17/07/2010 08:34 GMT+7

Hi vọng, kỳ vọng, tham vọng

ĐOÀN CƯỜNG - TRÀ MINH
ĐOÀN CƯỜNG - TRÀ MINH

TT - Đó là những từ ám ảnh phụ huynh, học sinh và cả giáo viên các trường chuyên hằng ngày. Chúng tôi đã gặp một thầy giáo rất gần gũi, chia sẻ với học sinh của Trường THPT chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi) và một phụ huynh ở trường này để hiểu sâu hơn áp lực trường chuyên.

7btw8WQw.jpgPhóng to
Cổng Trường chuyên Lê Khiết... - Ảnh: Lekhiet.vn
fIwEAUpp.jpgPhóng to

... và bảng thành tích trong lễ tổng kết năm học 2009-2010 - Ảnh: Lekhiet.vn

“Nhồi” chữ trước ngày thiKinh khủng học “nhồi”Đắng lòng mùa thiMột thí sinh dự thi đại học tự tửÁp lực trường chuyên "Trường chuyên lớp chọn" chưa mang lại hiệu quả xã hội

“Là giáo viên phụ trách lớp 12 chuyên hóa, nhưng nhiều lúc tôi cảm thấy giật mình vì lịch học của các em, dường như các em không còn thời gian rảnh để vui chơi, giải trí. Tất cả thời gian các em đều dành cho học tập. Hầu như một khi bước vào lớp chuyên, phần lớn các em đều có chung một mục tiêu là học thật giỏi để không thua kém bạn bè và không để cha mẹ thất vọng” - thầy Lê Văn Trung, Trường THPT chuyên Lê Khiết, nhận định.

Từng có học sinh giỏi phát điên

Làm công tác Đoàn tám năm liền tại Trường THPT chuyên Lê Khiết, đồng thời là giáo viên dạy hóa của Trịnh Công Sỹ (và dạy thêm cho cả anh trai của Sỹ), thầy Trung cho biết tại trường đã từng xảy ra trường hợp tương tự.

“Cách đây mấy năm có một học sinh chuyên hóa rất giỏi của trường với “tham vọng” sẽ thi đậu thủ khoa ĐH. Vì mang nặng tâm lý này nên khi vào phòng thi không làm được bài, sau đó em này bị tâm thần mất một thời gian mới hồi phục và hiện đang là giáo viên cấp III trên Tây nguyên” - thầy Trung kể.

Từ câu chuyện này thầy Trung chia sẻ rằng học sinh của trường chuyên cũng đừng quá kỳ vọng vào mình. Các em thường tham vọng học trường ĐH có tiếng và thích khẳng định mình. Việc này vô tình tạo ra áp lực cho mình.

Như trường hợp của Sỹ cũng một phần vì đặt hi vọng quá lớn vào việc thi đậu tốt nghiệp THPT loại giỏi nhưng chỉ đạt loại khá nên đó có thể là một lần “vấp ngã” của em. Khi em thi ĐH, vì là chuyên toán nên lấy môn này “cứu” cho hai môn còn lại nên đến khi làm không được thì mất phương hướng.

Thầy Trung cũng chỉ ra thực tế khi ở trường học sinh lớp chuyên thường hỏi về phương pháp học tập nhiều hơn là chia sẻ tâm sự. Mặt khác, các em học sinh giỏi thường bị “hội chứng đam mê”, nghĩa là khi làm bài thi, hễ thấy câu nào khó mà hay là tập trung làm trước, làm một cách mê mẩn, khi làm xong thì thời gian dành cho các câu khác không đủ, thế là suy sụp.

“Tuổi học trò, nhất là các em ở các lớp chuyên, diễn biến tâm lý rất phức tạp. Tôi nghĩ ngoài cách giáo dục của giáo viên thì gia đình, phụ huynh đóng vai trò hết sức quan trọng trong cách học, cách suy nghĩ của các em” - thầy Trung tâm sự.

Rất nhiều phụ huynh mặc dù không đề ra mục tiêu cụ thể cho con em mình, song cũng cần can thiệp nếu thấy các em học quá sức. Phải tạo điều kiện để các em có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi và thường xuyên động viên các em.

Thầy Trung cũng cho rằng phụ huynh không nên quá đặt hi vọng vào con cái. Nhất là thời điểm gần thi ĐH các em rất căng thẳng và cần được chia sẻ hơn là dồn nén việc học.

Lo nhưng giữ trong lòng

Đó là tâm sự của ông Nguyễn Phương (phụ huynh bạn Nguyễn Lê Xuân Hùng, học sinh lớp 12 chuyên toán Trường THPT Lê Khiết). Ông Phương kể rằng khi con gái đầu thi ĐH rớt và trúng tuyển vào CĐ, ông đã bắt con không đi học CĐ mà phải ôn để năm sau tiếp tục thi ĐH.

“Tôi còn gằn giọng nếu con không đi ôn thì ba sẽ đi thay con và thi thay con”, ông Phương nhớ lại. Kỳ thi sau đó con gái ông đậu ĐH, lúc đó ông cũng nhận ra rằng sức học con mình chỉ ngang vậy. “Tôi đã vỡ lẽ ra rồi”...

Khi Hùng học Trường THPT chuyên Lê Khiết, ông Phương có rất nhiều kỳ vọng vào con trai nhưng ông chỉ khuyên con là cố gắng hơn chị một chút. “Thật ra trong bụng tôi luôn mong con đậu ĐH nhưng không dám nói ra vì sợ con sẽ thêm nặng nề” - ông Phương tâm sự.

Dù vậy, nhưng nhìn vào quỹ thời gian học của con trai ông rất lo lắng. Ông Phương chia sẻ rằng ông thấy xót con hơn là tự hào. Một thời khóa biểu dày đặc, việc học của con kín hết cả tuần, vừa học trên trường, vừa học thêm, tối về lại học đến tận 1-2g sáng.

Ông nói rất lo cho con dù con học giỏi nhưng vì ông sợ nỗi lo đó thêm gánh nặng nên chỉ giữ trong lòng.

Người lớn tạo ra áp lực - con trẻ lãnh hậu quả...

Là cha mẹ, ai cũng muốn con mình nên người. Song, thế nào là nên người thì rất ít cha mẹ có thể nói rõ cho con cái hiểu, và càng ít hơn các bậc cha mẹ đơn giản coi việc nên người là “thành nhân” mà phần lớn chỉ chú trọng đến “thành công”.

Trong cộng đồng giáo dục, ở đâu cũng vậy, trường chuyên, trường giỏi là một tất yếu khách quan của xã hội. Nó đáp ứng nhu cầu chuyên sâu của một số thành viên vượt trội, nổi bật, không muốn bị cào bằng trong tiếp nhận tri thức và thể hiện cá nhân. Nhu cầu này là bình thường, và phải được xem là bình thường, ai có khả năng hơn thì vào, ai không có thì chấp nhận lẫn vào số đông.

Vấn đề đặt ra ở đây là rất nhiều phụ huynh không nghĩ như thế. Các bậc cha mẹ nghĩ rằng vào được các trường chuyên, con mình mới có khả năng “chuyển bại thành thắng”, mới “nên người” và bằng mọi cách con mình phải vào được các trường này. Thêm nữa, tuy sẽ phủ nhận, sẽ không ai nói ra, ít nhiều cũng có những bậc cha mẹ coi việc con mình được vào trường chuyên là một cách “đánh bóng gia thế”.

Sẽ rất ít phụ huynh hiểu rằng “trường chuyên” chưa bao giờ đồng nghĩa là “trường tốt” với tất cả mọi học sinh, và ngay cả với học sinh giỏi, trên tư cách của một người trong ngành, tôi có thể khẳng định đó cũng chưa hẳn là một môi trường tốt.

Bởi vì sống trong một cộng đồng có quá nhiều người nổi bật thì ta phải là “thiên tài” mới mong tồn tại. Cuộc tranh thắng này theo tôi là quá sức đối với một số em học sinh mà thể chất và cá tính không cho phép. Chưa kể ở VN, các thầy cô giáo dạy trường chuyên khi vào lớp bao giờ cũng mang tâm lý học sinh mình... biết hết những cái cơ bản rồi, chỉ cần cung cấp những vấn đề “cao siêu” mà quên mất việc cung cấp kiến thức cơ bản là khởi đầu cho mọi khởi đầu.

Vì thế, để đuổi kịp những vấn đề cao siêu đó, tất cả các em trường chuyên đều phải tự thân vận động cho việc trang bị cơ bản để không bị hụt kiến thức. Chưa kể, là học sinh giỏi các em nhiều lắm cũng chỉ giỏi một số môn, chứ khó thể giỏi đều, đặc biệt là vào các trường chuyên, lớp chọn. Nên có một nghịch lý là học sinh trường chuyên ít có thất bại khi thi vào đại học, nhưng nguy cơ rớt tú tài là chuyện đã và đang xảy ra.

Giáo viên trường chuyên cũng không hẳn đã chuyên 100%, nên có một số bộ môn “không chính, không mũi nhọn” thì lực lượng giáo viên cũng chỉ ở tầm trung bình khá. Ác thay, những môn “không chính, không mũi nhọn” này lại bao hàm rất nhiều kỹ năng dạy ứng xử, bao hàm nhiều kiến thức văn hóa cho hành trang hội nhập xã hội sau này.

Học sinh trường chuyên vì thế chỉ biết vùi đầu vào việc học. Kiến thức văn hóa cơ bản ngày một dày lên thì kiến thức xã hội ngày một mỏng đi và tâm lý bắt đầu trì trệ. Các em cô đơn và cô độc ngay trong cái giỏi của mình. Tất yếu, khi gặp thất bại các em sẽ nghĩ ngay: “Thế là hết, mình là một con số không trong mắt mọi người” và tìm đến cách giải quyết tiêu cực...

Mỗi khi trẻ xảy ra chuyện đáng tiếc, đau lòng thì chúng ta mới nhốn nháo ngồi lại bên nhau để bàn tính, mà thật ra chỉ là để giải quyết hậu quả. 10 năm trước, báo Tuổi Trẻ đã mở diễn đàn “Kỹ năng sống” đề cập việc ai trong chúng ta: gia đình, nhà trường hay xã hội là người sẽ dạy cho các em những kỹ năng sống, đặc biệt là kỹ năng đối diện thất bại?

Thế nhưng một vấn đề nghiêm túc như thế lại không ai quan tâm, chỉ dừng lại ở mức bàn tròn với các nhà giáo, nhà tâm lý tâm huyết. Và nếu cứ tiếp tục đà này thì những mùa thi sau nữa, có thể những vị đắng không giảm đi mà sẽ trở nên “đắng không chịu nổi”. Tổn thất này cho bản thân học sinh, cho gia đình và xã hội là không thể đo đếm!

Lâm Minh Trang

ĐOÀN CƯỜNG - TRÀ MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên