Phóng to |
* GS.TS VŨ GIA HIỀN (chuyên viên tư vấn tâm lý):
Từ kiêu hãnh đến sợ hãi
Việc học sinh tự tử là một hồi chuông cảnh tỉnh các bậc phụ huynh. Nhiều người bắt con em học quá nhiều - học theo kiểu “trả thù đời”: do ngày xưa khó khăn quá không được học hành đến nơi đến chốn thì bây giờ bắt con phải học - học cao mới mong giàu có.
Bên cạnh nguyên nhân ấy còn có một nguyên nhân khác. Đó là áp lực từ chính xã hội khiến học sinh sống theo quan điểm phải học giỏi, phải vào đại học mới đáng tự hào. Điều này càng trở nên nặng nề đối với học sinh giỏi, các em phải luôn là niềm kiêu hãnh của gia đình. Và ngay chính bản thân các em cũng có sự kiêu hãnh đó. Khi đi thi làm bài không tốt, có nguy cơ bị rớt, các em thất vọng, không lấy lại được niềm kiêu hãnh thì sẽ sợ hãi bản thân, sợ hãi những người xung quanh và tự tử.
Tôi từng gặp một số ca tư vấn học sinh than thở với tôi là rất buồn, ba mẹ mong muốn em thi đậu đại học nhưng em đã không làm được điều đó, em không báo hiếu được với cha mẹ, em cảm thấy bế tắc. Trong trường hợp này, chính cha mẹ đã đẩy em vào bước đường cùng. Ngày nay, nhiều người biết rằng đại học không phải là con đường duy nhất để vào đời, nhưng quan điểm của đa số phụ huynh vẫn coi thường lao động chân tay.
Qua sự việc học sinh tự tử này, tôi mong các bậc phụ huynh hãy “tỉnh” lại, đừng quá kỳ vọng, tạo quá nhiều áp lực cho con mà hãy để cho các em được học hành, chọn nghề nghiệp phù hợp với khả năng của bản thân.
* Bà NGUYỄN THỊ HƯƠNG (chuyên viên tư vấn tâm lý):
Nên biết chấp nhận thất bại
Nhiều học sinh ngày nay chỉ biết học và khi được hỏi, nhiều em đã nói với tôi học để thi chứ đâu để làm gì nữa. Khi mục đích duy nhất của các em không đạt được đương nhiên sẽ dẫn đến sự chán nản, thất vọng và tự tử.
Tôi từng nhận nhiều ca tư vấn của học sinh THPT. Các em than rất mệt mỏi vì có quá nhiều áp lực xung quanh. Không chỉ cha mẹ mà cả thầy cô đều tâng bốc em, coi em như “bức tường thành” không thể đổ, em không được phép sai, không được phép bị điểm kém hay thi rớt. Nếu thi rớt là phụ lòng cha mẹ, thầy cô - những người đã lo lắng, chăm sóc em từng chút một.
Tôi rất ngạc nhiên là tại sao trong nhà trường, các thầy cô giáo không dạy học sinh xử lý tình huống “Nếu thi rớt em sẽ làm gì?”. Học sinh bây giờ thiếu kỹ năng ứng phó với sự thất bại. Cuộc sống luôn có nhiều điều không như ý. Người lớn nên dạy các em biết chấp nhận thất bại và biết rút ra kinh nghiệm từ sự thất bại đó. Trên thực tế, đã có nhiều người thành công từ sự thất bại.
Tôi có cảm giác học sinh bây giờ không nhận ra được giá trị của cuộc sống, các em sống thiếu trách nhiệm với bản thân và những người xung quanh. Nhiều em gọi cho tôi than: “Con thi rớt, con chỉ muốn chết”. Tôi hỏi: “Thế cô nói con có nghe được không, hai mắt con có còn nhìn thấy cái điện thoại không?”. Em trả lời: “dạ có”.
“Bây giờ có người hư hết cả hai mắt, người ta muốn mua hai mắt của em giá 1 tỉ đồng em có bán không?”. Em trả lời “không bán”.
“Vậy người ta muốn mua quả thận của em giá 5 tỉ đồng em có bán không?”. “Cũng không bán”. Lúc đó tôi mới nói: “Trên người con là một khối tài sản khổng lồ, con không biết sao? Con vào Bệnh viện Chợ Rẫy mà xem, rất nhiều người bệnh tật phải chiến đấu từng ngày từng giờ để giành giật sự sống mà người ta vẫn sống trong hi vọng đó thôi”.
Nhiều phụ huynh bây giờ có phần ảo tưởng về con mình, họ có suy nghĩ thường trực là con mình giỏi, con mình phải thành công. Chính sự kỳ vọng của họ đã tác động mạnh mẽ đến con cái. Phụ huynh nên tỉnh táo nhận biết thực lực của con chứ đừng ép buộc phải làm theo ý mình.
* Tôi cũng là học sinh trường chuyên, cũng vừa trải qua hai đợt thi ĐH và cũng làm bài không được như ý nên tôi hiểu những áp lực phải mang nặng trên vai. Sau khi thi xong đợt 1, tôi buồn và hụt hẫng nhiều, bởi nếu thi rớt tôi sẽ bị liệt vào 2-3% hiếm hoi học sinh của trường rớt NV1. Ở trường tôi, chỉ cần rớt NV1 đã bị tính là rớt ĐH rồi. Áp lực từ phía nhà trường vô cùng lớn. Trong quá trình học, rất nhiều lần tôi được nghe thầy cô nhắc “Tỉ lệ đậu ĐH của trường ta rất cao, chúng ta phải giữ vững thành tích ấy“ hay “Tỉ lệ đậu năm trước của trường là 97%. Năm nay ai sẽ nằm trong 3% còn lại?”... Tôi tự hỏi không biết làm sao tôi có thể quay lại trường cũ, làm sao dám đối diện với thầy cô và bạn bè khi vì tôi mà "danh tiếng" của trường bị giảm sút ít nhiều. Tôi không tự tạo ra áp lực cho bản thân mà áp lực đó là có thật, xuất phát từ phía nhà trường. * Áp lực từ nhà trường, xã hội cùng với sự kỳ vọng quá lớn từ phía gia đình, bản thân là một điều không thể tránh khỏi với một học sinh giỏi, trường chuyên. Phải bản lĩnh lắm mới có thể vượt qua được những ánh nhìn đầy thất vọng từ người thân, những lời bàn tán, đàm tiếu từ cộng đồng, nỗi ê chề khi hầu hết bạn bè đều đỗ đạt... nếu chẳng may rớt ĐH. Chúng ta nói rằng ĐH không phải là con đường duy nhất. Thế nhưng xã hội đánh giá chuyện bằng cấp quá quan trọng, đối với những học sinh giỏi, ĐH lại là thước đo, là mục tiêu duy nhất. * Tôi là một thí sinh dự thi tuyển sinh năm nay. Thi khối A không tốt, tôi tiếp tục cố gắng thi khối D và thi CĐ. Dù kết quả thế nào tôi cũng luôn cố gắng. Nếu rớt ĐH, tôi sẽ học CĐ, rớt CĐ thì tiếp tục học để năm sau thi lại. Lúc đầu tôi cũng có những suy nghĩ tiêu cực vì bài thi vừa rồi không tốt, chắc rớt. Nhưng nhờ ba mẹ động viên nên tôi không nản chí, quyết năm sau thi lại. Sự việc của Sỹ là một nỗi tiếc thương và cũng là một bài học cho các bạn trẻ như chúng ta. Đừng vì một phút tuyệt vọng mà rũ bỏ tất cả. |
__________
* Tin bài liên quan:
“Nhồi” chữ trước ngày thiKinh khủng học “nhồi”Đắng lòng mùa thiMột thí sinh dự thi đại học tự tửÁp lực trường chuyên "Trường chuyên lớp chọn" chưa mang lại hiệu quả xã hộiHi vọng, kỳ vọng, tham vọng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận