Phóng to |
Cô dâu Nguyễn Thị Hương (đi giữa) đưa nữ phóng viên Đông Phương (báo Tuổi Trẻ) về nhà chồng mình trên núi Đông Sơn thuộc xóm Trần Địa, thị trấn Chương Đôn (Phúc Kiến, Trung Quốc) - Ảnh: Viễn Sự |
PV Tuổi Trẻ đã sang Trung Quốc, đến những làng quê có nhiều cô dâu Việt sinh sống để tìm câu trả lời.
Nhà chồng giữ hết giấy tờ
Mỗi năm chỉ có vài hồ sơ ủy thác Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Hùng Tuyết Mai - phó chủ nhiệm phòng giao lưu quốc tế thuộc Văn phòng ngoại vụ thành phố Phúc Châu - cho biết: mỗi năm Phòng ngoại vụ Phúc Châu cũng nhận được một vài hồ sơ ủy thác tư pháp từ Việt Nam để giải quyết tranh chấp hôn nhân giữa cô dâu Việt Nam và chú rể Trung Quốc. Nhưng theo bà Mai, đa số đều không trả lời được cho phía Việt Nam vì địa chỉ cô dâu Việt khai báo không rõ ràng hoặc không đủ căn cứ để tiếp tục thẩm tra. |
Đã hình dung các cô gái Việt về làm dâu ở những nơi rất xa và hẻo lánh, nhưng để tìm đến nhà chồng của Nguyễn Thị Hương (quê ở Bạc Liêu), cô gái Việt làm dâu ở Phúc Kiến (Trung Quốc), chúng tôi đã đi mất hai ngày đường với năm chặng xe đủ loại từ thủ phủ Phúc Châu. Nhà chồng Hương nằm tít trên đỉnh núi Đông Sơn thuộc xóm núi Trần Địa, thị trấn Chương Đôn, TP Kiến Dương, huyện Nam Bình (Phúc Kiến, Trung Quốc). Cái địa chỉ dài và heo hút như con đường đến đây, nơi quanh năm chỉ có những cánh rừng trúc quân tử nối nhau điệp trùng, mùa đông tuyết phủ trắng xóa...
Gặp chúng tôi qua sự giới thiệu của một cô dâu Việt khác, Hương mừng rối rít. Cô nói về làm dâu xứ thâm sơn cùng cốc này không dám nghĩ có ngày được đón đồng hương đến thăm. Và trong sự cảm động, cô dâu Việt ấy đã hồn nhiên khoe với chúng tôi một thứ rất quan trọng. Đó là con heo già, nặng hơn 1 tạ mà nhà chồng nuôi từ rất lâu, dành làm đám cưới cho vợ chồng cô.
Chúng tôi tròn xoe mắt, Hương đã qua Trung Quốc hai năm sao bây giờ mới làm đám cưới? Hương trả lời: “Cả xóm Trần Địa này đều vậy đó, em có con trai sớm thì được cưới sớm. Có mấy đứa sang cùng đợt với em giờ đã làm đám cưới, đã kết hôn đâu”. Sự việc dần được vỡ lẽ khi hầu hết cô gái Việt Nam sang đây đều được nhà chồng chờ đến khi có bầu hoặc sinh con rồi mới làm đám cưới, mới lên Phúc Châu làm đăng ký kết hôn. Và với danh phận lơ lửng, mang tiếng làm dâu trong nhà chồng nhưng nếu có xung đột hôn nhân, cô dâu Việt tìm cách bỏ về sẽ không có căn cứ nào chứng minh họ là người vợ hợp pháp để cơ quan pháp luật Trung Quốc can thiệp. Khi đó, chú rể Trung Quốc cũng không vướng bất cứ một ràng buộc pháp lý nào để ung dung đi lấy vợ mới. Và ở đỉnh núi Đông Sơn này, không ít gia đình có con dâu Việt vẫn đang nhốt trong chuồng những con heo còn già hơn con heo nhà chồng của Hương...
Câu chuyện ấy từ xóm núi Trần Địa làm chúng tôi nhớ lại những ngày đầu tiên tìm đến các cô dâu Việt ở thị trấn Thủy Cát cũng ở huyện Nam Bình. Chúng tôi luôn gặp phải những ánh mắt ngờ vực và dò xét của người bản xứ khi tự xưng mình là người Việt đang muốn gặp những cô dâu đồng hương. Mãi sau A Hoa, một thợ sửa xe đạp cũng có vợ Việt Nam, mới nói: “Mua vợ Việt Nam tốn nhiều tiền lắm, tôi mua vợ hết 6 quan đấy (60.000 nhân dân tệ - PV). Nhìn anh chị, họ sợ sang tìm cô dâu bắt về đấy. Tôi bảo nhé, cô dâu Việt ai cũng bị giữ hết hộ chiếu với giấy kết hôn, đừng mong đưa về...”. A Hoa cũng nói anh rất thương vợ, không giữ hộ chiếu của vợ như những người chồng Trung Quốc khác, nhưng vẫn cảnh giác giữ lại giấy tờ kết hôn và khai sinh của hai đứa con trai.
Tình cảnh bị giữ hộ chiếu và giấy tờ đăng ký kết hôn gần như là mẫu số chung của nhiều cô dâu Việt tại Phúc Kiến. Đi khắp làng quê ở Phúc Kiến, gặp nhiều cô dâu Việt bị nhà chồng ngược đãi nhưng đều ngậm đắng nuốt cay vì nếu bỏ trốn họ sẽ không được pháp luật Trung Quốc bảo hộ. Còn về Việt Nam, viễn cảnh đang chờ họ cũng là danh phận “gái đã có chồng” và những rắc rối pháp lý mà họ không gỡ được.
Không có hộ chiếu, không giấy tờ hôn nhân, các cô dâu Việt như cá nằm trong chậu ở nhà chồng Trung Quốc.
Ở xóm núi Thiệu Thôn, thuộc thị trấn Chương Đôn, cô dâu Nguyễn Thúy Phượng (quê Vĩnh Long), một trong những cô dâu may mắn được nhà chồng thương, không bị giữ giấy tờ, cho biết đã có gần chục cô dâu Việt cùng xóm chạy trốn mà không ai thoát. “Bỏ trốn nhưng không có hộ chiếu, không đi tiếp được, cũng không nhớ đường quay về nên nhiều cô dâu đành gọi cầu cứu lại nhà chồng, càng bị ngược đãi mà còn mang tiếng nhục với cả làng” - Phượng nói thay cho niềm cay đắng của nhiều cô dâu Việt.
Không nơi nương tựa
Cô dâu Việt có ở khắp nơi, nhưng muốn tìm được một cơ quan tại Phúc Kiến để hỏi về đời sống hôn nhân của các cô dâu Việt thật khó. Cơ quan nhà nước duy nhất mà chúng tôi có thể hỏi chút ít thông tin về việc này sau nhiều ngày đi từ các huyện lỵ xa xôi ra tận thủ phủ Phúc Châu là Phòng đăng ký hôn nhân với người nước ngoài ở số 44 Cô Đông, quận Cổ Lâu, TP Phúc Châu.
Lâm Vĩ - cán bộ phụ trách bộ phận thống kê, tiếp nhận hồ sơ - đã cho PV Tuổi Trẻ biết một con số giật mình: trong hai năm 2012 và 2013, Phúc Kiến đón hơn 4.000 cô dâu Việt mỗi năm sang đăng ký kết hôn. Nhưng Lâm Vĩ nói đó chưa phải là con số chính xác bởi con số này chỉ dựa trên hồ sơ đăng ký kết hôn mà văn phòng tiếp nhận. Lâm Vĩ kể có những cô dâu sang đây cả năm sau mới kết hôn, họ sang làm vợ khi nào văn phòng không biết vì đi theo visa du lịch. “Vậy nên chắc còn nhiều phụ nữ Việt Nam theo chồng về đây nhưng không đăng ký nên chúng tôi không nắm được” - Lâm Vĩ nói.
4.000 cô dâu Việt mỗi năm sang Phúc Kiến, bao nhiêu trong số đó có đời sống hạnh phúc? Và bao nhiêu cô dâu Việt đang sống bi kịch trong hôn nhân hay phải cay đắng trở về trong danh phận pháp lý dang dở? Chúng tôi đi tìm câu trả lời nhưng không cơ quan nào ở Phúc Kiến giúp đỡ được chút ít thông tin.
Người dẫn đường cho chúng tôi là anh Trương Thạc, phóng viên của Đô Thị Hải Giáp tại Phúc Kiến, cũng không biết phải hỏi cơ quan nào tại đây để trả lời. Trương Thạc chỉ cho biết cả thủ phủ Phúc Châu này chưa có văn phòng luật sư nào tiếp nhận để bảo vệ quyền lợi cho một thân chủ là cô dâu Việt, vì các cô không đủ trình độ lẫn tiền bạc để nhờ luật sư. Cho dù những vụ cô dâu Việt bỏ trốn, bị cảnh sát bắt giữ vì không có giấy tờ thỉnh thoảng tờ Đô Thị Hải Giáp và các báo của Phúc Kiến vẫn đưa tin.
Trương Thạc cũng cho biết làn sóng phụ nữ Việt Nam qua Phúc Kiến làm dâu rộ lên từ khoảng năm năm nay, số lượng phụ nữ Việt Nam ở tỉnh này lên đến hàng vạn. Nhưng cả Phúc Kiến không hề có hội, đoàn hoặc một nơi sinh hoạt cộng đồng nào dành cho cô dâu người Việt. Số phận những cô dâu Việt Nam vì thế cứ chìm khuất trong những thôn xóm xa xôi của Phúc Kiến.
___________
Kỳ cuối: Chờ một “chiếc phao” pháp lý
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Có chồng nhưng “sinh con ngoài giá thú” Kỳ 2: Những đứa trẻ không Tổ quốc Kỳ 3: Những chú rể ngoại quốc “mất cả chì lẫn chài” Kỳ 4: Lách luật để lấy chồng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận