Học sinh Trường THPT Lộc Phát, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng trong giờ kiểm tra theo đề "mở" - Ảnh: N.H.C.
Gần đây, nhiều đề thi của các trường "mở" ra những vấn đề từ thực tế cuộc sống như sự kiện APEC 2017, học sinh cúi chào bác bảo vệ ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, chuyện gia đình cụ Trịnh Văn Bô, thầy giáo Ninh Văn Dậu...
Với những đề thi "mở", học sinh làm bài như thế nào? Tuổi Trẻ trích đăng những bài thi "mở" này:
Đã lâu rồi, tôi không nắm lấy đôi bàn tay mẹ
Mới đây, Phòng GD-ĐT Q.9 (TP.HCM) đã ra đề thi văn dành cho học sinh THCS như sau: "Đã bao lâu bạn chưa nắm đôi bàn tay ấy?". Câu hỏi đặt ra ở cuối đoạn phóng sự khiến nhiều người phải cúi đầu, rưng rưng bao cảm xúc. Hãy viết một bài văn trình bày những cảm xúc của em được gợi ra từ câu hỏi ấy. (Trước đó, học sinh được xem đoạn video "Bàn tay mẹ")
Bài làm của Nguyễn Nhật Anh Thư, học sinh lớp 7A9 Trường THCS Trần Quốc Toản, có đoạn: "Đôi bàn tay của mẹ, đôi bàn tay tảo tần biết bao nhiêu là việc, đôi bàn tay cho ta sự ấm áp, bồng bế ta từ thuở mới lọt lòng. "Đã bao lâu bạn chưa nắm đôi bàn tay ấy?", câu hỏi đã gợi cho tôi bao cảm xúc, gợi nhớ về người mẹ thân thương cùng bao kỷ niệm êm đềm bên mẹ.
"Đã bao lâu tôi chưa nắm đôi tay ấy?". Tôi không biết nữa, tôi không nhớ được, nhưng có lẽ đã rất lâu, rất lâu rồi tôi không nắm lấy đôi bàn tay của mẹ...
Tôi vô tâm, vô tâm quá. Tại sao tôi lại quên đi đôi tay của mẹ, đôi tay mặc dù xấu đấy, mặc dù không được mềm mại đấy, nhưng đó là đôi tay vất vả, đôi tay nhọc nhằn làm việc lo cho gia đình.
Mẹ tôi cũng từng có đôi tay mịn màng, trắng trẻo như bao người con gái khác, đôi tay từng khiến cha tôi say đắm. Nhưng theo thời gian, sau bao nhiêu năm khó nhọc, tay mẹ chai đi, không còn vẻ đẹp như ngày nào...".
Đừng dựa dẫm hay sợ sệt...
Tương tự, đầu năm học 2017-2018, Phòng GD-ĐT Q.4 (TP.HCM) đã ra đề thi dành cho học sinh giỏi văn, trích dẫn câu chuyện con cua phải lột xác thì mới có thể lớn lên và trưởng thành, cùng yêu cầu "Viết những suy nghĩ sau khi đọc câu chuyện trên".
Lưu Gia Hân, học sinh Trường THCS Vân Đồn, đã viết: "Những thứ thầy cô hay chính cha mẹ truyền đạt cho mình chỉ là vốn hành trang trên con đường đầy chông gai, cạm bẫy phía trước. Còn lại, việc sử dụng hành trang này ra sao, thì chỉ có chúng ta mới quyết định được.
Đừng dựa dẫm hay sợ sệt, bởi điều này sẽ là thứ khiến ta sẽ mãi bị nhấn chìm trong hình hài là một đứa trẻ, chứ không phải là một người trưởng thành, và đạt được nhiều thành công.
Hãy đi đi! Hãy thử làm những thứ ta chưa từng nghĩ mình sẽ làm. Có thể sẽ đầy chông gai đấy, đầy cạm bẫy đấy. Nhưng nghĩ đi, nếu ta cứ mãi trốn trong vỏ bọc của chính mình, thì chắc chắn vỏ bọc ấy sẽ là thứ vùi lấp ta mãi mãi.
Chắc rằng sẽ té ngã đấy, đau đớn đấy... Nhưng không sao cả! Bởi một lần té ngã, đau đớn, ta sẽ tự biết nhìn nhận lại việc mình làm, xem như đó là bài học quý giá, để ta sẵn sàng sải dài chân bước tiếp trên con đường của mình".
Học sinh Nguyễn Văn Đại - Ảnh: N.H.C.
Lời nhắc nhở mạnh mẽ
(Trích bài thi của NGUYỄN VĂN ĐẠI - học sinh lớp 12A1 Trường THPT Lộc Phát, Lâm Đồng )
Hành động chào bác bảo vệ của những học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) rất đáng ngợi khen, đẹp lắm, và lại còn đánh động tới một vấn đề: đạo đức của học sinh hiện nay.
Học sinh ngày nay không còn lễ phép như học sinh ngày xưa. Các bạn đến trường gặp thầy cô, đứng lại chào, hay về nhà khoanh tay chào cha mẹ ngày càng ít đi. Thay cho "đi thưa - về trình" có khi là vẫy tay và "bye bye", hoặc im lặng bước đi.
Học trò cúi chào bác bảo vệ, hành động đó như một lời nhắc nhở mạnh mẽ: hãy lễ phép với người lớn, không chỉ với thầy cô, mà cả với những người lao động bình thường.
Không chỉ soi lại bản thân mình, mà qua câu chuyện học trò cúi chào bác bảo vệ, chúng ta cần đánh giá lại nội dung giáo dục đạo đức trong nhà trường, dường như chưa hiệu quả (chỉ dạy mà thiếu trải nghiệm, không quan tâm nhiều đến hành vi).
Từ học sinh đến thầy cô, phụ huynh, nhà trường đâu đâu cũng lấy điểm số ra để tuyên dương, khen thưởng, và cả để dọa học sinh!
Ở trường như vậy, về nhà, nhiều bậc phụ huynh quá kỳ vọng vào chuyện học hành của con mình, nhưng lại không kỳ công giáo dục, ít dành thời gian cho con, ít chịu lắng nghe suy nghĩ của con, cùng con học - chơi - học làm người tử tế.
Giáo dục đạo đức ở nhà trường, vì thế, cần phù hợp với lứa tuổi, tâm tính học sinh, không giáo điều, hình thức. Hãy đi từ những tình huống, câu chuyện thực tế về sự yêu thương, lòng nhân nghĩa, vị tha, bác ái...
Còn giáo dục đạo đức ở gia đình cần nhất là sự làm gương từ người lớn. Để đạt hiệu quả giáo dục nhanh, lại phải cần sự kết hợp giữa ba môi trường: gia đình - nhà trường - xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận