02/09/2017 08:15 GMT+7

Những anh bộ đội Cụ Hồ mang mũ nồi xanh

Ths. BÙI THỊ MINH CHÂU
Ths. BÙI THỊ MINH CHÂU

TTO - "Một năm sống và làm việc tại châu Phi trong một môi trường hoàn toàn mới lạ về mọi mặt, là những trải nghiệm tuyệt vời" - tâm sự chung của những người lính Việt trong lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ.

Những anh bộ đội Cụ Hồ mang mũ nồi xanh - Ảnh 1.

Các sĩ quan Việt Nam công tác tại MINUSCA chụp hình lưu niệm với Tướng hai sao Traore Daniel Sidiki - Phó Tư lệnh Quân sự MINUSCA nhân dịp bàn giao nhiệm kỳ

Trước tháng 6/2014, trong ASEAN, chỉ còn Việt Nam, Lào và Myanmar không có nhân sự tham gia Lực lượng gìn giữ hoà bình Liên Hiệp Quốc - lực lượng "mũ nồi xanh". Từ khi Trung tâm gìn giữ hoà bình Việt Nam thành lập tháng 5/2014, đến nay Việt Nam đã có 19 sĩ quan đội chiếc mũ nồi xanh.

Bảo vệ Tổ quốc từ xa

Đại uý Nguyễn Quốc Khánh hiện công tác tại phân khu Tây, Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ tại Cộng hoà Trung Phi (MINUSCA). Đại úy Khánh rất hài lòng về quyết định ứng tuyển vào lực lượng này.

"Tham gia lực lượng lính mũ nồi xanh, tôi nghĩ mình đang đóng góp vào quá trình đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Cá nhân tôi, lúc quyết định ứng tuyển đã nghĩ rằng quãng thời gian làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình LHQ sẽ là khoảng thời gian đáng nhớ trong cuộc đời quân ngũ. Sau này tôi sẽ có nhiều chuyện để kể lại cho con trai", anh Khánh tâm sự.

"Khi trực tiếp mang mũ nồi xanh, tôi học hỏi được rất nhiều qua các cuộc hội thảo, khoá huấn luyện, đào tạo. Chúng tôi tham gia họp trực tuyến với Tổng thư ký và các quan chức cấp cao LHQ. Ở tuổi 31, có một năm sống và làm việc tại châu Phi trong một môi trường hoàn toàn mới lạ về mọi mặt, là những trải nghiệm tuyệt vời".

Những anh bộ đội Cụ Hồ mang mũ nồi xanh - Ảnh 2.

Đại úy Nguyễn Quốc Khánh (ngoài cùng bên phải ) làm thư kí trong một buổi họp hỗn hợp các lực lượng quân sự, dân sự, cảnh sát tại Sở chỉ huy Phân khu Tây MINUSCA

Các sĩ quan của Việt Nam được đào tạo trong quân đội về hình thức tác chiến trong chiến tranh nhân dân. Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, họ có cơ hội tiếp xúc với phương thức tác chiến của đội quân nhà nghề và trực tiếp trải nghiệm cách tổ chức lực lượng trong một môi trường đa phương, đa quốc gia, đa ngôn ngữ, đa văn hoá.

Những kiến thức và kinh nghiệm đó sẽ rất trị hữu ích cho việc xây dựng nền quốc phòng Việt Nam vững mạnh hơn trong tương lai. Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ vì thế được coi là một hình thức ngoại giao chính trị đặc biệt, là "bảo vệ Tổ quốc từ xa trong thời bình".

Gắng công tác tốt cho hậu phương yên tâm

Để có những trải nghiệm quý giá đó, chiến sĩ ta phải vượt qua nhiều gian khó trên nước bạn. Những nơi có lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ là những quốc gia đã có Chính phủ nhưng vẫn còn bất ổn về chính trị. Bên cạnh đó là tình hình tội phạm, cướp của, giết người phức tạp mà cảnh sát địa phương chưa đủ mạnh để kiểm soát.

Nhiệm vụ quan trọng nhất của lính mũ nồi xanh là bảo vệ thường dân. Chính vì thế, bản thân họ cũng có thể trở thành mục tiêu tấn công của các phe phái.

Kinh tế ở những quốc gia nghèo nhất thế giới như Cộng hoà Trung Phi hay Nam Sudan cũng rất khó khăn. Đường đất, cầu gỗ, mất điện, mất nước như cơm bữa, khí hậu thì khắc nghiệt, nắng nóng, hanh khô. Kế sách của các sĩ quan Việt Nam là... mang từ nhà sang một vài cái quạt giấy phòng lúc mất điện.

Một mối nguy hiểm khác các sĩ quan Việt Nam phải đối mặt là dịch bệnh. Ý thức của người dân còn hạn chế, cơ sở vật chất, hệ thống y tế chưa phát triển, dịch bệnh ở các nước châu Phí dễ dàng lây lan nhanh và khó kiểm soát. Vì vậy, giữ gìn và nâng cao sức khoẻ của bản thân cũng là nhiệm vụ quan trọng của các chiến sĩ ta.

Những anh bộ đội Cụ Hồ mang mũ nồi xanh - Ảnh 3.

Xe chở hàng hóa của LHQ tại Trung Phi thường xuyên phải đi qua những cung đường còn chưa đảm bảo chất lượng như thế này

Làm việc trong một môi trường đa quốc gia, đa văn hoá cũng là thách thức lớn. Mỗi nước một phong cách làm việc, đến cách phát âm tiếng Anh cũng khác nhau. Các sĩ quan Việt Nam phải không ngừng nỗ lực học hỏi và hoà nhập, nắm rõ các quy định, biết cách hài hoà giữa quy định của quốc gia và quy định của LHQ.

Các sĩ quan Việt Nam, cũng như bất cứ ai, không thể tránh khỏi những lúc nhớ gia đình, vợ con, quê hương, và nhớ món ăn Việt Nam da diết. Nhưng họ gắng giữ tinh thần lạc quan, dặn nhau đảm bảo sức khỏe để phục vụ công việc cho hậu phương yên tâm.

Đại sứ của đất nước

Môi trường lực lượng mũ nồi xanh là cơ hội tốt cho sĩ quan Việt Nam tìm hiểu và xây dựng quan hệ với quân đội các nước, cũng là cơ hội tuyệt vời để quảng bá hình ảnh Việt Nam. Vì thế, ngoài nhiệm vụ quân sự, các sĩ quan Việt Nam đều ý thức trọng trách nặng nề mà cao quý - làm "đại sứ" của đất nước.

Những dịp lễ tết, các sĩ quan Việt Nam thường nấu những món ăn truyền thống như nem, phở, bún... mời bạn bè các nước, giới thiệu ý nghĩa và cách làm các món ăn này để họ hiểu hơn về văn hoá ẩm thực Việt. Họ còn tổ chức chiếu phim về đất nước, con người, lịch sử Việt Nam.

Những anh bộ đội Cụ Hồ mang mũ nồi xanh - Ảnh 4.

Đại úy Hồ Tiến Hưng trong một lần đi kiểm tra trang bị tại đơn vị bộ binh Zambia

Đại úy Hồ Tiến Hưng, sĩ quan tham mưu về trang bị tại MINUSCA, đã rất vui và bất ngờ khi sĩ quan các nước Ai Cập, Bờ Biển Ngà, Ma-rốc, Rwanda, Zambia... tỏ ra am tường lịch sử quân sự Việt Nam và bày tỏ ngưỡng mộ Quân đội Nhân dân Việt Nam.

"Nhiều người trong số họ đã từng học tại Hoa Kỳ và các nước phương Tây, và học rất kỹ về chiến tranh Việt Nam. Họ có thể kể say sưa về chiến dịch Điện Biên Phủ, cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Họ đã rất buồn khi biết tin Đại tướng qua đời năm 2013", đại úy Hưng kể.

Các sĩ quan Việt Nam cũng hòa mình vào cuộc sống của người dân địa phương, không ngại vác củi, trồng rau, dạy học cho các em nhỏ... Trung tá, Tiến sĩ Lê Ngọc Sơn, sĩ quan tham mưu tác chiến ở MINUSCA là một người như vậy. 

Hàng ngày, trung tá Sơn tập trung cao độ tiếp nhận và xử lý thông tin về tình hình quân sự trên toàn địa bàn Trung Phi, làm báo cáo về trụ sở LHQ ở New York (Mỹ). Nhưng cứ hết giờ làm việc, hay dịp cuối tuần, anh Sơn lại dạy Toán cho các em nhỏ. 

Các em chỉ nói được tiếng địa phương (tiếng Sang-gô) và tiếng Pháp, trong khi các sĩ quan Việt Nam chủ yếu dùng tiếng Anh. Vậy nên phải tâm huyết, yêu trò lắm mới gắn bó được với công việc tình nguyện này.

Những anh bộ đội Cụ Hồ mang mũ nồi xanh - Ảnh 5.

Vượt qua bất đồng ngôn ngữ, Tiến sĩ Sơn đều đặn dạy Toán cho Sulu, một nữ sinh Trung Phi 15 tuổi

Dự kiến cuối năm 2017, Việt Nam sẽ có nữ sĩ quan đầu tiên gia nhập lực lượng mũ nồi xanh, thể hiện sự tham gia ngày càng chủ động và sâu rộng của Việt Nam vào các hoạt động gìn giữ hoà bình chung của LHQ.
Ths. BÙI THỊ MINH CHÂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên