Phóng to |
Thí sinh căng thẳng trước giờ thi ĐH đợt 2 kỳ thi tuyển sinh 2010 ở TP.HCM - Ảnh: MINH ĐỨC |
Phải thi đỗ ĐH
Theo Lê Nguyên Khánh, khi lựa chọn thi vào Trường chuyên Lê Khiết với tỉ lệ chọi lúc đó 1/11 dã là một thử thách không nhỏ. Khánh kể cuộc thi vào trường cũng cam go không khác gì thi ĐH vừa qua.
Lớp học chọn được 35 học sinh, khi đã vào lớp học rồi đa số các bạn đều có tâm lý luôn muốn khẳng định mình và không muốn thua kém bạn bè. Trong những lần kiểm tra trên lớp có bạn điểm thấp hơn một chút là đã buồn.
Luôn là học sinh giỏi của trường nên Khánh có một lịch học rất dày đặc: buổi sáng từ thứ hai đến thứ bảy học trên trường, sau đó về nhà, từ 15g30-19g là suất học thêm của bốn môn toán, lý, hóa, tiếng Anh.
“Tụi em học thêm từ thứ hai đến chủ nhật và phải “chạy sô”, có buổi phải học hai môn liên tiếp tại nhà hai giáo viên ở hai nơi khác nhau. Nhiều buổi phải ăn thêm trên đường, còn không thì nhịn đói đến hơn 19g về nhà mới được ăn. Sau khi ăn uống xong, học đến 23g đêm” - Khánh kể.
Không chỉ lịch học dày đặc, do nhà Khánh ở huyện Tư Nghĩa nên cuối tuần thường phải về nhà với gia đình. Vì thế lịch về thăm nhà cũng rất sít sao, thường là chiều thứ bảy về nhà đến sáng chủ nhật lại lên trường. Do thời gian hạn hẹp nên thường có cảm giác nhớ nhà.
Còn thời gian chơi, Khánh cho biết do tất cả các buổi chiều đều học thêm nên giải trí chủ yếu là xem tivi, còn khi nào học thêm một môn về sớm thì tranh thủ đá banh. Khánh nói thêm: “Trước mỗi kỳ học, giáo viên chủ nhiệm và ban cán sự lớp thường họp lại để đề ra chỉ tiêu học tập cho cả lớp. Chỉ tiêu này căn cứ vào những kỳ học hoặc năm học trước để đưa ra cho tất cả các bạn cùng phấn đấu”.
Khánh đúc kết: “Tụi em học thêm nhiều cũng vì mục tiêu thi ĐH cho đỗ”. Sau sự kiện bạn Trịnh Công Sỹ, Khánh chia sẻ may mắn của mình chính là có người mẹ làm giáo viên luôn bên cạnh động viên, an ủi.
Áp lực từ... hàng xóm
Ngay từ khi bước vào lớp 10 chuyên toán, Nguyễn Quốc Cường đã phải chịu áp lực học thật giỏi. Bởi đây là lớp chuyên toán duy nhất của trường, hầu hết các bạn trong lớp đều là học sinh xuất sắc được tuyển chọn từ các trường THCS trong tỉnh.
Ngoài áp lực ở lớp, Cường còn phải chịu áp lực ở gia đình. Mặc dù ba mẹ không đề ra yêu cầu phải học thật giỏi, nhưng Cường nghĩ nếu học không thật giỏi sẽ làm ba mẹ buồn, ngoài ra còn hàng xóm, nội ngoại... Đây là những áp lực lớn để Cường phải ra sức học.
Cường cũng cho biết cậu là con thứ hai trong gia đình, trên Cường có người anh trai. Người anh này là một học sinh xuất sắc trong 12 năm học và hiện đang học năm thứ tư khoa cơ - điện tử ĐH Bách khoa TP.HCM. Vì vậy Cường cho rằng mình cũng chịu áp lực từ người anh.
Anh chị cũng là áp lực
Là người luôn dẫn đầu lớp trong ba năm liền, Nguyễn Lê Xuân Hùng cũng chịu không ít áp lực trong việc học. Hùng tâm sự: “Không phải riêng em mà cả lớp chuyên toán đều có áp lực rất nặng trong học tập. Phần lớn các bạn đều cho rằng lớp chuyên thì thành tích học tập phải hơn các lớp khác. Bởi lớp chuyên toán là niềm vinh dự không chỉ của thầy cô chủ nhiệm mà của toàn trường. Thứ nhì là ngay trong lớp bạn nào cũng muốn học thật tốt, không muốn thua điểm ai. Thứ ba là áp lực gia đình. Hai chị đầu của em hiện đang học ĐH, một chị học ĐH y vừa ra trường, một chị học năm thứ 3 ĐH Kinh tế TP.HCM”.
Ngay trong việc học, bản thân Hùng cũng “ganh đua” với hai chị của mình, không thể để thua các chị.
Chỉ trong ngày 15-7, đã có gần 100 phản hồi của bạn đọc gửi đến chia sẻ về sự mất mát của gia đình em Sỹ và phân tích, rút ra nhiều bài học. Xin giới thiệu vài ý kiến sau. Mời bạn đọc tham gia ý kiến chủ đề này qua email tto@tuoitre.com.vn. * Đọc xong bài báo “Đắng lòng mùa thi”, cả đại gia đình tôi cùng bàn tán xôn xao về cái chết của em Trịnh Công Sỹ. Bởi các anh chị em tôi, ai cũng có con đang ở độ tuổi vừa thi ĐH xong như Sỹ, hoặc chuẩn bị bước vào cuộc đua tìm kiếm bằng ĐH. Mười người mười ý để phân tích nguyên nhân dẫn đến hành động nông nổi của em Sỹ. Riêng mình, tôi chú ý đến câu nói của ba em Sỹ: “Vợ chồng tui tằn tiện, lam lũ nuôi hai anh em nó ăn học chỉ với mong muốn thoát khỏi cảnh nghèo khổ”. Vâng, mong thoát nghèo là tâm lý chung của mọi phụ huynh nghèo đặt ra cho con mình. Tôi đọc tất cả các báo trong mùa thi, khi phỏng vấn những phụ huynh lam lũ đưa con về thành phố thi ĐH đều nói đến chuyện “mong con cái thoát cảnh nghèo như bố mẹ”. Mong ước đó là chính đáng. Đó là học hành để kiếm ít nhất tấm bằng ĐH (những người thành đạt mà không cần bằng ĐH quá hiếm hoi). Nhiều phụ huynh đã phát biểu trên báo rằng chỉ mong con học xong kiếm một việc làm nhà nước là ổn! Chúng ta phải nhìn nhận một thực tế là hiện nay đời sống của giới công nhân, nông dân ở VN quá thấp. Tôi lấy ví dụ, một công nhân đi làm chỉ được khoảng 1,8 triệu đồng/tháng. Trên lý thuyết, mức lương ấy gần tương đương với một người làm công nhân viên nhà nước. Nhưng làm trong bộ máy nhà nước còn có nhiều cơ hội để thu nhập thêm, nhiều cơ hội để đổi đời; chứ làm công nhân hay nông dân thì suốt đời chỉ biết lam lũ, chắt bóp. Vì vậy, nếu đất nước chúng ta lo được cho công nhân, nông dân một cuộc sống sung túc, không quá chênh lệch thì chắc chắn áp lực về việc kiếm bằng ĐH sẽ giảm đáng kể. Bởi suy cho cùng, con người ta ai cũng mong ước thoát nghèo thôi mà...
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận