Học trò lớp 6 học văn tự sự, kể chuyện đời thường và kể chuyện tưởng tượng. Tiết trả bài cuối cùng cách đây một tuần, nhưng trong tôi vẫn cứ luẩn quẩn những câu chuyện non nớt, khờ khạo của các em.
Chuyện người bố suốt ngày say xỉn: em Hờ Viên viết về mẹ của mình.
Viết về mẹ, nhưng không có một lời nào là ca ngợi, yêu thương. Em viết về mẹ như chính những gì em thấy hằng ngày: em không biết tuổi mẹ, chỉ biết mỗi ngày mẹ đều lên rẫy. Mẹ em rất hung dữ, mẹ dạy em phải hung dữ mới sống được.
Ba em ngày nào cũng uống rượu say nhè, rồi về nhà đập phá. Mỗi lần thấy ba say thì mẹ hờn không nói chuyện, hờn cả tuần cả tháng. Rồi có hôm mẹ chửi, mẹ cũng đập phá và cấm ba không được say rượu nữa. Ba hứa sẽ không nhậu nữa, nhưng hôm sau lại đi nhậu tiếp...
Chuyện chị gái bị mù và cô hàng xóm: em Hờ Thúy viết.
Em viết rằng chị gái em bị mù. Hằng ngày em đi học, mẹ lên rẫy làm việc, chị ở nhà một mình. Hôm ấy cô hàng xóm qua nhà mượn cái chổi, khi mẹ đi làm về hỏi chổi đâu thì chị bảo cô hàng xóm chưa trả.
Mẹ bảo chị đi lấy chổi. Chị bị mù nên cứ đứng trước nhà gọi cô hàng xóm đem giùm cái chổi qua. Cô ấy bèn bảo, đã quăng cái chổi trước mặt chị rồi mà còn đứng hỏi, đúng là đồ mù. Chị em mò mẫm dưới đất, tìm được cái chổi rồi thì khóc nức nở...
Bài làm của em trình bày hơi cẩu thả, câu từ lủng củng, nhưng đọc xong câu chuyện của em thì tôi muốn khóc. Tôi gặp riêng em để hỏi thêm gia cảnh thì em bảo nhà em rất nghèo, chị em bị mù từ nhỏ.
Còn em Nguyễn Văn Hiệp viết: Nếu được gặp ông tiên, em ước ông biến em thành một em bé. Em thích như vậy, vì ở nhà em ba mẹ chỉ thương em gái còn nhỏ, chứ không thương em.
Em còn tưởng tượng ra rằng em thấy mình được biến thành một em bé nằm trong nôi. Khi ba mẹ đi làm về, nhìn thấy đứa bé nằm trong nôi nhưng không nhận ra con trai mình, nên chỉ đưa em gái em vào phòng dỗ ngủ, mà không quan tâm đến em bé trong nôi.
Rồi bất ngờ có một cơn gió mạnh hất chiếc nôi bay ra ngoài đường, em được hai cô gái lạ nhặt về nuôi. Họ rất yêu thương em, dù chủ nhà trọ không cho, các chị vẫn giấu em trong phòng...
Bài làm của em không có sự liên kết, rời rạc, thậm chí nhiều chỗ diễn đạt ngây ngô, nhưng nó thể hiện cái khao khát được yêu thương, chăm sóc...
Dạy học mười lăm năm, đã chấm rất nhiều bài tập làm văn, nhưng chưa khi nào tôi thấy lòng bất an như bây giờ. Người lớn hành xử không khéo dễ khiến trẻ nhìn cuộc sống bi quan, lệch lạc.
Điều nghiêm trọng hơn là cha mẹ nào cũng muốn con nên người, nhưng họ có bao giờ nghĩ bản thân mình đã là một tấm gương cho trẻ chưa?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận