhân thuê trọ 5 năm, bản thân cũng có chồng làm công nhân nên tôi hiểu những khó khăn các bạn gặp phải. Đa số các em ít tuổi, từ trên vùng cao Sơn La, Lào Cai, Yên Bái xuống đây làm lần đầu nên chưa biết xoay xở ra sao", cô Phúc cho biết.

Theo cô, hai điều mà công nhân mới hay gặp nhiều nhất là hết tiền và bị nợ lương. "Các em xuống làm thường chỉ mang theo 1, 2 triệu trong người - tiền xe cộ, tiền trọ, ăn uống, chi tiêu cơ bản. Nếu vài tuần chờ đợi việc thì các em không còn tiền", cô Phúc kể thường nghe lời khẩn cầu xin nợ tiền phòng. Có người được cô tặng luôn vì không tìm được việc, phải về quê.

Giá phòng trọ cô Phúc đang cho thuê 900.000 đồng một tháng, phải đóng khi vào ở trọ hôm đầu. Tuy nhiên theo cô, chỉ có một số rất ít người thuê đóng tiền đủ ngay.

Biết các em không còn tiền trong người, lương cuối tháng công ty mới trả nên cô chỉ thu trước 200.000 - 300.000 đồng tiền cọc.

"Tiền các em mua đồ dùng cá nhân cũng thiếu. Mùa đông nhiều em không có chăn ấm, tôi lại đi mua chăn mới cho. Mùa hè oi bức, có em không có cả quạt, tôi nhờ chồng sửa lại quạt cũ để các em dùng. Có bạn không có quần áo ấm, tôi lấy áo của con cho mặc", cô Phúc kể.

Mới ba ngày trước có công nhân bị nhà tuyển dụng nợ lương, cô Phúc phải trực tiếp đưa đi đòi tiền vì họ cứ hứa hết ngày này đến ngày khác.

Người phụ nữ tốt bụng này còn tìm hiểu các văn phòng tuyển dụng, vừa rắn vừa mềm mỏng khuyên họ trả lương, trả giấy tờ để công nhân đi tìm việc nơi khác nếu không còn phù hợp. Vì nếu bị họ "găm lại", công nhân sẽ khó đi xin việc mới và không còn tiền ăn, tiền ở.

Nhớ năm đầu mới từ Lào Cai xuống Bắc Ninh tìm việc, Hà bị nhà tuyển dụng nợ dây dưa gần 2 triệu tiền lương. Chính cô Phúc là người chạy xe máy đưa Hà ra văn phòng tuyển dụng yêu cầu trả tiền nếu không sẽ báo công an. Hà được trả lại 1,5 triệu đồng, số tiền giúp cô không bị đói khi chờ tìm việc mới.

"Cô Phúc giúp em nhiều thứ, từ giúp đòi nợ đến cả giúp mua thuốc khi bị bệnh", Hà cười tâm sự mình chỉ muốn trọ ở đây dù công ty mới làm ở xa.

Còn cô Phúc thì cảm nhận niềm vui công nhân: "Đợt nào việc đều, lương thưởng tốt là các em tươi tắn, cười nói vang cả xóm. Lúc đấy mình cũng mừng. Công nhân xa quê thương lắm, bố mẹ không biết đâu".

Giúp từng gói mì, chai nước mắm

Chúng tôi gặp chị Ngô Ngọc Tân, bán tạp hóa gần khu trọ cô giáo Phúc. Từ năm dịch Covid-19 bùng phát ở các khu công nghiệp Bắc Giang và Bắc Ninh, chị Tân và nhóm từ thiện đã chở gạo, mì gói, nước mắm, nước uống, quần áo đến giúp các xóm trọ công nhân. Nay chị lại báo một số công nhân hết việc, bị nợ lương, bị lừa đảo nên chị đang giúp thực phẩm và cả tiền xe về quê.

"Các bạn có Zalo, Facebook, số điện thoại của tôi nên thường nhắn xin giúp đỡ. Các chủ trọ cũng có số điện thoại, Facebook của tôi. Cô giáo Phúc thì gần nhà nên hay chạy qua lại nhờ phụ giúp", chị Tân vui kể.

Chuyến xe hàng ấm lòng công nhân nghèoChuyến xe hàng ấm lòng công nhân nghèo

Giữa Sài Gòn tấp nập, hối hả, hình ảnh cụ ông Nguyễn Văn Tư (84 tuổi, ở huyện Nhà Bè, TP.HCM) gầy gò cùng chiếc xe ba gác điện mang theo hàng trăm kg quần áo cũ - mới rong ruổi khắp nơi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên